Trước giờ cứ tưởng chỉ có dân xì ke ma túy, chơi bời trác táng mới bị “ết”. Thì ra, “ết” đã về tới nông thôn, đã len lỏi và làm nát tan những mái nhà yên ấm.
Gần một tháng nay, người dân ở xóm G. xã H. xôn xao về cái chết của B. Những người đàn ông, vốn không được trời phú cho tính tò mò, trở nên trầm ngâm tư lự khi nghe đầu trên xóm dưới xì xào về nguyên nhân gây ra cái chết của chàng trai chưa đầy ba mươi tuổi. Những “bà tám” thích “buôn chuyện” thì thào vào tai nhau: “Đó, người ta nói đâu có sai”. Rồi họ quay sang đức ông chồng của mình, rắn giọng: “Cứ coi cái gương tày liếp đó. Liệu mà ham vui!”
Gần bốn năm trước, B. rời cái xóm vài chục nóc nhà này. Ba má B. giấu nỗi buồn trong bụng, và cũng không ngăn cản. Nói cho cùng, đâu có ai muốn bươn bả mưu sinh nơi đất khách quê người. Chỉ tại quanh năm cày sâu cuốc bẫm, mồ hôi bạc cả lưng áo mà vẫn không có dư. Tới khi khai giảng, nghe mấy đứa con “liệt kê” một lô một lốc thứ phải mua, đóng đủ thứ tiền, hai ông bà ù tai chóng mặt. B. là con lớn trong nhà, thấy nỗi lo hằn trên trán ba mỗi khi bầy em nhập học, nghe má thở dài khi năm hết Tết đến, tự nhủ mình phải có trách nhiệm san sẻ gánh nặng của gia đình. Mà làm gì mới được chớ? Cứ quẩn quanh bên mấy sào ruộng, cuộc sống chừng nào thong thả đây? Ở xã bên có mấy người thợ hồ vô trong
Theo toán thợ hồ, B. sang làm thuê bên nước bạn. Thỉnh thoảng anh gởi tiền về nhà. Cũng không nhiều nhặn gì. Trong những lá thư gởi cho ba má, B. nói ngắn gọn rằng con vẫn khỏe, vẫn có việc đều đều, ở nhà đừng lo.
Hơn hai năm sau, B. trở về. Cả nhà mừng tíu tít. B. gầy và đen hơn trước nhiều. Người trong xóm tới hỏi thăm: Sao, làm ăn ra sao? Dành dụm được bao nhiêu để còn cưới vợ? B. cười, miệng cười nhưng mà mắt buồn lắm. Người ta nói vậy đấy.
Rồi B. ngày càng gầy, ngày càng xanh xao, như dân đãi vàng mắc sốt rét không bằng. Ngày nọ, một cái tin loang ra. Mới nghe, ai nấy há hốc miệng, trợn tròn mắt: B. bị “ết”.
Chẳng biết xuất phát từ đâu mà tin lan nhanh như gió, rốt cuộc làng trên xóm dưới đều biết. Ba má B. chết điếng, sau đó thì giận đùng đùng: Đứa nào? Đứa nào xấu mồm xấu miệng? Thằng con tui làm gì mà bị “ ết”, hả?
Nghe nói B. lây “ết” từ bên Cam-pu-chia. Nghe nói gái làng chơi bên đó mắc bệnh này đông lắm. Qua đó, chỉ một lần “ham vui” có khi cũng “dính” ngay. Đó, ông M. ở BĐ đi làm thợ mộc ở bển, rồi cũng bị “ết” mà chết. Thấy chưa? Người này thì thào vào tai người kia, bán tín bán nghi.
Giờ đây, sau khi B. nhắm mắt xuôi tay, thông tin anh bị nhiễm HIV mới được gia đình xác nhận. Phải mất một thời gian khá lâu, ba má B. mới chấp nhận sự thật rằng đứa con trai mà họ rứt ruột đẻ ra đã mắc phải căn bệnh thế kỷ. Rồi họ sợ xóm làng xa lánh gia đình mình.
Những người hay chuyện trong xóm G. xòe tay, tính thử có bao nhiêu nông dân bỏ ruộng đồng tới xứ người mưu sinh và bị “ết”. Đầu tiên là ông M. ở BĐ rồi đến B. Thêm một người nữa ở huyện bên cạnh. Người này đã có gia đình, không biết có lây bệnh cho vợ con không nữa.
Càng nghĩ, người ta càng thấy lo. Không biết trên thực tế có bao nhiêu anh chân lấm tay bùn vướng vào đại dịch thế kỷ? Trước giờ cứ tưởng chỉ có dân xì ke ma túy, chơi bời trác táng mới bị “ết”. Thì ra, “ết” đã về tới nông thôn, đã len lỏi và làm nát tan những mái nhà yên ấm.
Về chuyện này, bác sĩ Biện Ngọc Tân, Giám đốc Trung tâm phòng chống AIDS tỉnh Phú Yên cũng thấy lo. Anh nói: Tuy chưa thể đưa ra nhận định gì về tình trạng nhiễm HIV trong nông thôn, song rõ ràng là từ nhóm nguy cơ cao, HIV đang lây lan ra cộng đồng, đối tượng hầu hết đều nằm trong độ tuổi lao động. Điều này thật sự nguy hiểm!
LÂM VY