Ngày 5/11, các địa phương và các ngành đã nỗ lực khắc phục hậu quả lũ lụt.
Tại TP Tuy Hòa: Sau khi nước rút, Công ty TNHH một thành viên Phát triển nhà và công trình đô thị đã huy động 12 xe ép rác cùng 250 công nhân triển khai dọn vệ sinh đường phố và sửa lại các cây xanh, cây cảnh bị ngã. Đại diện đơn vị này cho biết, với quyết tâm làm cho đường phố trở lại sạch đẹp trong thời gian sớm nhất nên công ty phải huy động tất cả công nhân đồng loạt ra quân trên các trục đường bị ngập nước như Nguyễn Công Trứ, Trần Hưng Đạo, Hoàng Diệu, Nguyễn Trãi. Dự kiến lượng rác tồn trong khu vực nội thị khoảng 600 tấn (chưa kể lượng đất, cát) nên phải đến ngày 7/11, việc dọn vệ sinh tại TP Tuy Hòa sau mưa lụt mới kết thúc.
Xe máy của Công ty Quản lý và Sửa chữa đường bộ Phú Yên giải phóng đất đá lấp đường Phước Tân - Bãi Ngà - Ảnh: L.BIẾT
Tại huyện Đồng Xuân: Khắc phục hậu quả mưa lũ, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ huy PCLB-TKCN huyện Đồng Xuân cho biết, đối với những gia đình có người bị chết trong lũ, huyện đã tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ mỗi hộ 5 triệu đồng. Sáng 5/11 các hộ dân phải di dời đã trở về nơi ở cũ an toàn và tập trung khắc phục hậu quả. Huyện đang tích cực triển khai khắc phục giao thông, đảm bảo thông suốt trong thời gian sớm nhất. Trước mắt đã đề nghị Ban Quản lý chuyên ngành giao thông khắc phục bằng phương pháp xếp rọ đá cầu Suối Ré trên ĐT642, thuộc thôn Phước Lộc, xã Xuân Quang 3 để nhân dân đi lại tạm thời. Đối với các giếng nước, đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng huyện phối hợp với các ngành liên quan và địa phương kiểm tra xử lý hóa chất, vận động nhân dân tận thu các diện tích lúa, hoa màu bị ngập úng để kịp xuống giống vụ đông xuân.
Tại huyện Tuy An: Nhằm hạn chế tình hình dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, nhất là các loại bệnh đường ruột do nguồn nước bẩn của đợt lũ lụt vừa qua gây ra, Trung tâm Y tế dự phòng huyện Tuy An đã cấp 10.200 gói Pur, 13.600 viên Aquatbs, 85.000 viên Cloramin B, 34kg Cloramin B dạng bột, 17 cơ số thuốc cho 16 xã, thị trấn và Đồn Biên phòng An Ninh để tiến hành tổ chức xử lý môi trường, giếng nước cho nhân dân ở các vùng bị ngập úng. Ngoài ra, từ nguồn kinh phí của Sở Y tế Phú Yên hỗ trợ, Trung tâm Y tế dự phòng huyện Tuy An còn mua dự phòng 4.640 gói Pur, 2.900 viên Aquatbs, 13 cơ số thuốc, 2.400 viên Pymeprim 480mg, 600 viên Amoxilin loại 500g và 250g để cấp cho các địa phương trong huyện có nhu cầu, khi môi trường và nguồn nước bị nước lũ gây nhiễm bẩn nặng.
* Ngành Giao thông – Vận tải: Đến chiều 5/11, mặc dù nước đã rút nhưng một số tuyến đường của tỉnh vẫn bị tắc giao thông tại cầu Sông Cô trên ĐT642; tràn Bình Nông, Sông Mun trên ĐT644; km 16+800 ĐT646, đường tránh cầu Suối Tía trên ĐT647... Sở Giao Thông - Vận tải đã huy động tối đa lực lượng xe, máy, công nhân khắc phục các điểm hư hỏng, sạt lở nền, mặt đường để có thể tạm thời đảm bảo giao thông. Trong ngày 5/11, đoạn đường dẫn phía nam cầu La Hai bị xói lở dài hơn 10m đã được đổ đá, khôi phục mặt đường. Trên ĐT643 tại km5+700, Công ty cổ phần Tập đoàn kinh tế Xuân Thành triển khai hốt dọn đất từ mái taluy dương sạt lở xuống nền đường. Công việc này vẫn đang được thực hiện tại km31+170, ĐT645B khi một lượng lớn đất đá vẫn còn đổ xuống chân taluy dương... Theo Sở Giao thông - Vận tải, sau khi nước rút hết, đơn vị này sẽ cho kiểm tra thiệt hại của các đường tỉnh đồng thời tập trung toàn lực để sửa chữa các đoạn đường hư hỏng nhằm sớm thông xe và đảm bảo an toàn giao thông trong thời gian sớm nhất.
* Sở Xây dựng và Phòng Quản lý đô thị TP Tuy Hòa: Ngày 5/11 đã tổ chức khảo sát điểm sạt lở tại khu vực phía tây núi Nhạn để tìm ra giải pháp khắc phục. Theo ông Nguyễn Trọng Thượng, Trưởng Phòng Quản lý đô thị, điểm sạt lở dài khoảng 15m, nguyên nhân sạt là do đất bị ngấm nước lâu ngày. Đây là điểm sạt lở mới phát sinh nên trong mùa mưa năm nay nhiều khả năng núi Nhạn tiếp tục bị sạt lở, đe dọa khu dân cư dưới chân núi. Ông Thượng cho biết các hộ dân khu vực này cần được bố trí tái định cư ở nơi khác, nhưng trước mắt Phòng Quản lý đô thị TP Tuy Hòa đề xuất giải pháp xây dựng một tường chắn dưới chân núi Nhạn để hạn chế lượng nước xói vào chân núi, hướng dòng chảy của nước về phía đường bê tông xi măng dẫn lên núi.
H.TRUNG – P.NAM – H.NAM – K.NHO