Thứ Năm, 03/10/2024 07:25 SA
Đồng chí Trần Suyền - một tấm gương trung liệt
Thứ Hai, 20/11/2006 09:02 SA

Tấm gương trung liệt của nhà cách mạng Trần Suyền đáng để được người Phú Yên tự hào khi nhắc đến và noi theo…

 

061120-Tran-Suyen.jpg

Đồng chí Trần Suyền

Đồng chí Trần Suyền là một trí thức yêu nước, sinh năm 1922, trong một gia đình trung nông ở thôn Phong Niên, xã Hòa Thắng, huyện Tuy Hòa (nay là huyện Phú Hòa). Thời niên thiếu, đồng chí rất ham học và học rất giỏi. Năm 1942, đồng chí đỗ tú tài ở Huế. Dân làng Hòa Thắng hết sức phấn khởi. Huyện Tuy Hòa đem võng lọng cờ hoa ra Huế rước “cậu Tú Suyền” về quê để vinh quy bái tổ. Tú Suyền về quê hương nhưng không ở lại quê, lòng thầm hẹn với quê hương là sẽ về sau khi tốt nghiệp đại học Canh nông ở Hà Nội. Tuy Hòa với những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, thương bà con nông dân một nắng hai sương tần tảo trên ruộng lúa, cậu Tú Suyền muốn nghiên cứu thật kỹ các giống lúa, cây trồng, vật nuôi để có những đóng góp cụ thể vào việc phát triển kinh tế ở Phú Yên.

 

Năm 1945, trong không khí sục sôi cách mạng, đồng chí Trần Suyền từ giã giảng đường đại học trở về quê hương tham gia tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Phú Yên trở thành Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời phủ Tuy Hòa ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công.

 

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn trường kỳ, đồng chí Trần Xuyền được giao nhiệm vụ cùng với nhà giáo Bùi Xuân Các và nhà giáo Trần Sĩ xây dựng Trường trung học Lương Văn Chánh – ngôi trường trung học đầu tiên của tỉnh mang tên vị thành hoàng mở đất Phú Yên. Sau đó đồng chí Trần Suyền được bầu vào Ban chấp hành tỉnh Đảng bộ Phú Yên và được phân công làm chính trị viên Tỉnh đội Phú Yên. Thời gian sau đồng chí trúng vào Ban chấp hành Nông hội Liên khu V, được cấp trên điều về phụ trách công tác nông vận ở khu V.

 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí Trần Suyền xung phong ở lại Phú Yên hoạt động bí mật với cương vị Phó Bí thư Tỉnh ủy và từ năm 1961 là Bí thư Tỉnh ủy. Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, kẻ thù đàn áp phong trào cách mạng của tỉnh Phú Yên hết sức khốc liệt. Đảng bộ các huyện, thị xã và các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy bị đứt liên lạc. Trong những tháng năm gian khổ khó khăn đó, đồng chí vẫn một lòng, một dạ hướng về Đảng, về cách mạng. Tháng 5/1956, đồng chí cải trang thành một nông dân, lúc đi thăm bà con, khi thì đi tìm mua lúa giống, bắp giống… để móc nối, nhen nhóm, gây dựng lại phong trào cách mạng ở hai huyện Sông Cầu và Tuy Hòa bị kẻ thù phá vỡ. Nhiệm vụ này hết sức nguy hiểm vì ngày đêm, địch phục chốt, kích lót ở tất cả các nẻo đường. Nhưng với tinh thần dũng cảm, lòng kiên trì nhẫn nại, đồng chí đã liên lạc và đưa đồng chí Đinh Hòa Thái, Phó Bí thư Huyện ủy Sông Cầu về căn cứ cách mạng sau gần một năm đồng chí Thái bị mất liên lạc với tỉnh. Tại Tuy Hòa, đồng chí Trần Suyền trèo đèo, vượt suối, đến những vùng sâu của huyện Tuy Hòa như: Hòa Đồng, Hòa Mỹ, Hòa Thịnh gây dựng lại phong trào cách mạng sau khi các đồng chí Võ Xuân Vinh, Phạm Ngọc Giáo hy sinh, các đồng chí Nguyễn Kiết, Trần Quang Hiệu, Bùi Thị Thanh Vân, Trương Bá Lánh bị thương hoặc bị bắt. Chỉ sau một thời gian rất ngắn, đồng chí đã ổn định được tình hình, đưa phong trào cách mạng của huyện đi vào hoạt động. Từ năm 1958 đến năm 1967, đồng chí Trần Suyền đã tiến hành chỉ đạo cuộc kháng chiến của Đảng bộ và nhân dân Phú Yên giành được nhiều thắng lợi to lớn: diệt tên ác ôn Thống Cường, giải thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ, tiếp nhận vũ khí ở Vũng Rô…

 

Năm 1968, với cương vị là Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Trần Suyền đã lãnh đạo cán bộ, đảng viên và lực lượng vũ trang tỉnh nhà tham gia chiến dịch Mậu Thân lịch sử, chỉ đạo cho lực lượng vũ trang tỉnh ba lần tổ chức tấn công địch trong thị xã với quy mô tiểu đoàn, trụ lại và đánh bại các đợt phản kích của địch ngay tại sào huyệt của chúng.

 

Trong chiến đấu, đồng chí Trần Suyền là một tấm gương sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, được đảng bộ, nhân dân tỉnh Phú Yên học tập và noi theo. Tinh thần trung kiên, bất khuất, tính kiên trì, nhẫn nại của đồng chí Trần Suyền trong nhiệm vụ tấn công kẻ thù luôn luôn được cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhắc nhở nhau để học tập. Trong cuộc sống đời thường, đồng chí luôn đồng cam cộng khổ với đồng chí, đồng đội, mẫu mực trong sinh hoạt… Không ai có thể tính được những năm tháng nhọc nhằn gian khổ của chiến tranh mà đồng chí Trần Suyền đã phải chịu.

 

Ở chiến khu, chỉ có những dịp đặc biệt quan trọng thì đồng chí Trần Suyền mới mặc quần dài, còn tất cả những ngày thường thì đồng chí luôn luôn mặc quần ngắn. Bình thường, anh em ở căn cứ ít ai để ý, nhưng nhiều lần đi qua trảng tranh bốn tiếng (một trảng tranh rộng và dài ở khu căn cứ miền Tây phải mất bốn tiếng đồng hồ mới qua được), thì các chiến sĩ vẫn thấy đồng chí Trần Suyền mặc quần ngắn, một chiến sĩ nhắc:

 

- Thưa thủ trưởng, đi qua trảng tranh, tranh cắt đứt da, thủ trưởng mặc quần dài vô.

 

- Tranh cắt đứt da, thì thời gian sau da sẽ lành lại, tranh cắt đứt vải thì không lành lại được, phải tiết kiệm.

 

Nhìn hai chân của đồng chí Trần Suyền rỉ máu, anh em cán bộ, chiến sĩ không ai đành lòng. Họ nhờ tướng Lư Giang tư lệnh phân khu Nam nói hộ để đồng chí Trần Suyền mặc quần dài, đồng chí Lư Giang nói:

 

- Sức khỏe của anh là vốn quý, Tỉnh ủy lo cho anh mặc quần dài được, anh đừng tự làm khổ mình như thế.

 

- Kháng chiến còn lâu dài mình chịu đựng được, mọi người đừng bận tâm tới chuyện đó – Đồng chí Trần Suyền trả lời.

 

Một lần, tại căn cứ Tỉnh ủy mở đại hội, có làm thịt bò, anh em ngại làm ruột nên bỏ ruột trên suối. Vô tình, đồng chí Trần Suyền thấy được liền xuống vớt lên và bảo đồng chí cần vụ cùng đi với mình làm sạch, phơi khô. Khi hết thức ăn, đồng chí Trần Suyền nhắc anh em lấy ra ăn. Qua một cánh rừng đang mùa ổi chín, anh em chiến sĩ hái ổi ăn, ăn không hết thì vứt. Đồng chí Trần Suyền lượm lại, về căn cứ, lúc không có gì ăn, đồng chí lấy ra cho mọi người cùng ăn…

 

Tấm gương trung liệt của nhà cách mạng Trần Suyền đáng để được người Phú Yên tự hào khi nhắc đến và noi theo…

 

HOA NGUYỄN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek