Thứ Năm, 03/10/2024 07:21 SA
Những kỷ niệm khó quên về đồng chí Trần Suyền
Thứ Tư, 02/01/2008 07:34 SA

LTS: Sau khi đăng bài “Phú Yên nhớ mãi đồng chí Trần Suyền” của đồng chí Nguyễn Duy Luân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, viết về cố Bí thư Tỉnh ủy Trần Suyền - người vừa được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, Báo Phú Yên đã nhận được bài viết “Những kỷ niệm khó quên về đồng chí Trần Suyền” của đồng chí Nguyễn Tường Thuật, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 

080102-Tran-Suyen.jpg

Đồng chí Trần Suyền

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ở Phú Yên có rất nhiều người nghe những giai thoại về “Ông Sáu Râu”, tức cố Bí thư Tỉnh ủy Trần Suyền. Chẳng hạn như chuyện giữa lúc cơ quan ở vùng căn cứ thiếu thốn, anh chị em phải đi bắt cua về nấu canh rau rừng thì ông Sáu bảo phải đem những con cua cái thả xuống suối cho nó đẻ để sau này mới có ăn. Hoặc như mỗi lần đi công tác băng rừng, vượt dốc thì cởi quần dài quấn cổ. Tranh, lau, sậy cứa vào chân cẳng rướm máu ông lại nói: Da thịt trầy xước sẽ lành, còn quần dài chỉ có một cái, phải giữ gìn để mặc lâu bền...

 

Thời kỳ những năm 1970 – 1973, tôi được Đảng phân công làm Chánh văn phòng Tỉnh ủy, có dịp gần gũi, làm việc, phục vụ lãnh đạo của Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy do anh Sáu đứng đầu, càng thấy rõ không chỉ những giai thoại trên là rất thật, mà ở anh còn toát lên sự điềm tĩnh, nhân hậu, biết nhìn xa, trông rộng, của một người lãnh đạo rất đáng quý trọng, kính nể.

 

Vài mẩu chuyện nhỏ ghi lại dưới đây để nhớ về anh, gắn liền với cuộc kháng chiến đầy gian khổ hy sinh và thắng lợi huy hoàng của quân và dân tỉnh nhà.

 

SỰ BÌNH TĨNH, SÁNG SUỐT VÀ LUÔN CHỦ ĐỘNG TRONG MỌI TÌNH HUỐNG

 

Đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân đội chính quy, vũ khí hiện đại đổ bộ vào miền Nam Việt Nam, gây ra cuộc chiến tranh cục bộ quy mô lớn. Chúng thực hiện chiến lược “tìm diệt”, “bình định” bằng nhiều cuộc càn quét có phi pháo yểm trợ, đánh sâu vào vùng căn cứ kháng chiến. Nhiều nơi, địch chà đi, xát lại, làm cho lực lượng cách mạng gặp nhiều khó khăn. Trong tình hình đó, đòi hỏi việc tổ chức chỉ đạo, chỉ huy phải linh hoạt, thích ứng. Việc giữ vững liên lạc giữa cơ quan Tỉnh ủy với các địa phương, các ngành, các mặt trận và cấp trên là vô cùng quan trọng. Nếu sự lãnh đạo thiếu tỉnh táo, bị động, sẽ rơi vào tình trạng rối loạn, mất phương hướng, khó giữ được sự chủ động trên chiến trường.

 

Anh Sáu sử dụng cơ quan tham mưu theo dõi, nghiên cứu, nắm quy luật địch; tổ chức đối phó bằng biện pháp chủ động tránh né, di chuyển theo kiểu “địch ở trên đồi, ta ở dưới chân núi, địch lùng sục bên này, ta tạm lánh bên kia”; vừa tránh được phi pháo, vừa bảo toàn được lực lượng cơ quan, đơn vị; giữ vững liên lạc trong lãnh đạo, chỉ huy; chưa một lần để phương tiện thông tin, điện đài, tài liệu rơi vào tay địch, làm cho các cuộc hành quân của chúng không đạt được mục đích. Sự bình tĩnh, sáng suốt và tính chủ động thể hiện bản lĩnh vững vàng của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, tạo niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ và quân dân cả tỉnh.

 

NGHE NHIỀU, NÓI ÍT, NGHIÊN CỨU KỸ, PHÂN TÍCH SÂU SẮC, GIẢI QUYẾT THẬN TRỌNG TRONG MỌI CÔNG VIỆC

 

Cố đồng chí Cao Kỳ Trí (Ba Diệu) lúc còn làm ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, trực tiếp làm Bí thư thị xã Tuy Hòa, thường trò chuyện với tôi mỗi khi về làm việc tại Tỉnh ủy.

 

- Thuật ơi, tao không ngại ông Sáu phê bình, mà ngán nhất là khi nghe báo cáo cả tiếng đồng hồ mà ổng vẫn nín thinh.

 

Thật vậy, có thời gian cán bộ ta bám vùng ranh có mối nghi ngờ về sự đi lại của cơ sở cách mạng và quần chúng tốt với một số quan chức ngụy quyền, thậm chí suýt có trường hợp bắt xử lý oan. Các báo cáo khác nhau đã khiến đồng chí Bí thư Tỉnh ủy suy nghĩ, phân tích tình hình hết sức thận trọng. Nhiều lần yêu cầu thẩm tra, xác minh đã đi đến kết luận rằng địch đang thay đổi âm mưu, thủ đoạn “bình định nông thôn” bằng cách bôi đen cơ sở cách mạng, ly gián quần chúng tốt với tổ chức, gây nghi kỵ trong nhân dân, nhằm làm cho “ta đánh ta”. Phát hiện này giúp cho các lực lượng của ta đánh trúng địch, bảo vệ được quần chúng, giữ vững phong trào. Ngoài ra, báo cáo kịp thời cho Thường vụ Khu ủy V những âm mưu, thủ đoạn mới của kẻ thù. Theo tôi, đây là một cống hiến không nhỏ vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước toàn khu V.

 

Suốt hơn ba năm làm Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, công tác bên cạnh anh Sáu, tôi không hề thấy vấn đề chính trị liên quan đến con người nào, kể cả vấn đề cấp dưới yêu cầu giải quyết được trình lên là có câu trả lời ngay. Hầu hết đều nghe đi, nghe lại hoặc yêu cầu thẩm tra xong mới đưa ra quyết định. Vì thế mà tránh được sai lầm.

 

Khi phát hiện các cuộc xua quân càn quét, lấn chiếm của địch, binh lính của chúng rất sợ sập hầm chông và vướng mìn, anh liền chủ trương phát triển hàng loạt các “khu tử địa” để ngăn chặn địch. Thực chất, nhiều “khu tử địa” chỉ cắm biển “đầu lâu xương chéo” nhưng phát huy tác dụng tích cực trong việc bảo vệ vùng giải phóng, vùng giáp ranh.

 

Thực tế cho thấy đồng chí Trần Suyền chẳng những là một người lãnh đạo chiến tranh sắc bén, có kinh nghiệm, mà còn là một chuyên gia của phong trào nhân dân du kích chiến tranh.

 

LÀ NGƯỜI TIÊU BIỂU CHO TINH THẦN ĐOÀN KẾT, VỚI TÌNH CẢM CÁCH MẠNG TRONG SÁNG, VÔ TƯ

 

Một hôm, tại cơ quan Văn phòng Tỉnh ủy cuối năm 1972, lúc trời vừa sáng thì đồng chí Trần Quang Tam, Trưởng tiểu ban cơ yếu, trình cho tôi bức điện ZN (dịch ngay: Độ khẩn cao nhất) có nội dung: Gửi anh Sáu: Hiện tại, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã hết lương thực. Địch phong tỏa cửa khẩu, tình hình rất khó khăn. Đề nghị anh giúp. Ký tên SX.

 

Lúc ấy, thật tình tôi không hiểu người ký tên trong bức điện, nhưng anh Sáu thì cười, nói đó là anh Hai –Bí thư Tỉnh ủy bạn và bảo tôi mời gấp anh Ba Thu – Trưởng ban lương thực đến bàn. Anh Thu báo cáo: Gạo chỉ còn độ 30 tấn; còn sắn thì rất nhiều, cơ quan nào cũng có.

 

- Thế thì chia đôi gửi cho “nẫu” một nửa và phải giải quyết nhanh – Anh Sáu nói chậm rãi, dứt khoát.

 

Đến buổi chiều cùng ngày, đồng chí Tam lại đưa bức điện tương tự như buổi sáng nhưng người ký tên lại là NNH. Khi tôi trình, anh Sáu lại giải thích: Sáng là điện của Tỉnh ủy, còn điện này là của Tỉnh đội. Giao cho tôi cùng với anh Ba Thu chuyển hết số gạo còn lại cho “nẫu”. Đồng thời tổ chức thu mua dự trữ gấp. Nếu cơ quan nào của tỉnh chưa lấy được gạo thì tạm thời ăn sắn.

 

Anh Ba Thu đã thực hiện tốt công việc trên như chấp hành một mệnh lệnh.

 

THƯƠNG YÊU CÁN BỘ CẤP DƯỚI, QUAN TÂM BỒI DƯỠNG THẾ HỆ TRẺ

 

Tôi chứng kiến rất nhiều trường hợp một số đồng chí cán bộ phạm thiếu sót, khuyết điểm được Tỉnh ủy mời đến kiểm điểm, góp ý. Mỗi lần như vậy anh Sáu và cả anh Chín Cao (Nguyễn Duy Luân) – Phó Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên đều thẳng thắn phê bình, đấu tranh, có khi rất gay gắt nhưng sau đó là sự gần gũi, ôn tồn động viên. Ở anh chưa bao giờ có biểu hiện định kiến, truy ép, hay xét nét, nhỏ nhen. Chính nhờ điều này mà số đông cán bộ kính trọng, tiếp tục công tác, chiến đấu.

 

Trong chiến tranh, anh là người có cách nhìn xa và sự quan tâm hiếm thấy đối với thế hệ trẻ. Ngoài việc bàn bạc, giao trách nhiệm xây dựng tổ chức Đoàn, lãnh đạo phong trào thanh niên cho Ban chấp hành Tỉnh đoàn, anh nêu và kiên trì chỉ đạo việc đào tạo cán bộ Đoàn thanh niên thành “những chiếc máy cái” để khi ra trường, anh chị em có điều kiện chủ động, sáng tạo, phát triển thành cấp số nhân. Tại các lớp huấn luyện cán bộ hoặc sinh hoạt của Ban chấp hành Tỉnh đoàn, anh có thể ngồi nghe suốt buổi và đưa ra ý kiến gợi mở dễ hiểu, dễ tiếp thu.

 

Nhiều cán bộ Đoàn tỉnh Phú Yên thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhớ mãi hình ảnh, việc làm của anh, vì nó gắn liền với sự phát triển, tiến bộ của họ.

 

Làm Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, cá nhân tôi cũng như các anh Tám Trân, Bảy Tính, Lê Hiệp trước đó, và anh Hồng Quang sau này, vừa thực hiện chức năng tham mưu, bao quát, phục vụ lãnh đạo của Tỉnh ủy với toàn bộ hoạt động kháng chiến – nhất là đấu tranh vũ trang, chính trị, binh vận, dân vận, kinh tế... vừa thực hiện tốt chức năng “làm dâu trăm họ”, nên không thể nói mọi việc đều hoàn hảo. Riêng mối quan hệ với đồng chí Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chánh Văn phòng là người trực tiếp tham mưu, xử lý rất nhiều công việc nên khó tránh khỏi sự phiền trách, thậm chí cũng có lúc đụng chạm, bất bình... Tuy vậy trong ký ức sâu thẳm của mình, tôi luôn luôn đặt anh Sáu – Trần Suyền là người lãnh đạo chiến tranh nhiều kinh nghiệm với tấm lòng khả kính.

 

Đức tài, nhân cách, phẩm chất của anh sẽ đọng lại mãi trong lòng đồng bào, đồng chí, đồng đội trên quê hương tỉnh nhà.

 

NGUYỄN TƯỜNG THUẬT

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Chánh văn phòng Tỉnh ủy 1970-1973

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nhớ bác Ba Diệu
Thứ Tư, 07/11/2007 07:30 SA
Người nữ thương binh dũng cảm
Thứ Sáu, 02/11/2007 07:15 SA
Mong lại được gặp thầy
Thứ Năm, 01/11/2007 07:03 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek