Thứ Năm, 03/10/2024 11:32 SA
Một mối tình thời chiến
Thứ Hai, 11/09/2006 08:14 SA

Ngôi nhà của bác Nguyễn Thị Lệ nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Ngô Quyền (TP Tuy Hòa). Đã gần 30 năm qua, ba mẹ con bác Lệ nương tựa bên nhau trong ngôi nhà này. Bác Lệ xúc động mỗi khi kể lại những chặng đường mà hai vợ chồng đã trải qua, đặc biệt là mối lương duyên thời chiến.

 

TÌNH TRONG LỬA ĐẠN

 

060911-bac-le.jpg

Bác Nguyễn Thị Lệ (bên phải) cùng bác Vân tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên - Ảnh: MINH KÝ

“Năm 1954, Hoà Tân là vùng kháng chiến, tôi mới 15 tuổi đã giác ngộ cách mạng, tham gia du kích xã, nắm tình hình tây núi Hiềm, tây Cầu Máng, canh gác cho lực lượng cách mạng trong vùng hoạt động. Trong xóm, có anh Lê Quyết Chiến đang là học sinh cũng giác ngộ lý tưởng cộng sản, là du kích xã và tổ trưởng tổ quyết tử. Cả hai chúng tôi đều nằm trong ban chấp hành (BCH) thanh thiếu nhi xã Hoà Tân và rất thân nhau. Cha mẹ hai đứa hứa nhau dạm hỏi.

 

Tháng 7-1954,  tôi được gọi đi tập kết, nhưng chị Bùi Thị Xuân Vân, Chủ tịch Phụ nữ khu V và các anh Bảy Tính tên Tư Quí… giữ lại làm liên lạc cho Huyện ủy. Thế là tôi ở lại nhưng cũng không dám nói cho anh Chiến biết vì sợ lộ. Mỗi lần chị Vân ở Cảnh Phước viết thư lên cho anh Chín Cao là tôi đem đi. Anh Bảy Tính ở nhà anh Lê Tự Trị, nơi họp Huyện uỷ đầu tiên của huyện Tuy Hòa, tôi cũng đem thơ tới hay đem thư lên Hoà Thịnh. Hồi đó, anh Chín Cao ở nhà ông Hớn - Hoà Tân Tây bây giờ”.

 

Để qua mắt địch, tôi phải đặt ra nhiều tình huống khác nhau. Giả đi buôn, tài liệu để trong quai nón. Hồi đấy, tôi thường cải trang mua bán, gánh giỏ mua gà, mua cau, sáng lên chợ Hoà Thịnh rồi về chợ Đông Mỹ...

 

Năm 1955, bỗng dưng nghe tin Chiến đi lính cho địch, tôi thầm nghĩ thế là hỏng cả rồi, không thể sống chung với người bên kia chiến tuyến. Tôi về nói với má: “Gia đình mình là đảng viên, ổng lại đi lính cho địch. Thôi má nói lại với gia đình bên đó con không ưng đâu”. Từ đó, tôi đã xem Chiến là người của bên kia.

 

Một hôm, anh Bảy Tính đem bản đồ quân ta đánh Điện Biên Phủ về cơ sở để họp bàn học tập phương án tác chiến. Cuộc họp đó Chiến cũng có mặt. Tôi đem thắc mắc này hỏi anh Bảy Tính thì nhận được câu:

 

Thôi em à, anh không giải thích cụ thể được. Em cứ hiểu như thế này “Xanh vỏ đỏ lòng”. Mà em cũng nên thương nó để nó còn có cớ về báo cáo tình hình với mấy anh mấy chị. Nghe thế tôi liền hỏi: Chẳng lẽ bên mình đưa anh Chiến vô lính thiệt na?

 

Ai cũng cười cái sự ngây ngô của tôi.

 

Rồi anh Chiến về. Tôi hỏi, anh cũng chỉ cười: “Tôi làm gì thì làm, mặc gì thì mặc miễn không phản gia đình, phản Tổ quốc là được rồi”. Lúc này tôi mới biết Bí thư Huyện uỷ Tuy Hoà Tạ Trung Thanh cài anh Chiến vào đơn vị bảo an của địch tại thị xã Tuy Hoà, chờ cơ hội sẽ đánh thẳng vào bên trong sào huyệt của chúng. Sau thất bại Điện Biên Phủ, lính Pháp lúc bấy giờ tập trung bắt bớ đảng viên, lùng sục cơ sở cách mạng của ta rất ráo riết. Chúng cũng bày trò bầu ban chấp hành thanh niên của xã. Nhân dịp đó, ta cử người ứng cử vào BCH của địch để dễ bề hoạt động.

 

Sau này càng nghĩ tôi càng thấy thương anh Chiến và thầm trách cho sự ngây ngô của mình!

 

NHỮNG NĂM THÁNG OANH LIỆT

 

Tháng 11-1955, cơ sở bị lộ, do thằng Ánh (người của tổ chức cài vào đơn vị bảo an) bị bắt, rồi nó khai tuồn tuột. Toàn bộ cơ sở cách mạng ở Hoà Tân cũng bị lộ do ông Thắm - Bí thư xã Hoà Tân bị bắt -  khai hết. Địch bắt 400 người ở Hoà Tân đưa đi các trại giam Ngọc Lãng, Hoà Vinh, Khu Chiến. Anh Chiến bị bắt giam nhà lao Ngọc Lãng. 28 tháng Chạp năm đó, tôi cũng bị bắt giam tại trại giam Khu Chiến.

 

Tròn một năm, anh Chiến bị đày đi Côn Đảo.

 

Năm 1956, chị Vân và anh Hùng bị bắt, giam ở Ngọc Lãng, chúng chở tôi với ông Thắm qua nhận mặt. Ông Thắm nhận, tôi thì không. Sau đó, anh Hùng bị chúng đánh đến chết.

 

Không thành cung nên tôi được địch thả ra và trở lại hoạt động. Được mấy tháng lại bị bắt giam tại núi Nhạn cùng 50 – 60 người khác. Sau 4 tháng tra tấn không ra manh mối, chúng lại thả.

 

Hoạt động được một năm, đến 1959, tôi lại bị giam 6 tháng. Cuối năm 1959 về. Đồng khởi Hoà Thịnh nổ ra, tôi làm văn phòng Huyện uỷ Tuy Hoà.

 

Năm 1973, tôi trúng cử vào Tỉnh ủy. Một lần trên đường đi họp, tôi gặp địch phục kích bắn mìn mo, bắn pháo trúng ngay tai phải và sâu vào đầu, 5, 6 tháng không lành! Thế là cứ lấy mật nhét vào, sống chung với nó đến tận bây giờ!

 

Năm 1974, Tỉnh uỷ cử tôi đi học chính trị. Địch trao trả tù từ Lộc Ninh về Trà My (giáp biên giới Lào). Lúc đó, chị Vân, anh Suyền đều ở khu V, nghe danh sách tù binh có tên Lê Quyết Chiến. Mọi người vào trường báo tin cho tôi. Tới nơi, tìm mãi chẳng thấy. Tôi ngờ ngợ một người nhưng không dám chắc vì anh ấy gầy ốm xanh sao đến mức không còn rõ mặt. Hỏi không trả lời, sau anh Chiến cười, tôi mới nhận ra qua cái răng cấm hàm dưới.

 

Đất nước thống nhất cũng là lúc chúng tôi cưới nhau, đoàn tụ dưới một mái nhà. Tôi được đi học bổ túc sau đó làm phụ nữ bên huyện. Năm 1976 đi Liên Xô, đến 1978-1979 học chính trị tại Thủ Đức. Sau năm 1980 về làm Chủ tịch Phụ nữ huyện Tuy Hoà, đến 1987 nghỉ hưu.

 

Anh Chiến về làm ở cơ quan Thống kê huyện Tuy Hoà, sau đó chuyển sang bên thông tin văn hoá. Đến năm 1990 - 1993 làm Phó chủ tịch trọng tài kinh tế. Rồi anh ra đi mãi mãi, tôi một nách nuôi hai con nhỏ đến bây giờ”.

 

Cả một đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, bác Lệ được Nhà nước trao tặng Huân chương độc lập, Huân chương kháng chiến…  Bây giờ, các con đã yên ổn gia đình. Bác Lệ chỉ mong mỏi một điều là bác Lê Quyết Chiến được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang vì đã hội đủ các tiêu chuẩn. Đấy là mong mỏi chính đáng.

 

KIM CHI (ghi)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek