Thứ Năm, 03/10/2024 11:31 SA
Phú Yên có một vị trí đặc biệt của xứ Đàng Trong
Thứ Tư, 28/06/2006 09:51 SA

Tại Đại hội Hội Khoa học lịch sử tỉnh Phú Yên lần thứ I, PGS-TS Nguyễn Quốc Lộc-Ủy viên Hội đồng Khoa học TP Hồ Chí Minh; PGS-TS Mạc Đường, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học vùng Nam bộ đã trao đổi với Báo Phú Yên một số vấn đề  về lịch sử Phú Yên.

 

* Thưa cácPGS-TS, Phú Yên có vị trí như thế nào trong sự nghiệp khai phá xứ Đàng Trong của ông cha ta?

 

060628-nguyen-quoc-loc.jpg
PGS Nguyễn Quốc Lộc
PGS-TS Nguyễn Quốc Lộc: Trong quá trình mở cõi, có một thời gian dài Phú Yên có nhiệm vụ là địa đầu phía nam của Đại Việt. Đó là từ năm 1471 đến năm 1653. Trong thời gian đó, vùng đất mới này có nhiều lưu dân vào khai hoang, lập ấp và hình thành phủ Phú Yên vào năm 1611. Sau nữa là thành dinh Trấn Biên vào năm 1629. Phú Yên có một vị trí đặc biệt ở xứ Đàng Trong vì  cả 3 mặt đều tiến. Phía Nam thì Nam tiến, phía Đông Đông tiến, phía Tây Tây tiến. Cả 3 mặt ấy đến nay đều có tầm quan trọng của nó, đặc biệt là Tây tiến.

 

PGS-TS Mạc Đường: Thời Nguyễn Hoàng đã lập ra đất Phú Yên nhưng trước đó, người dân lao động ở các tỉnh đã vào đến Sông Cầu và các vùng ven biển để khai phá trước khi có sắc phong của triều đình thành lập phủ Phú Yên.

 

* Những thành tựu nghiên cứu sử học (bao gồm cả dân tộc học và khảo cổ học) đã đủ luận cứ để chứng minh rằng tiểu quốc Hoa Anh xưa (sau năm 1471 đến trước năm 1578) là  vùng đất Phú Yên hôm nay chưa, thưa các PGS-TS?

 

060628-mac-duong.jpg
PGS Mạc Đường
PGS-TS Nguyễn Quốc Lộc: Đây là một vấn đề khoa học lí thú nhưng cũng đầy khó khăn, phức tạp. Vì nó có lịch sử rồi. Lê Thánh Tôn phong Hoa Anh là một nước, Nam Bàn một nước. Hoa Anh ở đâu, cách đây không lâu lắm nhiều ý kiến vẫn còn khác nhau. Có người cho rằng Hoa Anh ở Khánh Hoà, có người cho rằng Hoa Anh ở Phú Yên. Riêng tôi cho rằng Hoa Anh ở Phú Yên. Hoa Anh tồn tại vào giai đoạn 1471 và kết thúc vào năm 1578 khi Lương Văn Chánh vào đánh thành Hồ. Tôi khẳng định Hoa Anh thuộc vùng đất Phú Yên. Sự tồn tại của nó đặc biệt lắm, tồn tại khác với những sự tồn tại khác. Cho nên bây giờ nghiên cứu, tìm hiểu về vấn đề này là một việc làm rất khó nhưng rất hay.

 

PGS-TS Mạc Đường: Theo tôi, Phú Yên không thể là Hoa Anh xưa được. Hoa Anh nằm bên miền núi, là Nam Bàn. Còn vùng này là vùng của người Việt. Cụ thể là người Việt của Thừa Thiên trở vào.

 

* PGS-TS đang nghiên cứu về Phú Yên ở thế kỷ XVII- XVIII. Các PGS TS có thể cho biết thêm thông tin về Phú Yên xưa- một thời Tây Sơn trung đạo, đóng góp rất nhiều cho buổi đầu dấy nghiệp của phong trào Tây Sơn?

 

PGS-TS Nguyễn Quốc Lộc: Phong trào Tây Sơn là một nội dung trong đề tài nghiên cứu sắp đến Phú Yên phải làm, phải có riêng một chương về vấn đề này. Cách đây không lâu, tôi có viết Phú Yên thời Tây Sơn, viết về bà nữ chúa Chế Ava (người Chăm) đã từng giúp cho bà Bùi Thị Xuân dùng cây lá rừng chữa cho voi khi voi bệnh. Đây là một đề tài cho đến nay theo tôi ít người nghiên cứu, nghiên cứu chưa đầy đủ, cần phải làm nhiều để xứng đáng với thời đại đó.

 

PGS-TS Mạc Đường: Phú Yên là giai đoạn cuối của Tây Sơn. Sau khi quân Tây Sơn rút về Bình Định đánh ở Thị Nại, quân Tây Sơn thua. Chính vì thế , giai đoạn cuối cùng của Tây Sơn là ở Phú Yên.

 

* Được biết một số nơi ở Đông Nam bộ như Bình Chánh (TP.Hồ Chí Minh), Tiền Giang… có đền thờ Lương Văn Chánh. Như vậy, một bộ phận lưu dân Phú Yên đã vào khai khẩn đất phương Nam sau năm 1698 và thờ vị thần hoàng của vùng đất cũ. Đề nghị PGS -TS cho biết thêm về chi tiết này?

 

PGS-TS Nguyễn Quốc Lộc: Đây là một thông tin hay. Tôi cho chi tiết này rất đáng tin. Vừa rồi tôi có phản biện một luận án tiến sĩ ở TP Hồ Chí Minh về Công giáo ở miền Tây Nam bộ. Trong tài liệu có công bố một chi tiết, xứ đạo ở nhà thờ Cái Mơn có do 30 người từ Phú Yên đi ghe bầu vào lập ra. Vì thế, có thể khẳng định rằng là có một bộ phận lưu dân Phú Yên vào phương nam khai khẩn đất đai, sinh sống.

 

PGS-TS Giáo sư Mạc Đường: Đây không thuộc lĩnh vực nghiên cứu của tôi nhưng tôi chắc chắn rằng, trong lưu dân của miền Trung nhiều tỉnh thì có Phú Yên vào trong Nam. Nhất là vùng Đức Huệ, Đức Hoà, rất nhiều dân Bình Định, Phú Yên.

 

* Với sự xuất hiện của Hoà thượng xứ Liễu Quán, giáo sĩ Đắc Lộ (Cố Tràng) và thánh Anrê, liệu có đủ để chứng minh Phú Yên là một trong những trung tâm tôn giáo ở xứ Đàng Trong vào thế kỷ XVII?

 

PGS-TS Nguyễn Quốc Lộc: Phật giáo và Thiên chúa giáo ở Phú Yên từ thế kỷ XVII đã phát triển khá mạnh mà Liễu Quán là một nhân vật đặc biệt. Thiên Chúa giáo đến với Phú Yên khá sớm, từ thời dinh Trấn Biên đã có giáo sĩ nước ngoài vào trực tiếp truyền đạo. Ông Đắc Lộ cũng ở đây vẽ bản đồ Phú Yên. Với những điều đó, thì có thể nói Phú Yên là một trong những trung tâm tôn giáo của xứ Đàng Trong thế kỷ XVII.

 

PGS-TS Mạc Đường: Theo tôi, nói Phú Yên là một trong những trung tâm tôn giáo ở xứ Đàng Trong vào thế kỷ XVII thì chưa chắc. Nhưng ở Qui Nhơn (Bình Định) thì chắc chắn hơn. Năm 1845, Thiên Chúa giáo đã đến với Qui Nhơn và linh mục Do đã đưa những người Pháp lên truyền đạo ở Kon Tum, mở ra xứ đạo Kon Tum đầu tiên ở Tây Nguyên. Còn tôn giáo ở Phú Yên có thể là một nhánh từ trong Gia Định ra.

 

* Xin cảm ơn các PGS -TS!

 

KIM CHI (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Bàn tay vàng và những sản vật biển
Thứ Hai, 20/03/2006 09:30 SA
Đậm đà bản sắc văn hóa
Thứ Sáu, 17/03/2006 14:41 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek