Thứ Năm, 03/10/2024 11:32 SA
Y Điêng – bậc trưởng lão của dòng văn học miền núi Phú Yên
Thứ Bảy, 08/07/2006 09:01 SA

Y Điêng người dân tộc Ê đê Mơhur, sinh ngày 15-2-1928 tại Buôn Thung, cái buôn nhỏ gồm mươi nóc nhà nép mình bên bờ nam của con sông Hinh. Anh đến với cách mạng ngay từ những ngày đầu Tổng khởi nghĩa Tháng tám 1945, vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1949. Buổi lễ kết nạp Đảng mà anh không thể nào quên được tổ chức ngay tại chân hòn Núi Lá, góc bờ nam của con sông Hinh.

 

060708-ydieng2.jpg
Nhà văn Y Điêng - Ảnh: K.Duy
Y Điêng đến với cách mạng, với Đảng, rồi những gì nung nấu trong lòng mà anh cảm nhận được từ cuộc chiến đấu của dân tộc mình, anh viết ra và trở thành nhà văn. Có thể nói Y Điêng là người viết văn xuôi đầu tiên của Tây Nguyên, và cũng là người đầu tiên sáng tác ở nhiều thể loại: bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết.

 

Bắt đầu từ việc dịch các bài thơ ngắn, các truyện cổ của người Êđê ra tiếng Kinh, Y Điêng bước vào lĩnh vực văn học với truyện ngắn đầu tiên: “Em nhờ bộ đội Awa Hồ”. Truyện ngắn này đã đạt giải ba cuộc thi do Báo Thống Nhất tổ chức năm 1961.

 

Hơ-Giang là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Y Điêng được viết bằng hai thứ tiếng (tiếng Ê đê và tiếng Kinh). Sau Hơ Giang, Y Điêng tiếp tục cho xuất bản các tác phẩm: “Đrai H’ling đi về phía sáng” và truyện dài “Truyện bên bờ Sông Hinh” (2 tập).

 

“Sông Hinh, con sông quê hương” là tập bút ký mới nhất của Y Điêng, anh viết nhân kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam và 20 năm ngày thành lập huyện Sông Hinh.

 

“Cọp núi Lá, cá Sông Hinh”, không biết từ bao giờ câu thành ngữ ấy đã in sâu vào trí nhớ của đồng bào các dân tộc miền tây cũng như đồng bào cả tỉnh. Núi Lá ngày nay không ai thấy cọp, và cá Sông Hinh bây giờ cũng ít hơn, chứ theo tác giả thì ngày xưa Sông Hinh cá đặc nước, đi tắm trên sông bị đàn cá quấy rầy. Đi múc nước phải đem theo tấm phên che miệng bầu để cá khỏi lọt vào. Không chỉ có cá mà các sản vật khác Sông Hinh dành cho con người cũng nhiều vô kể. Ngày mới đến lập cư, đi bứt dây rừng để buộc nhà, người ta lại kéo phải cái đuôi con kỳ nhông, muốn lấy hòn đá kê ông táo, lại lượm phải con rùa…

 

Người Êđê, và các dân tộc ít người khác như người Chăm, người Bana… sống hai bên bờ Sông Hinh coi con sông như một phần của cuộc đời mình, gần gũi và thiêng liêng. Ngay từ khi lọt lòng mẹ, qua ngày thứ ba, đứa trẻ ấy dù trai hay gái cũng được người mẹ đưa xuống dòng Sông Hinh tắm gội, để lớn lên, nó gắn bó với miền đất và con sông này.

 

21 năm từ ngày thành lập huyện, thời gian chưa dài, vậy mà vùng đất này đã nhiều thay đổi. Buôn làng đã có nhiều nhà mái ngói đỏ tươi như bầy hươu gặm cỏ trên đồi. Nhà có rào giậu, trước nhà trồng cây ăn trái. Trên đồi bạt ngàn xanh nương sắn, bắp cõng con vàng óng, thay cho màu cỏ tranh vàng úa ngày nào. Hàng ngàn hecta ruộng lúa nước, thu hoạch gấp mấy lần làm lúa rẫy, một công việc mà trước đây chưa ai dám nghĩ tới.

 

Đầu năm 1995, dòng nước Sông Hinh hoang dã đã bị chặn lại, tạo ra một cái hồ lớn. Cái hồ lớn đẻ ra một dòng Sông Hinh con. Con “Sông Hinh con” này chảy vào nhà máy, phát ra điện sáng. Các buôn làng đã có điện sáng trong nhà, người già, trẻ con đi lại không bị vấp té, chấm dứt cái cảnh sống nhờ ánh sáng bếp lửa, đèn chai, đèn dầu leo lét.

 

Có được cái ăn tạm no bụng, có được điện sáng, đời sống văn hóa người dân Sông Hinh từng bước khởi sắc, các tập tục lạc hậu dần dần xóa bỏ. Trẻ em lũ lượt cắp sách đến trường học trong những ngôi trường mới. Ngày hội, tiếng cồng chiêng, tiếng trống rộn rã, lúc trầm, lúc bổng như reo mừng cuộc sống mới.

 

Từng trang, từng trang viết của Y Điêng thấm đẫm tình yêu thiết tha, sâu nặng với mảnh đất, con sông quê hương làm xúc động người đọc.

 

Xin chúc nhà văn Y Điêng, “bậc trưởng lão của nền văn học miền núi và dân tộc” luôn cường tráng ở cái tuổi gần kề bát thập của mình, để viết được nhiều tác phẩm hay hơn, góp vào hành trang văn hóa không chỉ cho bà con các dân tộc sống trên vùng đất Sông Hinh, mà còn cho nhân dân cả tỉnh, cả Tây Nguyên, để cuộc sống luôn “đi về phía sáng” như anh từng mong ước.

 

BẰNG TÍN

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek