Chủ Nhật, 19/05/2024 01:56 SA
Nhà ở của dân tộc Chăm:
Đậm đà bản sắc văn hóa
Thứ Sáu, 17/03/2006 14:41 CH

Phú Yên hiện có 19.219 người dân tộc Chăm. Đây cũng là dân tộc có dân số nhiều nhất trong số các dân tộc thiểu số ở Phú Yên. Người Chăm có nền văn hoá truyền thống đặc sắc, điều này dễ nhận thấy ở kiến trúc xây dựng nhà ở.

 

Tuy sống ở những vùng đất ít thuận lợi về địa hình, nhưng người Chăm luôn có ý thức làm nhà bền vững. Họ chỉ dời nhà khi bị bệnh dịch, hoặc thiên tai làm cháy cả làng. So với nhà của người Êđê, nhà sàn của người Chăm gọn gàng và thấp hơn. Đây là loại nhà sàn khung cột, có chiều dài 6m, chiều rộng 3m chiều cao từ mặt đất đến sàn nhà là 1m và được cấu trúc như sau:

 

Về phần khung nhà gồm có 6 cây cột dọc chôn sâu xuống mặt đất khoảng 40 cm và có cây đà sàn dùng để liên kết cột này với cột kia, đầu được khất ngàm để ráp vào các cây cột dọc.

 

Nhà rông văn hóa Phú Lợi được xây dựng theo dạng nhà truyền thống của dân tộc Chăm H'roi - Ảnh: Nguyễn Trưởng

 

Về sàn nhà được sắp xếp thành 4 lớp: lớp dưới cùng là loại cây to bằng cán rựa, xếp thao chiều dọc, mỗi cây cách nhau 10cm; lớp thứ 2 dùng loại cây to bằng ngón chân cái, xếp theo chiều ngang, mỗi cây cách nhau 5cm; lớp  thứ ba dùng loại cây nhỏ hơn, xếp dọc theo sàn nhà và lớp sàn trên cùng được bện bằng cây mò o hoặc tre, khoảng cách cây này với cây kia bằng đầu chiếc đũa.

 

Về phần mái, phải có 3 cây đà ngang được khất ngàm ở hai đầu với kích thước tương đương với ngàm cây đà dọc, và khi hai cây này cột vào nhau thì phải còn thừa 15cm (tính từ cây cột đến cuối đà). Bên trên, đầu cuối của cây đà đều khất ngàm để đỡ hai cây đà dọc chạy theo hai bên mái nhà gọi là cây đà cái (anà ala). Trên cây đà cái, gác các cây rui đều nhau, cây nọ cách cây kia 20cm, khoảng cách cặp đầu rui này với cặp đầu rui kia là 18cm. Trên cây rui của hai mái là những cây mè được buộc cách nhau mỗi cây là 20cm và trên cùng là lợp tranh.

 

Muốn lên nhà phải dùng cầu thang (lơ nham). Cầu thang nhà người Chăm có hai loại: loại đơn giản là dùng một cây tre tạo thành các nấc, loại phức tạp là dùng gỗ chạm khắc và trên đầu có chạm hai bầu sữa căng tròn như thường thấy trên cầu thang của người Êđê. Trong nhà, cửa phụ cũng là cửa cấm, nên luôn được đóng kín, có mở cũng không ai được lên xuống. Theo phong tục, nếu ai lên xuống cửa phụ thì của cải trong nhà cũng sẽ đi theo như dòng nước chảy không có chỗ dừng. Ai vi phạm, phạt ít nhất là một ché rượu, một con gà, nhiều hơn là bò, heo. Nhà ở của người Chăm thường quay mặt về hướng nam, cửa chính đặt theo hướng của ngôi nhà. Đối diện với cửa chính là cửa phụ, hai bên hông có các cửa sổ.

 

Do kích thước nhà không lớn, nên nhà ở của người Chăm thường không có nhiều gian, chủ yếu là ba gian. Gian trong cùng đặt bếp chính (bếp mẹ) là nơi ngủ của vợ chồng người chủ gia đình, gian giữa là nơi ngủ dành cho con trai có vợ hoặc trai gái chưa vợ, gian ngoài cùng dùng để tiếp khách. Tại đây, có một bếp lửa (bếp phụ) dùng để nấu nước, sưởi ấm, hút thuốc. Nơi này cũng là chỗ thực hiện các lễ cúng và là chỗ ngủ của khách. Nếu nhà có nhiều gian, thì gian nằm gần cửa chính dành cho con trai, con gái chưa chồng ngồi chơi sưởi ấm.

 

Đối với con cái đã lập gia đình và xây cất nhà ở riêng, khi về nhà mới cha mẹ là người đặt chân bếp và cái nồi (cha mẹ tặng trong lễ cưới). Bất cứ trong trường hợp nào cũng không đem hai vật này ra khỏi nhà. Trường hợp muốn dời chúng đi phải đập gà, nhắc rượu cúng Yàng.

 

Ngoài nhà ở người Chăm còn làm nhà công cộng theo kiểu nhà rông của người Bana. Nhà công cộng là nơi sinh hoạt của cộng đồng. Trai, gái chưa đến tuổi bắt chồng, lấy vợ tối thường đến nhà rông ngủ. Ngoài ra nhà rông còn là nơi chứa tên ná, hội họp của buôn làng.

 

Hiện nay trong đời sống của người Chăm, những ngôi nhà truyền thống đã ít dần. Theo khảo sát năm 2003, tại một số buôn làng của người Chăm như thôn Kỳ Đu xã Xuân Quang 2 (Đồng Xuân) có 50 ngôi nhà thì trong đó có 19 ngôi nhà xây dựng theo kiểu truyền thống, 26 ngôi nhà vừa kiểu truyền thống vừa hiện đại (nhà sàn lợp ngói, vách bằng ván), 5 ngôi nhà dựng theo kiểu nhà của người Kinh. Thôn Ma Dú, xã Sơn Phước (Sơn Hoà) có 46 ngôi nhà, trong đó có 7 ngôi nhà xây dựng kiểu truyền thống, 24 nhà nửa truyền thống nửa hiện đại và 15 ngôi nhà xây dựng theo kiểu người Kinh…Mặt khác, làng của người Chăm hiện nay là các làng định  canh, định cư nên hướng nhà cũng đặt theo những nguyên tắc của quy hoạch. Nhà nào ở gần trục đường giao thông đều quay mặt ra hướng đường đi. Các nhà ở bên trong theo hướng đó mà sắp xếp. Các lễ cúng trong xây cất nhà cửa đã giảm dần, chỉ còn một số lễ thức quan trọng là dựng cột nhà và lên nhà mới.

 

MAI ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Người làm giàu giữa núi rừng EaTrol
Thứ Hai, 06/03/2006 09:49 SA
Góc nhỏ xứ nẫu giữa Sài Gòn
Thứ Tư, 01/03/2006 15:14 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek