Thứ Năm, 03/10/2024 07:24 SA
Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai:
Trải lòng ra với cuộc đời
Thứ Hai, 04/02/2008 07:27 SA

080204-Truong-Tuyet-Mai.jpg

Nữ nhạc sĩ Trương Tuyết Mai

Ở tuổi 64, nhạc sĩ Trương Tuyết Mai vẫn là một phụ nữ đẹp đằm thắm. Đằm thắm và dịu dàng, như những bài hát của bà. Quê ở thị trấn Sông Cầu, chào đời tại thành phố cảng Hải Phòng, bà là gương mặt nữ hiếm hoi trong giới sáng tác ở giai đoạn trước. Trương Tuyết Mai có những ca khúc tràn đầy tình cảm về quê hương Sông Cầu - Phú Yên, song cả nước biết đến bà với bài hát nổi tiếng Huế tình yêu của tôi.

 

* Lâu lắm rồi nhạc sĩ mới về Phú Yên - về nhà. Bà có cảm thấy ngỡ ngàng không?

 

- Lần này về quê tuy thời gian rất ngắn ngủi nhưng tôi vô cùng xúc động vì gương mặt của quê nhà thay đổi rất nhiều. Đối với người xa quê, không có gì bằng niềm vui đó, khi được chứng kiến sự thay đổi và những bước phát triển của quê hương.

 

* Nhiều người không hiểu vì sao nhạc sĩ Trương Tuyết Mai - người con của Phú Yên - lại rất thành công với một ca khúc viết về Huế…

 

“Con đường sáng tác âm nhạc đối với phái nam cũng gọi là khó; và lại càng khó gấp bao nhiêu lần đối với giới nữ. Đó là con đường cần đổ nhiều mồ hôi và nước mắt thật sự mới mong được một tác phẩm để cho đời... Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai - cái tên nghe dịu dàng và thơ mộng đó - với đầy đủ nghị lực, chị đã phấn đấu nhiều năm, qua nhiều thử thách từ trường học đến trường đời. Chị đã đi con đường vòng từ nhạc công để chuyển thành nhạc sĩ sáng tác. Ước muốn và nguyện vọng của chị đã thúc đẩy chị mạnh dạn bước đi, vượt qua nhiều thử thách gay go ban đầu. Vững một lòng tin và say mê âm nhạc, chị đã mang lại trong giới âm nhạc nói chung - một vinh dự, và là niềm tự hào của phái nữ...”. 

 

Chương tình PHAN HUỲNH ĐIỂU

- Từ rất lâu, tôi đã muốn viết về Huế nhưng còn e ngại, vì cảm thấy chưa đủ “vốn liếng”. Một phần cũng vì tôi muốn viết về điều gì đó thật riêng cho Huế chứ không muốn có sự trùng lặp với những ca khúc đã nổi tiếng. Ấp ủ thiệt lâu, đến năm 1985, sau khi Huế bị một cơn bão tàn phá nặng nề, tôi nghĩ lúc này mà mình không viết cho Huế thì không biết đến bao giờ mới viết được. Trong lúc tôi đang đầu tư viết thì nhà thơ Đỗ Thị Thanh Bình đã hoàn thành một tác phẩm. Chị đưa bài thơ cho tôi xem, bảo nếu được thì chị em mình có một sáng tác chung cho Huế. Bài thơ của chị Thanh Bình rất dài, đề cập đến toàn cảnh của Huế. Tôi về đọc và rút ra một số ý. Huế tình yêu của tôi là bài hát phỏng thơ của Đỗ Thị Thanh Bình. Trong bài hát có câu “Cả nước yêu thương ôm Huế vào lòng/Sẻ chia đắng cay gian khổ mặn nồng”.

 

Với bài hát này, tôi chỉ thay mọi người nói lên tấm lòng của họ đối với Huế. Ngôn ngữ âm nhạc trong bài hát cũng thuộc về Huế, không bị pha tạp - như nhận định của những người trong nghề. Rất may mắn là bài hát này được yêu thương, trân trọng.

 

* Trong sáng tác, các tác giả thường có những nguyên tắc, quan niệm riêng.  Bà thì sao?

 

- Quan niệm của tôi là hãy yêu đối tượng sáng tác, và hãy dành tấm lòng của mình cho đối tượng đó. Người viết trước hết phải trải lòng ra với cuộc đời.

 

* Thời gian trước, trong giới sáng tác âm nhạc, gương mặt nữ thật hiếm hoi. Song gần đây, “cuộc khủng hoảng thiếu” nữ nhạc sĩ đã kết thúc. Nhiều gương mặt trẻ có năng lực và tâm huyết đã xuất hiện, dễ nhận thấy nhất là trong chương trình Bài hát Việt. Bà nhận xét gì về các nhạc sĩ, tác giả nữ hiện nay?

 

Một số ấn phẩm đã phát hành của nhạc sĩ Trương Tuyết Mai, như: Tuyển tập Huế - Tình yêu của tôi (NXB Cửu Long, 1996), 6 ca khúc Trương Tuyết Mai (NXB Văn nghệ), 10 tình khúc Trương Tuyết Mai “Sao anh không là”... (DIHAVINA, 1990), băng cassete audio và tuyển tập Rừng với tình em (NXB Âm nhạc, 1996), album Từ ngày ấy (Trung tâm băng nhạc Bến Thành), album Huế, tình yêu của tôi (Trung tâm Băng nhạc trẻ phát hành, 2004)…

- Cũng có nhiều phụ nữ theo đuổi âm nhạc, thường là ở lĩnh vực biểu diễn, lý luận đào tạo, còn bên sáng tác thì hiếm, bởi có những khó khăn riêng. Phụ nữ muốn lao vào con đường này, ngoài đam mê còn phải biết  hy sinh, biết “sắp xếp” cuộc sống của mình. Không phải phụ nữ không có khả năng sáng tác âm nhạc, nhưng có lẽ họ chưa đam mê, nên không thể hòa lòng vào tác phẩm.

 

Những năm gần đây, lực lượng nữ sáng tác trội lên. Tôi rất mừng về điều này. Thời chúng tôi, không gian, điều kiện không như bây giờ. Các bạn trẻ hiện nay có điều kiện hơn, có nhiều cơ hội hơn, song công chúng cũng đòi hỏi ở họ sự sáng tạo nhiều hơn. Tất nhiên, người sáng tác âm nhạc phải có điều kiện về tài chánh và quan trọng hơn hết là phải có thực tài.

 

Trong các nhạc sĩ, tác giả nữ hiện nay, tôi chú ý đến Giáng Son. Cô ấy được đào tạo bài bản, đam mê và có tấm lòng. Tôi đã nghe một số tác phẩm của Giáng Son và hy vọng nữ nhạc sĩ này sẽ tiến xa. Phía Bắc, ngoài Giáng Son còn có Bảo Lan. Jazzy Dạ Lam đang sống và làm việc ở Đức cũng sáng tác và gửi tác phẩm về, ngôn ngữ âm nhạc mới mẻ. Trong Nam thì có Quỳnh Hợp, Thanh Nga - cũng là những người được đào tạo bài bản. Mỗi người mỗi vẻ. Tôi nghe tác phẩm của họ và cảm thấy rất mừng.

 

* Xin cảm nhạc sĩ.

 

LÂM VY (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek