Thứ Năm, 03/10/2024 07:27 SA
Nhật ký Trần Mộng Thành bản anh hùng ca của thế hệ trẻ Phú Yên
Chủ Nhật, 10/02/2008 06:56 SA

Mùa xuân Mậu Tý 2008 này, người dân Phú Yên, đặc biệt là thế hệ trẻ có được món quà quý giá, đó là quyển sách Nhật ký Trần Mộng Thành, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia phối hợp với Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Phú Yên ấn hành.

 

Sách do hai anh Đào Minh Hiệp và Huỳnh Văn Quốc sưu tầm, biên soạn với sự cộng tác của một số anh em đang công tác tại huyện Đông Hòa cùng với người thân, bạn chiến đấu của liệt sĩ Trần Mộng Thành cung cấp bổ sung tư liệu.

 

Nói món quà Xuân quý giá vì nó không thể có món quà vật chất nào so sánh được. Quyển sách thật sự là một món ăn tinh thần của người Việt Nam nói chung, trong đó trực tiếp là người Phú Yên - nơi Trần Mộng Thành - một người con trung hiếu, thông minh, dũng cảm đã cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân của mình, làm rạng cho quê hương. Ai đọc quyển sách này sẽ thấy rõ sự hấp dẫn, thích thú và bổ ích, nhất là khi chúng ta đang tận hưởng cuộc sống hòa bình với điều kiện vật chất tạm đủ.

 

Còn nói nhật ký Trần Mộng Thành là bản anh hùng ca thế hệ trẻ Phú Yên, vì nó chứa đựng nội dung phong phú, chân thật những suy nghĩ, hành động đầy chất tự khám phá, tự lựa chọn con đường phải đi của một người trẻ tuổi trong sự lãng mạn vô cùng đáng yêu, đáng tự hào của người dân đất Phú nói chung và thế hệ trẻ nói riêng.

 

Trần Mộng Thành là cái tên tự đặt với ước nguyện mộng sẽ thành của Trần Văn Thừa, sinh ngày 5/5/1945 tại xã Hòa Tân Đông, huyện Tuy Hòa (cũ). Tuổi thơ cơ cực, phiêu bạt và tham gia cách mạng tại huyện Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa rồi hy sinh tại nơi này vào ngày 13/11/1969.

 

Ai đã từng sống ở miền Nam Việt Nam trong đó có tỉnh Phú Yên chúng ta vào thời kỳ từ cuối năm 1954 đến cuối năm 1959 hẳn sẽ thấy rõ sự đàn áp, khủng bố của kẻ thù đối với người dân vô tội, cảnh thảm sát rùng rợn xảy ra ở Ngân Sơn - Chí Thạnh cùng việc bắt bớ, thủ tiêu những người kháng chiến cũ, bầu trời như phủ đám mây đen dày đặc, đến nỗi gà không dám gáy, chó không dám sủa sẽ thấy suy nghĩ của cậu bé 12 tuổi Trần Mộng Thành, khi anh viết đoạn nhật ký ngày 17/9/1957: “… Nhà tôi chúng đốt… hai con bò vô tội cũng bị cháy đen thui, giãy dụa chết trong quằn quại, hai anh em tôi còn nhỏ đứng đó ngơ ngác, còn má thì chỉ biết lăn lóc khóc, nhìn ngọn lửa căm thù đang thiêu cháy ruột gan…”. Thực tế xã hội diễn ra trong thời kỳ này làm cho ý nghĩ từ ngây thơ, non nớt hình thành một nhân sinh quan và sự lựa chọn con đường đi của một thanh niên… Đến đoạn nhật ký anh viết ngày 20/6/1960: “Mình cảm thấy như một con chim non đang lạc giữa trùng dương xa xôi và đang vỗ cánh bay về một nơi vô định giữa bầu trời cao rộng. Mình đang ở một góc âm u, không đủ tầm nhìn về một nơi rực hồng ánh nắng, đôi cánh non nớt chưa từng trải đường đời đối với bão táp nên không đủ sức mạnh bay đi, bay xé cả màn đêm. Vì lẽ ấy mà mình cứ thẫn thờ, nỗi khổ sầu cứ đè nặng vào tâm hồn non trẻ, chưa có một cuộc sống hào hùng để hiến dâng ngày xanh đầy nghị lực này cho Tổ quốc.

 

Bởi vì xã hội ấy, lý tưởng ấy chưa phải của mình và nó vẫn còn ở xa - ở nơi nào mình còn đang khát vọng”.

 

Từ cách lựa chọn chủ động này, nên khi gặp được cán bộ cách mạng, Trần Mộng Thành tự nguyện thoát ly gia đình đi chiến đấu, và suốt những năm tháng trải qua gian khổ, ác liệt, có lúc mạng sống bị đe dọa, rồi thương tật, mù mắt, cận kề cái chết, ý chí quyết tâm không hề thay đổi cho đến khi ngã xuống tại chiến trường.

 

Cuộc đời ngắn ngủi 12 năm, kể từ ý thức phải đi làm cách mạng hình thành, và hơn tám năm thoát ly làm một chiến sĩ đội vũ trang công tác, chiến công của anh không nhỏ, nhưng điều lớn lao hơn những chiến công là sự hình thành, phát triển nhân cách của một chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi với tâm hồn trong trẻo, động cơ trong sáng, sự lạc quan yêu đời, sự lãng mạn cách mạng và tình yêu cuộc sống, tự nguyện cống hiến trọn vẹn đời mình cho lý tưởng, cho con đường mình đã lựa chọn.

 

Với con người xuất thân trong hoàn cảnh cơ cực, học hành còn ít, nhưng Trần Mộng Thành để lại cho đời 115 đoạn nhật ký cả văn xuôi, văn vần tản mạn, kéo dài trong suốt 12 năm kể từ lúc biết suy nghĩ trước thực trạng xã hội mình đang sống cho đến lúc tham gia chiến đấu rồi hy sinh, đậm đặc chất mộng mơ, quyết liệt, thể hiện rõ mục đích sống, lại đượm tính văn học của một con người Phú Yên, nó thật sự là một bản anh hùng ca trong số những bản anh hùng ca hợp thành truyền thống “trí dũng song toàn” của thế hệ trẻ tỉnh nhà.

 

NGUYỄN TƯỜNG THUẬT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek