Thứ Năm, 03/10/2024 09:41 SA
Người nữ thương binh dũng cảm
Thứ Sáu, 02/11/2007 07:15 SA

Chị nhẹ nhàng chỉ cho chúng tôi xem những vết thương giờ đã thành kỷ niệm, thỉnh thoảng lại tái phát, nhưng chị vẫn cố gắng chịu đựng vì có gì có thể quí hơn là được sống trong cảnh đất nước thanh bình đang ngày càng đổi mới và phát triển. Chị vẫn nghĩ nếp nghĩ của người lính năm nào... Chị là Trần Thị Nguyệt, thương binh  4/4 ở thôn Mỹ Thạnh Đông 1, xã Hòa Phong (huyện Tây Hoà).

 

071102-Ba-Nguyet.jpg

Nữ thương binh Trần Thị Nguyệt giữa đời thường

 

CÔ GIAO LIÊN KIÊN CƯỜNG

 

Chúng tôi đến thăm chị Nguyệt vào một ngày đầu tháng 10. Ngôi nhà mái ngói khang trang nằm yên bình giữa vườn cây trái những hàng dừa cao. Chị đón chúng tôi bằng nụ cười hạnh phúc của người vừa trở về từ Hội nghị biểu dương Thương binh tiêu biểu xuất sắc toàn quốc tại TPHồ Chí Minh. Cuộc nói chuyện đã gợi ký ức một thời khói bom, lửa đạn. Chúng tôi bị cuốn theo câu chuyện của người nữ thương binh, và không khỏi thán phục niềm tin và sức chịu đựng phi thường của chị Nguyệt.

 

Tuổi ấu thơ của chị và các bạn đồng trang lứa đều dở dang việc học hành. Tham gia cách mạng khi vừa tròn 14 tuổi, chị Nguyệt nhớ lại: “Một buổi đi học, còn một buổi đi chăn bò ở bên kia sông là vùng giải phóng. Qua đó nghe các anh, các chị tập hát, kể chuyện thích lắm! Vài lần như vậy rồi chị và các bạn ở lại hết”.  Từ đó, cô bé gầy gò, mặc quân phục còn rộng thùng thình, trở thành nữ giao liên từ tháng 1 năm 1972 của huyện đội Tuy Hòa. Trong một chuyến công tác, khi qua đến núi Dinh Ôâng, không may bị địch phục kích bắn bị thương, gãy chân. Biết là không thể nào thoát, bao nhiêu thư từ quan trọng chị xé nhỏ rồi nuốt vào bụng, số còn lại chị tìm những hòn đá to nhét xuống. Tỉnh dậy, chị thấy mình nằm trong bệnh viện. Đến khi tháo bột ở chân, cũng là lúc chị bắt đầu chịu những đòn tra tấn dã man vì kiên quyết không khai.

 

Chị Nguyệt nhớ lại: Những ngày tháng trong tù, địch hết dùng dùi cui điện chích vào người, lại đổ nước xà phòng vào miệng, rồi đạp lên bụng cho nước, phân và bao nhiêu thứ trong ruột, cứ tuôn ra từ mũi, miệng… Sau đó lại tiếp tục đánh… Không khai thác được gì, địch đưa chị giam giữ tại Phú Tài (Bình Định), sau chuyển vào trại Cần Thơ tiếp tục dùng nhục hình. “Đến tháng 3 năm 1973, trong đợt địch trao trả tù binh tại sân bay Lộc Ninh, trong đó có chị. Rồi chị được đưa ra miền Bắc an dưỡng ở Đoàn 72, quân khu Việt Bắc” - Chị kể.

 

Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, chị được Nhà nước tặng nhiều Huy chương kháng chiến và Bằng khen Chiến sĩ vẻ vang. Trở về Phú Yên, chị được cử đi học Quân y và phục vụ tại đội an dưỡng của Tỉnh đội. Trong thời gian này, chị đã gặp được một nửa của cuộc đời mình. Nhìn anh ấy cũng là thương binh, nhiều người ái ngại: “Vợ đã như thế, chồng lại tật nguyền. Liệu sau này có gánh vác nổi chuyện gia đình con cái?!”. Nhưng bằng tình yêu thương, sự sẻ chia, anh chị như hai cái nạng tựa vào nhau vững chãi hơn.

 

Năm 1980 nghỉ mất sức theo chế độ, về địa phương, chị tham gia công tác Hội Phụ nữ xã, làm văn thư đánh máy cho HTX nông nghiệp Hòa Phong. Đến năm 1990, chị đã xin nghỉ để tiện việc chăm lo cho gia đình và chồng con.

 

VƯỢT LÊN NỖI ĐAU

 

Từ hai bàn tay trắng, lại phải lo toan cho cuộc sống gia đình, nuôi con nhỏ, chồng đau ốm luôn, nhiều lúc chị cũng bi quan, nhưng anh chị vẫn động viên nhau để vượt qua.

 

Với bản chất của người lính Cụ Hồ, chịu khó làm ăn, cày cấy, áp dụng biện pháp thâm canh mới nên mảnh ruộng 1 mẫu đã đem lại hiệu quả cao, mỗi vụ thu gần 4 tấn. Còn vườn rộng, chị đã kết hợp chăn nuôi heo bò, trồng mía, tranh thủ trồng cỏ nuôi bò, trồng rau và bán cho bà con xung quanh… Trừ mọi chi phí, hàng năm vợ chồng chị thu vào trên 20 triệu đồng/vụ. Các con của chị đều được học hành và 3 cô con gái lớn đã có gia đình riêng.

 

Tuy mải chuyện, nhưng thỉnh thoảng chị lại ngồi bất động, đôi mày hơi chau lại. Chị cho biết, vì trời trở vết thương cũ tái phát đau nhức cả người, mắt bên trái trúng mảnh nên ngày càng mờ dần. Thế nhưng, người nữ thương binh này vẫn toát lên nghị lực phi thường.

 

Anh Nguyễn Thanh Long, người đồng đội năm xưa với chị Nguyệt, bây giờ cũng ở cùng thôn Mỹ Thạnh Đông 1, kể lại: “Hồi đó, ở trong tiểu đội, chị Nguyệt gan dạ lắm. Một mình chị ấy băng rừng lội suối, cải trang đi hết mấy chục cây số trong một ngày để thông tin liên lạc với các đơn vị mà không biết sợ sệt gì!”.

 

Ông Nguyễn Văn Tiếp, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Phong cho biết: “Chị Nguyệt là đảng viên tiền phong gương mẫu của địa phương, chị thường xuyên vận động bà con chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, đóng góp xây dựng giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, động viên các gia đình sống hòa thuận, hạnh phúc… Chị cũng thường giúp đỡ những gia đình khó khăn và động viên tinh thần, vật chất để họ an tâm trong cuộc sống. Năm nào gia đình chị cũng được tuyên dương, là điển hình nông dân sản xuất giỏi của địa phương. Chị cũng vừa được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tặng bằng khen vì thực hiện tốt truyền thống “Quá khứ đã vinh quang, hiện tại phải xứng đáng”.

 

Chia tay với người nữ thương binh, tôi vẫn không quên những lời tâm huyết của chị: Thành công này là nhờ tôi biết ước mơ. Lúc kháng chiến, tôi mơ ước nước nhà thống nhất khi đất nước hoàn toàn giải phóng, tôi mơ một căn nhà nhỏ, có mảnh vườn và có đủ sức khỏe để nuôi con ăn học… Và mỗi ước mơ đều được tôi thực hiện bằng nỗ lực hết mình.

 

KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek