Thứ Năm, 03/10/2024 09:45 SA
Các con hãy tiếp tục chiến đấu để trả thù cho cha
Thứ Hai, 26/11/2007 09:07 SA

071126-me-lua.jpg

Mẹ Võ Thị Lụa

Mẹ Võ Thị Lụa sinh ngày 2/10/1917 ở thôn Phụng Tường 2, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa (Phú Yên). Lúc mới 16 tuổi, do hai bên gia đình ép buộc nên mẹ phải đi lấy chồng sớm. Quê chồng ở thôn Vĩnh Phú, xã Hòa An. Sống với nhau không hòa hợp, nên hai người chia tay nhau khi chưa có con. Mẹ lại về thôn Phụng Tường 2, làm nghề trồng bông kéo sợi dệt vải. Hồi ấy, con gái ở làng này đông lắm. Tối tối họ tập trung lại một nhà ở trung tâm làng để kéo sợi và hát hò đối đáp rất vui. Đám thanh niên trong làng và những làng lân cận kéo đến rất đông. Họ cũng tham gia hò hát đối đáp, làm cho một góc làng Phụng Tường 2 đêm nào cũng nhộn nhịp. Trong số những thanh niên đó có anh Lê Cương ở thôn Quy Hậu, người cùng xã, vừa cao ráo đẹp trai, vừa thông minh, hóm hỉnh. Hằng ngày Lụa và Cương đi làm ruộng, thỉnh thoảng vẫn gặp nhau, nhưng không có điều kiện gần nhau lâu để tâm sự. Nên những đêm tập trung lại kéo sợi và hát hò thế này là dịp để hai người gần gũi với nhau và yêu nhau. Năm 1937 lúc Lụa tròn 20 tuổi thì họ cưới nhau.

 

Lụa về nhà Cương ở thôn Quy Hậu làm dâu. Cha mẹ chồng và anh chị em nhà chồng rất thương Lụa. Đáp lại tấm lòng ấy, Lụa làm ruộng, nuôi heo, làm thuê, làm mướn, bất kể nửa đêm, gà gáy, lúc nào Lụa cũng làm việc hết sức mình, để góp phần đem lại cuộc sống đầy đủ cho gia đình bên chồng. Họ sinh được tất cả 5 người con. Hai người con đầu không nuôi được. Ba người con sau là Lê Văn Mạnh sinh năm 1944, Lê Thị Dạng sinh năm 1947 và Lê Văn Tiến sinh năm 1951.

 

Những năm tháng trước Cách mạng tháng Tám 1945 Lê Cương thường xuyên vắng nhà. Thỉnh thoảng anh lại dẫn vài ba người lạ về nhà ở chừng mươi ngày, nửa tháng. Có người ở lại trong nhà lâu hơn, các ông Trần Hào, Tư Đang, Hai Châu…

 

Lê Cương tâm sự với vợ:

 

- Mình à! Sắp đến ngày mình được đổi đời rồi. Đó là ngày cách mạng vùng lên lật đổ chế độ đế quốc phong kiến để giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Lúc đó dân mình sẽ hết khổ cực, sẽ hết bị bọn phong kiến, đế quốc đè đầu cưỡi cổ. Tôi biết trong lòng mình đang lo ngại về sự thường xuyên vắng nhà của tôi. Mình yên tâm. Tôi đi tham gia hoạt động cách mạng. Những người tôi đưa về nhà mình đều là những người cách mạng đó. Mình ở nhà cố gắng làm lụng nuôi các con khôn lớn. Đừng lo gì cho tôi cả.

 

Nghe chồng nói vậy, tuy không hiểu đầy đủ các chữ dân tộc, giai cấp là thế nào, cách mạng là gì, nhưng Lụa hiểu rằng đánh đổ bọn đế quốc, phong kiến, bọn địa chủ gian ác để cho dân mình đỡ khổ là Lụa mừng rồi. Lụa nói:

 

- Nghe mình nói, tui mới hiểu được chút ít thôi. Tui tin rằng mình đang đi làm những việc tốt, những việc có ích cho bà con, nên tui rất yên tâm. Tui chỉ mong mình luôn luôn mạnh giỏi, làm việc gì cũng phải tính toán kỹ lưỡng đường đi, nước bước để tránh gặp phải những điều bất trắc xảy ra. Công việc ở nhà mình đừng lo gì cả. Cầu trời, khấn phật cho tui được mạnh giỏi thì tui sẽ làm hết mọi việc.

 

*    *

*

 

Ngày 16 và 17/8/1945 nhân dân xã Hòa Trị hòa nhập với nhân dân các tổng trong phủ Tuy Hòa vũ trang xuống đường biểu tình thị uy. Trong đợt này một số cuộc mít tinh ở tổng Hòa Tường được tổ chức tại chợ Núi Sầm do đồng chí Chấn diễn thuyết. Sau đó đoàn người lần lượt tuần hành đến Phong Niên (Hòa Thắng), vòng ra Nho Lâm, Hạnh Lâm…

 

Ngày 23/8/1945, các đảng viên và nhân dân Hòa Trị cùng các xã khác gồm khoảng 70.000 người mang theo gậy gộc, băng cờ, khẩu hiệu từ Núi Sầm rầm rập kéo vào phủ lỵ cùng với nhân dân các phường tổ chức tập họp tại Núi Sầm, rồi kéo đi biểu tình, giơ cao gậy gộc, giáo mác và hô to các khẩu hiệu: “Đả đảo phát xít Nhật”, “Việt Nam độc lập muôn năm”. Sau những cuộc biểu tình thị uy của nhân dân trong phủ, bộ máy chính quyền do Nhật dựng lên từ phủ lên tổng đều bị tê liệt. Chúng hết sức hoảng sợ. Nhiều tên tìm cách liên hệ với cách mạng. Các tầng lớp nhân dân và người nghèo hoàn toàn ủng hộ cách mạng. Các đoàn thể cứu quốc phát triển nhanh chóng, có nơi hầu như công khai như Long Phụng Tường, Quy Hậu…

 

071126-bai-min.jpg

Bãi mìn Quy Hậu trong kháng chiến chống Pháp

 

Lê Cương cùng đồng đội của mình làm tròn nhiệm vụ trong những ngày Cách mạng tháng Tám 1945 ở địa phương. Lụa cũng xuống đường cùng bà con trong làng đi biểu tình và mít tinh ủng hộ cách mạng. Bây giờ thì Lụa mới hiểu đầy đủ những lời của chồng tâm sự trước đây về một cuộc cách mạng lật đổ chế độ đế quốc phong kiến để giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp.

 

Chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Lê Cương hoạt động ở địa phương. Ngày 20/7/1954 Hiệp định đình chiến Giơnevơ có hiệu lực, Lê Cương ra khu vực chuyển quân tập kết 300 ngày ở thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Sau đó, cấp trên quyết định ông không đi tập kết mà ở lại xây dựng cơ sở cách mạng ở địa phương.

 

Lê Cương vừa đặt chân đến Hòa Trị thì bị bọn ác ôn phát hiện và bắt ngay. Chúng giam ông đủ mọi nơi, lúc thì giam tại nhà tên Phạm Đình Thế ở thôn Quy Hậu, lúc thì giam ở nhà ông Giảng, thôn Long Tường. Tại hai địa điểm này chúng bắt giam 625  cán bộ cách mạng. Chúng còn giam ông ở nhà lao Ngọc Lãng, rồi lại đưa về nhốt ở lô cốt Núi Sầm. Chúng dùng đủ mọi cực hình dã man như tra điện, hoặc treo đôi chân lên xà nhà, đầu chúc xuống đất, rồi vừa đánh vừa dội nước xà phòng. Lụa đem cơm đến nuôi chồng, chúng vẫn treo ông như thế mà ăn cơm. Vừa mới ăn xong, chúng  lại đánh phọt cơm ra ngoài. Người chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất Lê Cương đã anh dũng hy sinh ngày 2/11/1954.

 

Cha mất lúc Lê Văn Mạnh vừa tròn 10 tuổi. Đêm đêm Mạnh theo mẹ lên bàn thờ thắp hương cho cha. Mạnh rất buồn vì mình còn quá nhỏ, chưa có thể đi làm cách mạng để trả thù cho cha. Hiểu được nỗi lòng của Mạnh, mẹ Lụa nói với con rằng: “Cuộc chiến đấu này còn lâu dài lắm con ạ. Lớn lên, các con hãy tiếp tục chiến đấu để trả thù cho cha!”.

 

Đầu năm 1964, theo chỉ thị của Khu ủy 5 và Huyện ủy Tuy Hòa 2, lực lượng cách mạng ở địa phương thực hiện khẩu hiệu: “Đảng bám dân, dân bám Đảng, bộ đội và du kích bám địch”. Nhờ thế đội công tác ở xã đã diệt được nhiều tên ác ôn: Kính (đại diện xã), Cung (ấp trưởng Phụng Nguyên), Trần Hiền (gián điệp ở Xóm Gò), Lê Quang (ấp trưởng Xóm Gò), Mốc (Xóm Ao), Lưu (Xóm Lẫm)…

 

Từ giữa năm 1964, phong trào cách mạng ở Hòa Trị phát triển cả bề rộng và bề sâu, ta đã mở ra một vùng rộng lớn từ Xóm Cát (Quy Hậu) đến Phụng Nguyên. Quần chúng càng ngày càng được giác ngộ, thấy rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, hăng hái đóng góp, ủng hộ cách mạng, tham gia phá ấp chiến lược, xung phong vào dân quân du kích chiến đấu bảo vệ quê hương.

 

Lê Văn Mạnh hăng hái tình nguyện vào đơn vị dân quân du kích xã. Mẹ Lụa nắm tay Mạnh dặn dò: “Năm nay con tròn 20 tuổi rồi. Con vào dân quân du kích là để đánh giặc. Hiện nay bọn giặc đang liên tục càn quét ở xã mình. Lực lượng dân quân du kích trong xã đã đánh chúng rất quyết liệt. Con đã biết rồi đó. Mẹ chỉ mong con cố gắng làm tròn nhiệm vụ, giết được nhiều giặc để trả thù cho cha”.

 

Đầu năm 1965, lực lượng dân quân du kích của xã phục kích tại Cầu Dâu (Long Tường) đánh bọn địch đi càn quét, làm chết và bị thương một số tên, thu được một số vũ khí.

 

071126-chong.jpg

Hầm chông, bãi mìn thời chống Pháp và chống Mỹ

Sau đó dân quân du kích xã phối hợp với lực lượng của trên, tiêu diệt một trung đội địch đóng ở Núi Sầm và diệt tên Hạo ác ôn. Tháng 4/1965, địch đưa tiểu đoàn 23 biệt động đóng quân tại Núi Sầm, càn quét xã Hòa Trị, nhưng ta vẫn giữ vững thế làm chủ. Ban ngày địch nống ra Long Tường, nhưng ta vẫn đứng vững ở Phụng Nguyên. Đêm đến ta làm chủ cả 4 thôn Phụng Nguyên, Long Tường, Phụng Tường và Quy Hậu.

 

Tháng 11/1965, dân quân du kích xã phối hợp với đơn vị đặc công 202 của tỉnh và lực lượng vũ trang của huyện đánh Núi Sầm, tiêu diệt tiểu đoàn biệt động quân, thu rất nhiều vũ khí. Sau trận đánh này, khí thế cách mạng của nhân dân xã Hòa Trị càng dâng cao. Bọn địch càng sợ hãi, ban ngày chúng xua quân lên Núi Sầm, nhưng đêm đến chúng co giò chạy về thị xã Tuy Hòa.

 

Cuối năm 1965 đầu năm 1966, lực lượng dân quân du kích xã Hòa Trị phối hợp cùng lực lượng HK3 của huyện đánh phục kích tại Long Tường, làm cho địch bị tổn thất rất lớn. Cũng trong thời gian đó ta mở được hai thôn Quy Hậu và Phước Khánh. Tại đây ta đã thành lập Ban cán sự, hệ thống đoàn thể. Đội công tác của xã đã đứng tại cầu Bình Hai.

 

Mùa thu năm 1967, Tỉnh ủy Phú Yên chủ trương mở đợt đồng loạt tấn công từ ngày 27/8 đến 3/9 vào thị xã Tuy Hòa, vào các thị trấn và toàn bộ nông thôn để phá kế hoạch bầu cử tổng thống của Thiệu vào ngày 3/9/1967. Chấp hành chỉ thị này, ngày 12/8/1967, lực lượng dân quân du kích xã Hòa Trị phối hợp với một trung đội của huyện, tiểu đoàn 13 của tỉnh đánh thí điểm, trụ lại để  diệt địch ở Quy Hậu. Kết quả ta đã diệt được tiểu đoàn 2, đoàn 4 (thuộc trung đoàn 47 ngụy), một số lính Nam Triều Tiên và một số thiết xa vận. Ta trụ lại một ngày một đêm. Nhân dân thôn Quy Hậu đã củng cố hầm trú ẩn, phòng địch đánh phá, đồng thời tiếp tế cơm nước cho bộ đội và dân quân du kích.

 

Sau trận đánh này, dân quân du kích xã Hòa Trị cùng lực lượng vũ trang của huyện, liên tục đánh thắng nhiều trận để hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị và binh vận trong xã.

 

Chiến công của quân và dân xã Hòa Trị những năm qua là vô cùng to lớn, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của đồng chí Lê Văn Mạnh, vì anh là xã đội trưởng. Ngày 13/10/1968 xã đội trưởng Lê Văn Mạnh từ căn cứ Xóm Cát đi công tác về cơ sở để chuẩn bị cho những trận chiến đấu tiếp theo thì bị bọn địch ở Núi Sầm phục kích bắn chết. Anh hy sinh khi vừa tròn 24 tuổi, những kinh nghiệm chỉ huy và chiến đấu ở lực lượng dân quân du kích đã chín mùi, là một tổn thất lớn đối với lực lượng vũ trang địa phương. Nhưng bù vào đó, người em út của anh là Lê Văn Tiến, đang là chiến sĩ dân quân du kích của xã, đã cùng anh tham gia chiến đấu nhiều trận trong thời gian qua, nay được đề bạt lên làm xã đội trưởng thay anh. Lê Văn Tiến làm xã đội trưởng chưa được một năm, nhưng đã tổ chức và chỉ huy dân quân du kích của xã phối hợp cùng bộ đội địa phương huyện chiến đấu một số trận thắng lợi dòn giã. Ngày 4/2/1969 anh ở thôn Quy Hậu đi công tác cơ sở rất sớm thì lọt vào ổ phục kích của địch ở Núi Sầm bắn chết.

 

*

*   *

 

Ba cái tang lớn ập xuống nhà, nhất là Lê Văn Mạnh và Lê Văn Tiến hy sinh gần kề nhau quá làm mẹ Lụa ngất xỉu và lâm bệnh nhiều tháng liền. Nhưng được sự chăm sóc tận tình, chu đáo của người con gái Lê Thị Dạng và bà con, cô bác ở xóm làng, sức khỏe của mẹ dần dần hồi phục. Mẹ lại tiếp tục tham gia tích cực vào đội quân đấu tranh chính trị với địch và làm công tác binh vận. Mẹ hô hào chị em giúp đỡ dân quân du kích, bộ đội lương thực, thuốc men và phục vụ tốt các trận chiến đấu ở địa phương. Mẹ thường nói: “Đất nước mình còn giặc thì mình phải động viên con cháu đi đánh giặc”. Lời nói và hình ảnh của mẹ Lụa trong những năm tháng rực lửa chiến đấu ở địa phương là nguồn động viên cổ vũ rất lớn đối với lực lượng dân quân du kích, bộ đội địa phương và bà con trong xã. Họ xem sự hy sinh to lớn của gia đình mẹ là một tấm gương anh hùng, bất khuất, luôn luôn cổ vũ mọi người, mọi nhà sẵn sàng hy sinh tất cả để giành độc lập, tự do. Ngày 17/12/1994 mẹ Võ Thị Lụa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Hội Nhà báo tỉnh Phú Yên nhận phụng dưỡng mẹ suốt đời.

 

071126-mo-ls.jpg

Một ngôi mộ liệt sĩ tập thể tại Núi Sầm

 

Ngày 2/10/2007 mẹ tròn 90 tuổi, Hội Nhà báo tỉnh Phú Yên đã tổ chức mừng thọ mẹ. Mọi người đều rất vui khi thấy mẹ vẫn mạnh  khỏe và minh mẫn. Mẹ chúc các con nhà báo nhận phụng dưỡng mẹ luôn mạnh khỏe, ra sức hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó.

 

Đầu tháng 11/2007, những cơn mưa kéo dài và nước lũ ập đến các tỉnh miền Trung, trong đó có tỉnh Phú Yên. Nhìn mực nước tràn ngập trong thành phố và các vùng xung quanh, chúng tôi đoán biết xã Hòa Trị quê mẹ cũng sẽ bị nước ngập nặng. Chúng tôi trăn trở không biết làm cách nào để có thể đến thăm mẹ được sớm nhất.

 

Khi nước vừa bắt đầu rút, chúng tôi đến thăm mẹ ngay. Mới đặt chân vào sân, chúng tôi thấy mẹ ngồi trước hiên nhà nhai trầu bỏm bẻm. Mẹ tươi cười đón chúng tôi như đón những đứa con của mẹ đi xa lâu ngày nay mới trở về. Mẹ nói:

 

- Lũ lụt to thế này mà các con cũng về thăm mẹ à?

 

Tôi nói:

 

- Mẹ thứ lỗi cho chúng con đã đến thăm mẹ quá muộn, bởi vì lũ lụt to quá không làm sao đi được.

 

Mẹ nắm chặt tay chúng tôi, xúc động nói:

 

- Nhờ Hội Nhà báo của các con hỗ trợ 12 triệu đồng, cộng với các cơ quan ban ngành giúp đỡ, năm qua mẹ đã làm lại ngôi nhà này. Bây giờ nhà cửa được rộng rãi, cao ráo, thoáng mát. Đợt lũ lụt này nước chỉ ngập đến sân. Nếu như trước đây ở cái nhà cũ thì nước đã ngập lút đến trần nhà rồi.

 

071126-nha-tho-ls.jpg

Nhà tưởng niệm liệt sĩ xã Hòa Trị

 

Mẹ đưa cho chúng tôi xem những tấm bằng Tổ quốc ghi công, với giọng trầm trầm mẹ tâm sự:

 

- Mẹ sinh được hai người con trai và một người con gái thì cả hai người con trai cùng với cha đã hy sinh cho đất nước. Đó là sự mất mát rất to lớn của gia đình mẹ, nhưng nghĩ đi rồi nghĩ lại, mẹ cũng hiểu được rằng sự hy sinh của chồng mẹ và hai người con của mẹ đã góp một phần xương máu vào cuộc kháng chiến của dân tộc để có ngày hòa bình độc lập, thống nhất hôm nay. Mẹ vẫn thường xuyên giáo dục cho mấy đứa cháu ngoại của mẹ rằng: “Trong một gia đình nhỏ của mình mà có đến ba liệt sĩ. Trong cuộc kháng chiến vừa qua, cả nước có đến hàng triệu liệt sĩ, hàng triệu thương binh, hàng triệu gia đình có người thân hy sinh như gia đình mình. Các cháu phải đời đời nhớ ơn họ. Phải học tập thật tốt để sau này góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đó là thiết thực đền ơn đáp nghĩa đối với liệt sĩ, thương binh”.

 

Chúng tôi nghẹn ngào, xúc động trước những lời nói chí lý, chí tình của mẹ. Tuổi thơ của mẹ không có điều kiện học hành nhiều, thế mà những lời tâm sự, mộc mạc của mẹ chẳng khác nào một bài giảng về đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa. Là những người làm báo, chúng tôi tự nhủ phải làm sao chuyển tải đầy đủ những tâm tư, tình cảm của mẹ đến với mọi người. Vì đó là những nội dung rất cơ bản của bài học vỡ lòng về đạo đức làm người mà ông, cha ta từ ngàn xưa truyền lại.

 

Chúng tôi chào mẹ và xin phép ra về. Một lần nữa, mẹ lại nắm tay tất cả chúng tôi. Hai hàng nước mắt chảy dài trên khuôn mặt nhăn nheo của mẹ. Chúng tôi hiểu mẹ muốn chúng tôi ở lại thật lâu với mẹ. Tấm lưng còng còng, hai chân run run, mẹ vẫy tay bảo người con gái Lê Thị Dạng dìu mẹ để mẹ được tiễn chúng tôi ra đến tận cửa sân.                                      

 

Truyện ký: TÔ PHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nhớ bác Ba Diệu
Thứ Tư, 07/11/2007 07:30 SA
Người nữ thương binh dũng cảm
Thứ Sáu, 02/11/2007 07:15 SA
Mong lại được gặp thầy
Thứ Năm, 01/11/2007 07:03 SA
Chuyện bên trong song sắt
Thứ Năm, 11/10/2007 07:00 SA
Giao liên trong kháng chiến
Thứ Tư, 10/10/2007 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek