Thứ Năm, 03/10/2024 09:38 SA
Mong lại được gặp thầy
Thứ Năm, 01/11/2007 07:03 SA

Khi bước vào nghiệp viết, tôi mới có dịp gặp một người xứ nẫu mà cha tôi thường kể. Ông là một người thầy còn cha tôi khi ấy là học trò của ngôi trường ở An Định, Tuy An. Tôi cũng từng đọc các tác phẩm của người ấy lúc còn ngồi ghế nhà trường, những tác phẩm đầu tay đến sau này như Hoài cố nhân, Ngày xưa, Hoa bươm bướm, Như cánh chim bay, Người về đầu non, Nhánh rong phiêu bạt, Bên đập Đồng Cháy... đều mang đậm hồn người, cảnh vật xứ nẫu một thời. Đó là nhà văn, nhà giáo Võ Hồng.

 

071031-Vo-Hong.jpg

Nhà văn, nhà giáo Võ Hồng (bên phải) và tác giả

Một lần vào năm 1999, tôi vào nhận giải thưởng của Hội Văn nghệ Khánh Hòa và được gặp ông. Nhà văn, nhà giáo Võ Hồng ở nhà số 51 phố Hồng Bàng, TP Nha Trang. Lúc ấy thầy Võ Hồng còn minh mẫn, nụ cười sảng khoái. Thầy nhắc chuyện cũ, chuyện thầy đã dạy học và làm hiệu trưởng ngôi trường trung học mang tên quan Trấn biên Lương Văn Chánh. Thời Pháp thuộc, trường này nằm trên đất Tuy An, quê hương thầy. Ngôi trường trồng nhiều hoa bươm bướm, có nhiều bụi chà rang và trâm bầu, có những học sinh từ những địa phương khác đến học và sống cùng thầy. Thầy nhắc tên những học trò cũ như Hưởng đen, Hưởng trắng, Hồng Hoa...

 

Mỗi dịp vào Nha Trang, tôi thường đến thăm thầy. Bụi trúc nhà bên đã cao hơn ngả sang tỏa bóng mát lối đi và cái chuông điện đã thay chuông dây có treo chùm lon rỗng. Mỗi khi tiễn tôi ra về, thầy vẫn nhắc một câu: “Cho qua gửi lời thăm ngoài ấy...”. Ngoài ấy là dòng Ngân Sơn, là Lò Gốm, là vùng quê một thời bị chiến tranh tàn phá. Thời gian cứ trôi đi, tuổi già cứ lấp đầy nhưng thầy vẫn bộ ka ki đen, mũ bê rê đen cùng đôi kính lão. Tôi chợt thấy hình như đôi mắt tuổi 80 của cánh chim cô đơn đã rời xa quê chứa đầy khắc khoải. “Chừng nào em dìa lại Tuy Hòa, để qua nhắn rằng, đền ơn quê hương là những tháng năm dài cho qua nhẫn nại cầm bút...”. Câu chữ của thầy thật giản dị, chân chất, có mùi bùn non, thơm hoa vạn thọ, ấm nồng khói rạ và đặc trưng nhất là tiếng nẫu.

 

Năm ngoái, nhà văn Nguyễn Gia Nùng ở Khánh Hòa gọi điện ra cho biết thầy đã yếu nhiều và đang bạo bệnh. Tôi vào. Vẫn phố Hồng Bàng ấy, vẫn căn gác nhỏ chứa nhiều sách trên kệ, vẫn chiếc giường con treo chiếc mùng cũ. Còn thầy đã lẫn, lúc nhớ lúc quên và gầy đi thấy rõ. Thầy không còn đón người bạn nhỏ ở quê nhà, không còn đưa tôi xem những bức thư, dòng tin nhắn của bao học trò cũ ở khắp mọi miền và kể những kỷ niệm về ngôi trường cũ lúc ở An Thổ, lúc dời sang An Định rồi qua Lò Tre tránh địch càn. Thầy Võ Hồng gặp tôi không còn nheo mắt cười và nói câu quen thuộc: “Vào thăm qua đó hả, bạn nhỏ? À, tiếng Pháp tên bạn là gì ta?... Một bài thơ tiếng Pháp mang tên Hoa Thạch Thảo...”. Thầy cũng không còn giở từng bài viết của tôi, những đoạn hay được gạch bút đỏ.  Và thầy nói khi thấy tôi dùng những chữ sai âm địa phương: “Đã viết về vùng đất quê mình thì hình ảnh lẫn cách diễn đạt phải đúng. Quớ qua dìa ăn cơm...”. Lúc này, tôi ngồi bên thấy thầy ngước mắt mệt mỏi nhìn tôi.

 

Sau cơn bạo bệnh ấy, nghe nói thầy đã yếu nhiều. Không còn mỗi buổi sáng ra ban - công ngồi trên chiếc ghế mây hóng gió và nhìn những chậu hoa bươm bướm nở vàng. Năm nay, thầy Võ Hồng đã ngoài 80, chắc không thể về lại quê nhà như ước ao. Dòng Ngân Sơn thì xa, Cánh chim phiêu bạt đã mỏi nên chỉ có thể Hoài cố nhân để nhớ Ngày xưa có một Nhánh rong phiêu bạt, nhớ Bên đập Đồng Cháy nở vàng một sắc Hoa bươm bướm...

 

Tôi vẫn mong có dịp trở lại phố ấy, nhà ấy, được gặp lại người thầy có nụ cười hiền đang đứng chờ từ bậc cầu thang hẹp...

 

HUỲNH THẠCH THẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek