Thứ Năm, 03/10/2024 11:37 SA
Giao liên trong kháng chiến
Thứ Tư, 10/10/2007 07:00 SA

Ở tuổi đôi mươi, họ thoát ly và trở thành liên lạc. Những năm tháng lội suối băng rừng đưa tin tức đã lưu lại trong họ ký ức sâu đậm cho đến bây giờ.

 

BĂNG RỪNG LỘI  SUỐI  ĐƯA TIN

 

071008-Nguyen-Thi-Kheo-1.jpg

Bà Lê Thị Khẻo – Ảnh: M.NGUYỆT

Bà Lê Thị Khẻo quê ở Phú Sen (xã Hòa Định Tây, huyện Phú Hòa), là cơ sở của cách mạng từ năm 1964. Năm 1965, khi vừa tròn 20 tuổi, bà thoát ly, trở thành du kích tập trung. “Thấy tôi biết trèo cây cảnh giới, biết lội sông nên chú Sáu Hữu (Đỗ Tấn Hữu, Bí thư xã Hòa Định Tây) phân công làm giao liên, có nhiệm vụ đi lên dốc Lỗ Chài (Hòa Quang), núi Chà Rang (vùng giáp ranh giữa Hòa Quang và Sơn Hòa) gặp chú Quyết, Trạm trưởng của huyện, nhận thư từ, tài liệu” - bà kể. Nếu đi theo con mương dưới đèo Dinh Ông (Hòa Định Đông) thì sẽ tới dốc Lỗ Chài nhanh hơn, khỏe hơn. Nhưng đoạn này thường có địch. Trên đường 7, xe cộ của chúng lên xuống liên tục. Địch thường đổ lính dọc đường. Cây cối hai bên đã bị thuốc phát quang làm cho trơ trụi. Trận địa pháo của chúng đóng tại thôn Định Thọ, xã Hòa Định Đông. Địch và ta ở thế cài răng lược.

 

Để hạn chế nguy hiểm, bà chọn con đường xa hơn và khó khăn hơn, đó là đi đường rừng. Tối, bà nấu cơm, vắt sẵn để sáng sớm hôm sau đem theo. Từ Phú Sen cứ theo đường rừng mà đi. Đi một đoạn thì trèo lên cây quan sát. (Bà Khẻo biết trèo cây từ nhỏ. Nhà trồng gần chục cây cau, bà thường trèo hái cau cho nội). Tới trưa, bà đến dốc Lỗ Chài, lấy cơm nắm ra ăn, sau đó lên núi Chà Rang nhận thư từ, tài liệu rồi đi qua Gò Chợ, qua suối Cái để về Hòa Định Tây. Về tới nhà có sớm thì cũng đã 5 giờ chiều. Những hôm trời mưa, bà gói kỹ tài liệu trong tấm tăng, bỏ trong ba lô mang trên lưng. Đường đi trơn trợt, càng khó khăn nên xẩm tối bà mới về tới nhà.

 

“Lúc mới làm liên lạc, tôi cũng sợ - bà thổ lộ - Một thân một mình đi trong rừng, phần thì sợ cọp beo, rắn rít, phần thì sợ gặp biệt kích. Quân địch nay đổ biệt kích ở rừng này, mai đổ ở rừng khác. Nhưng tôi tự nhủ: Các chú các anh đã tin tưởng giao nhiệm vụ thì mình phải hoàn thành”. Cứ cách một ngày là đi, từ mùa nắng cho tới mùa mưa. Lúc đi thì mang theo thư từ của xã báo lên, khi về thì đem tài liệu, chỉ thị của huyện của tỉnh gởi xuống; nhiều khi còn nhận thư từ chuyển cho bên Tuy Hòa 1. Chỉ những lúc đau bệnh, bà mới dồn thư từ của hai chuyến lại, đi một lần. Tài liệu đem về, có khi thì giao liên của tỉnh tới nhà lấy; có khi bà đem vô bìa rừng, giao cho xã. Lúc đó, đường dây liên lạc ở phía trên không hoạt động được.

 

071008-can-bo.jpg

Đoàn cán bộ giao thông liên lạc hoạt động ở vùng căn cứ Phú Yên những năm 1960-1965

Ảnh: Tư liệu

 

Ngày 6/7/1966, bà Lê Thị Khẻo được kết nạp Đảng. Xác định trách nhiệm của đảng viên nên bà càng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Bà biết rằng những giấy tờ, tài liệu mà mình đưa đi chuyển về rất quan trọng. Nếu để giấy tờ đó rơi vào tay địch thì sẽ thiệt hại cho ta, vì vậy phải hết sức cẩn trọng. Có những chuyến, bà không chỉ chuyển thư từ  tài liệu mà còn làm người dẫn đường cho một số cán bộ cách mạng, bộ đội từ Tuy Hòa 2 qua Tuy Hòa 1. Ban ngày đi làm liên lạc, tối đến bà cùng các ông Sáu Hữu, Mười Sấn, Hai Xây (Phạm Đình Xây - khi đó là xã đội trưởng) đi làm công tác vận động phụ nữ.

 

Có một lần, trên đường đưa tin tức, bà Khẻo suýt bỏ mạng trên suối Cái (con suối nằm phía trên đèo Dinh Ông, đổ ra cầu Máng). Hôm đó trời mưa to, nước suối lớn nhanh. Bà lội xuống, bị dòng nước xiết chút xíu nữa thì cuốn đi. Nhờ chụp được một cành cây chìa ra trên mặt suối, bà mới thoát chết.

 

Với những nỗ lực trong công tác, cuối năm 1966, bà Khẻo được công nhận đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp huyện.

 

Quãng năm 1966 - 1967, Mỹ đổ quân, tăng cường càn quét, đánh phá. Có lúc mười ngày nửa tháng, thậm chí cả tháng không liên lạc về huyện được, vì cơ quan của huyện thay đổi địa điểm. Ngày nọ, bà Khẻo cùng ông Hai Xây đưa bộ đội ở trên xuống. Cả đoàn có 12 người, mỗi người đi cách nhau chừng hai thước, bà đi thứ tư. Chiều hôm đó, nắm tin từ trẻ nhỏ chăn bò, cả đoàn cứ nghĩ rằng không có địch. Ai ngờ xuống đến Hòa Định Tây thì rơi vào ổ phục kích của bọn Nam Triều Tiên. Chúng bấm mìn. Bà, ông Hai Xây và một số anh em chạy lên suối Bà Lượng, tơi tả. Đạn bắn theo sàn sạt bên tai.

 

Bà Khẻo làm liên lạc trong vòng một năm rưỡi (từ cuối năm 1965 đến giữa năm 1967). Sau đó, có một thời gian ngắn, bà làm Bí thư xã Hòa Định Tây. Đến tháng 12/1968, bà là Hội trưởng phụ nữ Tuy Hòa 2. Năm 1974, bà trở thành Hội phó phụ nữ tỉnh. Sau giải phóng, bà từng giữ chức Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phú Khánh.

 

VƯỢT QUA LÀN ĐẠN QUÂN THÙ

 

071008-ong-sau-Minh.jpg

Ông Vũ Văn Mính  - Ảnh: P.TRÀ

Ba người giao liên của tỉnh thường xuyên tới nhà bà Khẻo nhận thư từ tài liệu là ông Vũ Văn Mính - quê ở Hòa Bình 2 (thường gọi là Sáu Mính), Lê Văn Giỏi - quê ở Hòa Mỹ Đông và Phạm Văn Se - gốc ở An Ninh. Ông Giỏi và ông Se hy sinh vào năm 1968. Ông Sáu Mính đã đôi lần vượt thoát khỏi làn đạn quân thù. Cho đến tận bây giờ, trong người ông vẫn còn một viên đạn. Và lúc trái gió trở trời, những vết thương trong chiến tranh lại gợi cho ông nhớ về một giai đoạn mịt mù khói lửa. 

 

Trong căn nhà nhỏ nằm trên đường Lê Lợi (TP Tuy Hòa), ông Sáu Mính, nay đã 67 tuổi, hồi tưởng về những năm tháng không thể nào quên: “Tôi thoát ly, làm liên lạc ở Ban giao bưu tỉnh từ tháng 12/1963. Đến năm 1965, tôi lên căn cứ (Trạm H.8, còn có tên khác là Trạm Hòn Quạt). Giai đoạn 1966 - 1967, địch đánh phá ác liệt, đường dây ở phía trên không hoạt động được. Chúng tôi xuống Phú Sen, bắt liên lạc với đường dây hợp pháp của cô Khẻo. Từ Tuy Hòa 1, chúng tôi lội qua sông Ba, tới Phú Sen. Mùa nắng thì lội bộ, mùa mưa thì đi bằng thuyền. Cô Khẻo chuyển thư của tỉnh cho Tuy Hòa 1, có khi cho cả Khánh Hòa. Chúng tôi nhận thư, phân phát về huyện, lên Trạm H.19 ở Sông Hinh nối liên lạc với Khánh  Hòa…”

 

Khi đó, Trạm H.8 đóng tại Sơn Thành. Từ đây xuống huyện phải qua đường 5, rất nguy hiểm vì thường có địch. Đường 7 về tỉnh, về Tuy Hoà 2 cũng vậy. Giọng ông Sáu Mính chùng xuống: “Trạm có 10 người, mỗi năm phải bổ sung 3 - 4 người, vì cũng có chừng đó anh em hy sinh”. Sống trong hiểm nguy, gian khổ song anh em rất kiên cường, thương yêu đùm bọc nhau. Và điều quan trọng là: Người chiến sĩ liên lạc có thể ngã xuống, nhưng không để tài liệu rơi vào tay địch!

 

Gần 10 năm làm người đưa tin tức dưới khói lửa chiến tranh, ông Sáu Mính đã có những lần giáp mặt với cái chết. Năm 1967, một lần ông cùng ông Hoàng Tự Điển đưa cán bộ, trong đó có cả ông Trần Suyền, từ Trạm H.8 vượt sông Ba lên căn cứ của tỉnh ở Sơn Long. Ông Mính đi trước, vừa tới giáp đường 7 thì phát hiện địch đã phục sẵn. Chúng lập tức nã đạn. Dù bị thương nhưng ông Sáu Mính vẫn ráng quay trở lại, dẫn cả đoàn tạt xuống phía dưới khoảng rừng, tìm cách thoát khỏi vòng vây.

 

Lần khác, địch càn nhằm lúc nước sông lớn. Hầu hết anh em trong đơn vị đã vượt qua sông. Riêng ông Mính đi công tác phía Tuy Hòa 1 về, bị kẹt lại tại khu rừng Hòn Quạt, cả tuần chỉ bám địch, nhặt đồ hộp của chúng ăn qua ngày. Sau khi cảnh giới, thấy có vẻ yên nên ông và ông Mai Miết ra sông Ba lấy nước nấu cơm. Tay xách bi - đông, tay kia cầm cái xoong, ông vừa ra bờ sông, quay lại thì thấy cả tiểu đội địch. Ông liền báo động cho ông Miết. Cả hai bỏ chạy. Sáu Mính nhảy qua bụi găng tu hú, chéo dù quấn trên cổ mắc lại. May mà cuối cùng cả hai cũng thoát vô rừng Hòn Quạt. Tới chừng nhìn lại, ông thấy cái bi - đông bị đạn bắn lỗ chỗ. Đạn bắn rớt cả quả lựu đạn US mà ông dắt bên mình, chỉ còn lại cái ngòi nổ!

 

YÊN LAN

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek