Thứ Năm, 03/10/2024 11:36 SA
Đi tìm chân dung liệt sĩ Trần Mộng Thành
Kỳ V: Vì sự nghiệp cách mạng sẵn sàng đối mặt với cái chết
Thứ Ba, 09/10/2007 07:29 SA

Kỳ I: Cuốn nhật ký từ khói lửa chiến tranh

Kỳ II: Từ mái ấm gia đình đến với lý tưởng cách mạng

Kỳ III: Những tháng năm thoát ly cách mạng

Kỳ IV: Tình cảm gia đình, bạn bè, đồng đội và … tình yêu

 

071003-Ls-Tran-Mong-Thanh.jpg
Liệt sĩ Trần Mộng Thành
Trong nhật ký, Trần Mộng Thành nhiều lần nói đến mối hiểm nguy phải đối mặt với cái chết. Đó là những lần xuống cơ sở đụng mìn do địch gài:

 

“...29 tháng 9-1967. Đêm đầu tiên chạm phải một dây ngang bụng cồm cộm, tôi giật mình vội lui lại, may quá đúng là dây cước gài mìn. Vượt qua đoạn đầu đến đoạn thứ 2 ở một góc rào một dây động ở ngang chân. Rút kinh nghiệm tôi ngồi xuống rà đúng là quả thứ 2.

 

Suýt nữa là hai lần nếu ấn mạnh một ly thì có lẽ phải bị với nó rồi. Thật là may...”

 

Rồi gặp địch phục kích, và anh đã thoát chết trong gang tấc:

 

“...20 tháng Chạp 1967. Đêm bị địch phục kích...

 

...Tôi đã phát hiện tiếng nói nho nhỏ của chúng đang ở dưới công sự, tôi nhanh chóng lặn người vượt qua vì biết mình lọt vào giữa đội hình chúng phục kích. Đến thằng cuối cùng vì gần quá chúng phát hiện nổ súng, tất cả hốt hoảng nổ như mưa bấc không kể hướng nào cả. Lúc ấy tôi lợi dụng bờ ruộng làm địa hình rút về núi an toàn, mặc sức chúng chửi nhau inh ỏi, rồi vội vàng chuồn đi nơi khác chui rúc...”

 

Phải chăng đối với một cán bộ làm công tác vận động quần chúng, phải thường xuyên xuống cơ sở thì việc đụng mìn, gặp địch phục kích là điều không tránh khỏi và rất có thể phải hy sinh. Trần Mộng Thành ý thức rất rõ được điều đó, nhưng anh vẫn chấp nhận dấn thân vì sự nghiệp cách mạng.

 

“...29 tháng 2-1969. Lần này nữa là đã năm lần mình gặp địch phục-càng trải qua và vượt khỏi gian nguy bao nhiêu mình càng hiểu sâu kẻ thù nham hiểm song lại hèn hạ, bạo ngược bấy nhiêu. Lòng tự tin của mình về sự khéo léo và kiên trì cảnh giác địch trong công tác xây dựng này lại thêm vững chắc hơn lên...”

 

071008-Anh-1.jpg

Trò chuyện với chị Phạm Thị Huệ (thứ hai từ phải sang), gia đình cơ sở cách mạng của liệt sĩ Trần Mộng Thành

Theo lời anh Ngô Thanh Hải, người bạn chiến đấu của anh Thành thì lúc đó địa bàn Phú Bình là địa bàn ác liệt và nguy hiểm nhất vì đơn vị bảo an của quân ngụy đóng ở đây vô cùng tàn ác và gian ngoan. Lúc đó Đội công tác Phú Bình có 3 người là các anh Trần Ngọc Liệu (quê Quảng Nam)-đội trưởng, Trần Văn Cung (quê Hải Phòng) và Trần Mộng Thành (quê Phú Yên). Tổ “Tam tam” này được anh em trong đơn vị gọi đùa là “Ba cây tốt đỏ”-có nghĩa là sẵn sàng chấp nhận hy sinh bất cứ lúc nào. Về trường hợp hy sinh của anh Thành, anh Hải cho biết tường tận như sau:

 

“Hôm đó là ngày 13/11/1969. Chúng tôi tiến hành chuyến công tác xuống cơ sở, trên đường trở về căn cứ, tổ của anh Trần Ngọc Liệu, Trần Văn Cung và Trần Mộng Thành ghé lại một cơ sở ở thôn Phú Bình 1 xã Hoà Tân (bây giờ là Cam Tân) huyện Cam Lâm. Không ngờ tổ của anh Liệu gặp địch phục kích, chúng bấm mìn claymo, anh Thành hy sinh ngay tại chỗ, anh Cung bị thương nặng bò ra bờ ruộng. Khi trời sáng, bị bọn địch phát hiện, anh Cung đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Lúc xảy ra sự việc, tổ công tác của chúng tôi cũng đang hoạt động gần đó, nghe mìn nổ, chúng tôi cứ nghĩ là trời gần sáng nên bọn địch hủy mìn, chứ không nghĩ là các anh gặp địch. Xác của hai anh đã được nhân dân chôn cất chung trong một nấm mồ, trên phần đất của gia đình chị Phạm Thị Huệ cơ sở cách mạng. Hai ngày sau khi anh Thành hy sinh, anh Liệu-đội trưởng Đội công tác báo tin và trao lại những kỷ vật của anh Thành cho chị Hồng. Kỷ vật gồm có chiếc ba lô, bộ quần áo, chiếc rađio và cuốn nhật ký”.

 

Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, chị Hồng đã trực tiếp đi bốc mộ cho anh Thành. Khi đào lên đúng là có hài cốt của anh Thành và anh Cung. Hài cốt của hai anh đã được đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Cam Tân, sau này đưa về nghĩa trang liệt sĩ thị xã Cam Ranh. Nghĩa trang liệt sĩ Cam Ranh nằm trên một quả đồi cao, lưng tựa vào vách núi, mặt hướng ra biển Đông, đứng ở đây có thể nhìn bao quát toàn cảnh khu vực dân cư thị xã Cam Ranh phía dưới. Hai người bạn chiến đấu Trần Mộng Thành (Phú Yên) và Trần Văn Cung (Hải Phòng) cùng chiến đấu bên nhau trên mảnh đất Khánh Hoà và giờ đây cũng cùng bên nhau an nghỉ nơi nghĩa trang đẹp đẽ và tôn nghiêm này. Năm 1978, chị Hồng làm chế độ chính sách cho anh Thành và gửi các tặng thưởng cùng cuốn nhật ký của anh Thành về quê cho người anh cả Trần An cất giữ.

 

Cuốn nhật ký kết thúc dở dang bằng một bài thơ được viết vào ngày 10/9/1969. Người chiến sĩ cách mạng Trần Mộng Thành hy sinh khi vừa bước qua tuổi 24, khép lại cuộc đời của một người con Phú Yên sớm chịu nhiều bất hạnh trong cuộc sống gia đình, nhưng cũng sớm được giác ngộ tham gia cách mạng. Anh đã hy sinh lúc tuổi đời còn rất trẻ, khi mà trong tâm hồn còn bao hoài bão, ước mơ vì một quê hương đất nước hoà bình, thống nhất và giàu đẹp.

 

ĐÀO MINH HIỆP - HUỲNH VĂN QUỐC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek