Thứ Năm, 03/10/2024 13:19 CH
Cậu bé dệt chiếu trở thành nghiên cứu sinh tiến sĩ
Thứ Hai, 03/09/2007 07:00 SA

Ở tuổi 27, Lê Minh Phiếu chuẩn bị bước vào năm thứ ba của khóa nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành Luật Thương mại quốc tế tại Đại học Montesquieu (Pháp). Hành trình của một cậu học trò nghèo, từng phải làm nghề dệt chiếu từ khi rất nhỏ, đến Montesquieu chắc hẳn không chỉ khiến tôi, mà có thể nhiều người nữa ngạc nhiên.

 

GIỎI ĐỊA LÝ NHƯNG CHỌN LUẬT

 

070901-phieu1.jpg

Lê Minh Phiếu trước trụ sở Ủy ban châu Âu ở Brussel (Bỉ).

Lê Minh Phiếu sinh năm 1980 ở làng chiếu xóm Rẫy, xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa. Vào năm cuối bậc THPT, đang là học sinh Trường THPT Lê Trung Kiên, Phiếu đoạt giải nhì quốc gia môn Địa lý. Đó là một bất ngờ rất lớn, bởi lúc đó học trò ở các trường huyện khó mà giành được một suất ở đội tuyển học sinh giỏi tỉnh, đừng nói đến việc đoạt giải quốc gia, mà lại đoạt giải cao. Gần mười năm trước, sau khi giành giải cao kỳ thi quốc gia và đỗ thủ khoa tú tài Trường Lê Trung Kiên năm học 1997-1998, Phiếu tâm sự rằng: “Thế giới luôn biến chuyển, nhưng sách giáo khoa thì soạn một lần học năm, bảy năm, thông tin lạc hậu hết. Tôi đoạt giải cao là nhờ xem toàn bộ các chương trình VKT trên VTV3 và những chương trình thế giới đó đây, cập nhật thêm kiến thức từ các chương trình thời sự trên truyền hình cũng như sách báo từ thư viện”. Xem tivi để “nạp” kiến thức là điều bình thường, nhưng hiếm người biết rằng với Phiếu đó là một khó khăn. Cha anh là thương binh, má là nông dân, đời sống gia đình khó khăn đến nỗi không mua nổi chiếc tivi, Phiếu phải đi xem ké ở nhà hàng xóm…

 

Năm 1998, Lê Minh Phiếu được tuyển thẳng vào đại học. “Tôi đứng trước nhiều lựa chọn” – phiên chat mới đây với tôi, Phiếu nhớ lại – “Mê địa lý lắm nhưng cuối cùng quyết định chọn ngành Luật, rồi đeo đuổi đến bây giờ”. Tại sao? “Việc chọn trường luật có vẻ giống như một cái “duyên”. Tình cờ tôi đọc một bài trả lời phỏng vấn của tiến sĩ Mai Hồng Quỳ (lúc đó là Hiệu phó ĐH Luật TP HCM, bây giờ là Hiệu trưởng), nói với một bạn học sinh rằng: “Để có thể thành công trong nghề luật, sinh viên phải có khả năng tư duy, khả năng lập luận và khả năng thích ứng với mọi hoàn cảnh”. Và tôi cảm thấy ngành luật hợp với sở trường của mình nhất”.

 

THỦ KHOA ĐẦU VÀO THẠC SĨ VÀ SUẤT HỌC BỔNG TIẾN SĨ DUY NHẤT

 

Phiếu tâm sự: “Nhiều người bạn hay thắc mắc là sao tôi có thể bỏ hàng năm, hàng tháng trời để nghiên cứu, viết lách mà không dành nhiều thời gian để làm những công việc khác mà các bạn trẻ hay chơi như đi đá banh, đánh bi da, đi… “tán gái”. Tôi trả lời rằng, với sự đam mê khi nghiên cứu, thì khi lý giải ra một cái gì đó, biết thêm một cái gì đó mà mình tâm đắc, cũng có cảm giác được “sướng” như khi ghi bàn trên sân cỏ, như ghi được điểm trong 1 cơ bi-da khó, hay như khi chinh phục được… 1 bạn gái. Hơn nữa, cần phải biết kiên trì: Khi đã có mục tiêu, phải cố gắng đạt được nó bằng hết sức mình có thể, không nản chí, bỏ cuộc nửa chừng. Điều này có được chắc là nhờ nghề… dệt chiếu. Mình chỉ thôi dệt chiếu từ khi đi học ĐH. Ngay từ nhỏ, nhờ vào việc làm này, mình đã tập được tính kiên trì, biết chịu khó đan từng sợi lát nhỏ để tạo thành một chiếc chiếu tuyệt đẹp. Việc đọc hàng xấp các tài liệu ở các thư viện trường luật trông có vẻ rất nhiêu khê, nhưng so với việc ngồi cả ngày trời để dệt xong một chiếc chiếu mà làm từ năm này qua năm khác thì chẳng “xi nhê” gì”.

Con đường học tập của Lê Minh Phiếu nhìn trông thật… phẳng. Anh lấy bằng cử nhân Luật năm 2003, hai năm sau thì bảo vệ xong thạc sĩ Luật Hợp tác quốc tế và ngay năm này nhận được học bổng đi Pháp làm nghiên cứu sinh tiến sĩ luật.

 

Nhưng để có được điều đó là một sự nỗ lực khủng khiếp. Hồi ở đại học, bên cạnh việc bươn chải làm thêm để trang trải phần nào gánh nặng cho cha mẹ, Phiếu dành phần nhiều thời gian để nghiên cứu khoa học và học tiếng Pháp. “3 năm học chuyên ngành ở ĐH Luật, tôi cho “ra lò” 3 công trình nghiên cứu khoa học. Đề tài đầu tiên thực hiện vào năm thứ 3 đại học là  “Một số vấn đề về đối tượng thành lập và quản lý doanh nghiệp theo luật doanh nghiệp 1999”. Tiếp đó, năm thứ tư, tôi đăng ký làm đề tài nghiên cứu khoa học “Luật Doanh nghiệp với việc thực thi Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ” và sau đó được Bộ Giáo dục – Đào tạo trao giải thưởng. Năm cuối, tôi “dấn thân”, làm đề tài luận văn tốt nghiệp: “Hoàn thiện pháp luật doanh nghiệp để thực thi Hiệp định thương mại Việt - Mỹ”, không phải bằng tiếng mẹ đẻ, mà bằng tiếng Pháp” - Phiếu cho biết.

 

Phải làm luận văn tốt nghiệp bằng tiếng Pháp mới có cơ hội tìm được học bổng học cao hơn, bởi tôi là kẻ thích khám phá miền đất lạ - Phiếu nói. Anh bảo vệ khóa luận đạt á khoa trong số các luận văn viết bằng tiếng Pháp tại ĐH Luật TP Hồ Chí Minh năm 2003, đáp ứng được điều kiện “điểm cao”, sau đó làm tốt kỳ thi viết và vượt qua đợt phỏng vấn bằng tiếng Pháp, đỗ thủ khoa trong cuộc thi kiếm học bổng Thạc sĩ Luật (Master of Law - LLM) do Cơ quan Hợp tác Đại học khối Pháp ngữ cấp. Phiếu nghiên cứu tại Hà Nội, nhưng văn bằng do Trường ĐH Jean Moulin - Lyon 3 của Pháp cấp. 

 

Không phải thi cử thêm nữa, chỉ căn cứ vào kết quả học tập, những công trình nghiên cứu, dự án trong tương lai, động lực học tập cũng như những tính cách của ứng viên, Cơ quan Hợp tác Đại học khối Pháp ngữ quyết định cấp một suất học bổng nghiên cứu sinh tiến sĩ (PhD) để Lê Minh Phiếu sang Đại học Montesquieu (Pháp). Phiếu cho biết: “Đó là học bổng tiến sĩ duy nhất dành cho ngành luật của cơ quan này ở Khu vực châu Á - Thái Bình Dương và toàn khóa học thạc sĩ trước đó”.

 

SẼ LÀM VIỆC Ở VIỆT NAM

 

Cái tên Lê Minh Phiếu cũng xuất hiện thường xuyên trên các báo trong nước như: Tuổi Trẻ, Tiền Phong, Vietnamnet, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Sài Gòn Tiếp Thị, Saigon Times Weekly (tiếng Anh), Tạp chí Khoa học Pháp lý, Phú Yên… với những bài viết mang tính phân tích, đánh giá về luật pháp liên quan đến lĩnh vực kinh tế – đầu tư – tài chính, về WTO, cải cách hành chính, cải cách giáo dục…

Lê Minh Phiếu cho biết anh đang nghiên cứu ở lĩnh vực Luật Thương mại quốc tế và đang thực hiện bước đầu luận văn tốt nghiệp (sẽ bảo vệ cuối năm 2008 hoặc đầu 2009): “Nguyên tắc không phân biệt đối xử trong thương mại quốc tế về dịch vụ và hệ thống pháp luật Việt Nam”. Phiếu nói: “Luận án đó sẽ giúp ích rất nhiều trong việc thực thi các luật lệ của WTO mà đặc biệt là liên quan đến thương mại dịch vụ (GATS) khi Việt Nam là thành viên của WTO, đang giai đoạn đầu hội nhập kinh tế quốc tế”.

 

Tranh thủ những ngày nghỉ giữa hai năm học, Phiếu bay về Việt Nam, làm việc cho một công ty Luật ở TP Hồ Chí Minh. Hiện anh làm tư vấn cho tập đoàn Berjaya đang triển khai một dự án đầu tư 3,5 tỉ USD tại huyện Củ Chi (TP HCM). Phiếu cho hay: “Tôi quan niệm rằng, không nên đợi đến khi ra trường thì mới đi làm. Trường học là nơi chuyên về đào tạo, nhưng làm việc cũng là một cách học tập không thể thiếu, nó giúp mình bổ sung và liên hệ, so sánh lẫn nhau giữa lý thuyết và thực tiễn, giữa những lý luận hàn lâm đến những trường hợp cụ thể, rõ ràng nhất xảy ra trong cuộc sống. Hơn nữa, tôi nghĩ một người chỉ đi làm mà không có những kiến thức được đào tạo cơ bản thì khó mà có khả năng nhìn nhận và quyết định các vấn đề một cách đúng đắn, toàn diện. Tuy nhiên, những người mà học trong nhà trường quá nhiều nhưng không có hiểu biết gì về thực tiễn cũng rất khó để lời nói của mình có sức thuyết phục. Đi làm khi đi học với tôi là cách để bổ sung kiến thức”.

 

Có rất nhiều người sau khi đi học ở nước ngoài thường tìm cách ở lại luôn bên đó, nhưng Phiếu thì không. Anh khẳng định: “Tôi sẽ về Việt Nam để làm việc. Không có gì ngạc nhiên, đơn giản vì nếu ở nước ngoài, những gì mình làm sẽ ít có giá trị hơn so với ở Việt Nam. Và chắc chắn một điều rằng, Việt Nam cần những gì mình có thể làm hơn rất nhiều so với Pháp”.

 

Về hoạch định tương lai, Lê Minh Phiếu cho biết anh sẽ trở thành luật sư để trợ giúp các doanh nghiệp trong các giao dịch thương mại quốc tế. “Trong thời gian đó, tôi cũng sẽ dành thời gian để thỉnh giảng một vài môn học tại các trường đại học, cũng như nghiên cứu, viết sách, báo để góp những tiếng nói vào quá trình phát triển ở Việt Nam” – anh nói – “Riêng quê nhà Phú Yên, nếu cần những người tư vấn trong việc hoạch định đường lối phát triển, thu hút đầu tư nước ngoài, cải cách hành chính thì tôi cũng rất vinh dự tham gia”.

 

NGUYỄN QUỐC KHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek