Thứ Năm, 03/10/2024 16:13 CH
Nhật ký của một liệt sĩ giải phóng
Chủ Nhật, 22/07/2007 13:12 CH

Đã hơn 30 năm qua, cụ Trần An ở thôn 1, xã Hoà Vinh, huyện Đông Hòa đã giữ kỹ cuốn nhật ký của người em - liệt sĩ Trần Mộng Thành.

 

CUỐN NHẬT KÝ ĐƯỢC VIẾT 12 NĂM

 

Lấy cuốn nhật ký được cất kỹ trong ngăn tủ, bao bọc trong nhiều lớp ni-lông ra, cụ An giới thiệu: Trong cuốn sổ dày hơn 200 trang (15x20cm) này ngoài những trang nhật ký viết từ những năm 1957-1969 còn có 58 bài thơ. Tiếp đó, cụ lật cẩn thận từng trang, từng đoạn, hướng dẫn tỉ mỉ cho chúng tôi  cách xem.

 

070720-cu-gia.jpg

Cụ Trần An bên quyển nhật ký của người em liệt sĩ - Ảnh: T.HỘI

 

Được tiếp cận cuốn nhật ký, cảm nhận đầu tiên của tôi là sự ngỡ ngàng. Đã hơn 30 năm rồi mà quyển nhật ký vẫn còn nguyên vẹn, vẫn nguyên màu giấy mới. Cuốn nhật ký được viết với những nét chữ đều đặn và được trình bày rất đẹp mắt.

 

Liệt sĩ Trần Mộng Thành sinh năm 1945, thứ thừa, trong một gia đình có đến 11 anh chị em ở xã Hoà Tân Đông, huyện Đông Hoà. 4 anh em ông đã tham gia cách mạng chống Pháp và chống Mỹ. Khi ông lên 8 tuổi đã mồ côi cha mẹ. Học hết lớp 5, ông nghỉ học để đi  làm mướn, làm thuê mưu sinh. Vào giữa năm 1960, Trần Mộng Thành đi theo đoàn người trong xã, trong đó có  gia đình người chị ruột, vào những khu rừng của huyện Cam Ranh, Khánh Hoà để chặt củi thuê kiếm sống. Ở đó, ông đã giác ngộ và thoát ly theo cách mạng. Ông đã được Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam tặng thưởng Huân chương Quyết thắng hạng nhì và được Nhà nước truy tặng Huân chương kháng chiến hạng nhất.

Tôi bị cuốn hút  thực sự  khi đọc  từng trang nhật ký. Đó là những lời tự sự của người viết được thực hiện từ năm ông 12 tuổi (1957) - những năm tháng tuổi thơ chứng kiến cảnh quê hương bị quân xâm lược giày xéo; lòng căm thù uất hận và khát vọng được cầm súng trả thù bảo vệ Tổ quốc của người thanh niên mới lớn. Đó là những sự kiện, kỷ niệm của những năm tháng anh bộ đội Trần Mộng Thành đồng cam, cộng khổ cùng đồng đội ở đơn vị C10 trong chiến đấu ở chiến trường Cam Ranh - Khánh Hoà. Và tất nhiên còn với bao nhiêu buồn vui,  giận hờn, yêu ghét của đời người thanh niên vốn mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Cuốn nhật ký dừng lại ở một bài thơ đang viết dở dang (ngày 10 tháng 9 năm 1969). Sau đó hai tháng, chiến sĩ Trần Mộng Thành đã hy sinh trong một trận đánh ác liệt…

 

Cuốn nhật ký của liệt sĩ Trần Mộng Thành có “lửa” – “lửa” của những người thanh niên tuổi đôi mươi quyết ra đi để giành lại nền độc lập cho thế hệ mai sau…

 

TẤM LÒNG CỦA NGƯỜI ANH

 

Cụ Trần An là người anh thứ ba và cũng là anh cả của đàn em, trong đó có liệt sĩ Trần Mộng Thành. Khi liệt sĩ hy sinh, người chị ruột đã tiếp nhận các kỷ vật của ông từ đồng đội và sau giải phóng thì giao lại cho cụ An cất giữ. “Tôi đã cất giữ, bảo quản quyển nhật ký này đã hơn 30 năm qua nhưng không nghĩ nhật ký của một chiến sĩ có giá trị gì đối với xã hội. Nhưng vài năm trước, tôi đọc báo Quân Đội Nhân Dân, biết tin nhà báo Nguyễn Đức Thắng của báo này đang tìm những kỷ vật của các liệt sĩ hy sinh trong hai cuộc kháng chiến để sưu tầm, đưa vào bảo tàng hiện vật chiến tranh.

 

070720-vo-cu.jpg

Những nét chữ trong nhật ký liệt sĩ Trần Môïng Thành - Ảnh: T.HỘI

 

 “Ngày 28 tháng 8 năm 1960

 

Khi cuộc sống mãi bên trong ngưỡng cửa gia đình thì không bao giờ tìm ra một chân lý được, vì nó không ở trong nệm ấm chăn êm mà là nơi xa xôi nhất – nơi đầy gian nguy cát bụi. Vậy chẳng lẽ mình ngồi đây mà chờ nó đến bằng biện pháp tiêu cực này chăng? Hay phải đi – đi vào chiến trường nguy  nan để tìm thấy nó bằng thực tế? Biết rằng ta sẽ đổi chác những cái gì đó to lớn để giành lấy chân lý ấy về ta. Đây là câu hỏi của tâm hồn người trai khi đất nước vang lời kêu gọi mà cũng là tia sáng soi rọi cho sự quyết định một trong hai ngả đường hành động”

 

 (Trích Nhật ký liệt sĩ Trần Mộng Thành)

Tôi đã nhiều lần viết thư cho nhà báo ấy, nhưng đến nay chưa nhận được hồi âm. Giờ tôi đã gần đất xã trời rồi, nên ước nguyện là muốn trao lại kỷ vật của chú Thành cho những cơ quan chức năng lưu giữ, và nếu được thì tuyên truyền để giáo dục truyền thống cho thế hệ con cháu” - Cụ An nói.

 

30 năm qua, cụ An thường xuyên đọc, nghiền ngẫm về những dòng chữ của em mình. Cụ tâm sự: “Sợ cứ lật hoài quyển nhật ký bị rách nát nên tôi đã chép lại những bài thơ hay trong đó để mỗi khi rảnh rỗi hay những đêm không ngủ được, tôi gảy đàn, ngâm ngợi cho khuây khoả!”. Hôm chúng tôi đến nhà, cụ còn lấy máy cassette mở một cuộc băng cho thu giọng của một cháu gái nhỏ đọc diễn cảm những bài thơ diễn tả cảnh ác liệt của chiến tranh cũng như sự oai hùng của những chiến sĩ giải phóng. Cụ An nói rằng đó là những bài thơ trong cuốn nhật ký của em mình, do đứa cháu nội cụ thể hiện. “Cứ đến ngày giỗ chú, gia đình chúng tôi quây quần bên nhau, nghe lại những bài thơ này. Đây là cách để con cháu và mọi người tưởng nhớ đến chú Thành, noi gương anh hùng và ý chí kiên cường của chú mà sống cho tốt” - cụ An nói vậy. Cụ còn cho biết rằng, hàng năm, vào ngày kỵ của liệt sĩ Thành, ông đến tận phần mộ của liệt sĩ ở Cam Ranh (Khánh Hòa), thắp hương và đọc một, hai bài thơ, một đoạn nhật ký để sưởi ấm lòng người đã khuất...

 

Mong rằng với bài viết này, các đơn vị chức năng sẽ liên hệ với cụ An để nhận lại cuốn nhật ký của liệt sĩ Trần Mộng Thành để lưu giữ như một kỷ vật quý giá của các chiến sĩ cách mạng đã quên mình vì nền độc lập, tự do của dân tộc.

 

LÊ THANH HỘI

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek