Thứ Năm, 03/10/2024 16:17 CH
Gặp những người còn sống sót trong cuộc thảm sát ở núi Lở
Thứ Ba, 07/08/2007 07:10 SA

Gần bốn mươi năm qua mà người dân xã Phước Tân (Sơn Hòa) vẫn không thể nào quên được cuộc thảm sát của lính đánh thuê Nam Triều Tiên tại núi Lở buôn Ma Tảng.

 

070807-CU.jpg

Gia làng Ma Y

Núi Lở ở buôn Ma Tảng, xã Phước Tân (Sơn Hòa) nằm về phía đông của dãy Chư Plek và Chư Fí (xã Đất Bằng, huyện Krông Pa, Gia Lai), cách trung tâm xã Phước Tân về hướng tây khoảng 3km. Nơi đây rừng rậm suối sâu và có nhiều hang động, thời chiến tranh là nơi thuận lợi cho nhân dân vùng căn cứ miền Tây tỉnh Phú Yên ẩn nấp khi địch càn quét dài ngày. Ông Lê Mô Tu (Ma Y), năm nay đã 80 tuổi, là người may mắn còn sống sót trong cuộc thảm sát chiều 2/10/1970 tại núi Lở, kể: Đó là mùa lúa To ri vừa cườm đỏ đuôi, còn lúa To chanh đang trổ bông ngậm sữa. Đầu mùa đông, trời mưa lất phất, gió bấc thổi về lành lạnh. Khoảng xế chiều ngày 2/10/1970, chúng tôi ở dưới suối Hòn nghe trên triền núi có tiếng cây gãy răn rắc, tưởng là gió làm cây ngã đổ. Tôi ngoái nhìn về phía tây, thấy hàng tốp lính Nam Triều Tiên láo liên lùng sục. Sau đó, hàng loạt tiếng nổ ầm vang cả núi rừng, nào lựu đạn, M79, súng liên thanh... bắn xối xả vào nơi chúng tôi ẩn náu.

Ngày hôm đó có 178 người từ các buôn làng xã Phước Tân vào đây để trốn địch càn quét với các binh chủng bộ binh, pháo binh và máy bay thả bom. Cuộc thảm sát kinh hoàng chết 66 người hầu hết là trẻ em, phụ nữ và người già, số còn lại bị thương gần một nửa. Mẹ của ông Ma Y là Mó Nữ, 75 tuổi cũng bị chết trong cuộc thảm sát đó. Tối hôm đó, lính Nam Triều Tiên lùng sục bắt trói những người còn sống, đứng dưới mưa để tra khảo. Chúng hỏi bộ đội ta đóng quân ở đâu? Trong số này ai là “Việt cộng”... nhưng bà con ai nấy đều cương quyết không khai.

 

Ông Ma Tiến lúc bấy giờ mới 26 tuổi, một trong những người may mắn thoát chết chiều hôm ấy nhớ lại: “Gia đình tôi có bảy người thì đã có bốn người chết là vợ con tôi và hai đứa em. Lúc đó vợ tôi khoảng hai mươi tuổi, con tôi mới biết đi tập tễnh, hai đứa em hơn mười tuổi. Gần bốn mươi năm đã đi qua, nhưng tôi vẫn không quên buổi chiều kinh hoàng ấy, nơi chúng tôi trốn trú như một chảo lửa khổng lồ!”

 

Sáng hôm sau, ai bị thương thì được bộ đội đưa về trạm xá cứu chữa. Những người chết chôn cất chẳng có hòm, chiếu, cũng không có một nắm cơm vắt hay cái trứng gà để cúng. Cuốc xẻng cũng không có để đào huyệt, chúng tôi phải chặt gốc tre, và cây chà rang già vạt nhọn để làm xà beng” - ông Ma Y bảo với chúng tôi như vậy.

 

Cuối tháng 3/1975, Sơn Hòa được hoàn toàn giải phóng. Bà con các nơi về xây dựng lại buôn làng mới, khắc phục khó khăn tăng gia sản xuất. Ông Ma Y được bà con tin yêu, quí trọng bởi ông sống có uy tín, mẫu mực nên bà con đồng tình lấy tên ông đặt tên buôn. Ma Y và Ma Tiến tâm sự: “Chúng tôi tuổi đã xế chiều, nhưng nguyện sống sẽ làm tròn bổn phận của mình với địa phương dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào”.

 

TRẦN LÊ KHA

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek