Thứ Năm, 03/10/2024 16:08 CH
Giao liên thời kháng chiến
Thứ Ba, 26/06/2007 07:00 SA

Năm 1968 đến tháng 8 năm 1969, tôi phụ trách Trường thanh niên khởi nghĩa huyện Đồng Xuân, nhưng lúc này ngành giao bưu huyện đang thiếu người, nên tháng 9 năm 1969, Ban Thường vụ Huyện ủy điều về công tác ở Trạm giao liên huyện.

 

Bà Trần Thị Ảnh, sinh năm 1947 ở thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân từng là xã đội phó Xuân Quang 1, Thư ký phụ nữ xã, phụ trách Trường thanh niên khởi nghĩa, Hội trưởng Hội phụ nữ huyện, Huyện uỷ viên, Trưởng trạm H9, Ủy viên Ban Giao bưu tỉnh. 

Đơn vị tôi ngày ấy có sáu người gồm trạm trưởng, trạm phó và bốn nhân viên nhưng chỉ duy nhất tôi là nữ. Chúng tôi có nhiệm vụ soi đường đưa khách, chuyển công văn, tài liệu, thư từ, thông tin liên lạc không chỉ tuyến đường từ tỉnh về Đồng Xuân và năm xã Xuân Sơn, Xuân Quang 1, Xuân Quang 2, Xuân Phước, Xuân Long, mà còn đảm trách cả đường dây liên lạc của tỉnh đi qua huyện Sông Cầu….

 

Ngày ấy, giao liên luôn phải chuyển thư hỏa tốc, phải đi lại như con thoi giữa các trạm bất kể mưa nắng, đêm ngày. Thử thách lớn nhất với anh em giao liên không phải thiên nhiên khắc nghiệt, mà gặp phải địch đi càn. Những lúc như vậy, bản thân người giao liên phải mưu trí, dũng cảm soi đường, đưa khách, chuyển công văn, tài liệu đến nơi an toàn. Ngày ấy ở hai tuyến đường Xuân Sơn và Sông Cầu, chúng tôi luôn phải soi đường hàng ngày để tránh bị phục kích và gián điệp theo dõi chỉ điểm.

 

Những ai sống trong thời chiến sẽ hiểu được lằn ranh giữa cái chết và sự sống chỉ cách nhau gang tấc. Hôm nay, đồng đội vẫn còn làm nhiệm vụ bên cạnh mình, nhưng ngày mai có thể họ sẽ ngã xuống dưới làn mưa bom lửa đạn của kẻ thù. Còn nhớ, thời gian ấy tôi mới chuyển về trạm công tác được một tuần. Từ chiều hôm trước, tôi rời trạm đi xuống xã Xuân Quang 2 mua sắn thì mờ sáng hôm sau nhóm biệt kích từ bên Xuân Lãnh lùng qua khu vực trạm đóng quân. Không may lúc đó anh em trong trạm và một số cán bộ đang trên đường công tác đang nghỉ tại đây thức dậy nấu cơm. Bọn địch nghe tiếng động nên mới phát hiện. Chúng tập kích đánh úp vào trạm khiến anh em không kịp phản ứng. Vì thế mà ba anh Võ Văn Phước (trạm trưởng), Trương Phan (trạm phó) và anh Sáu Ngàn (Chính trị viên huyện đội) đã hi sinh.

 

Sau đó, đơn vị phải đi tìm nơi khác để đóng quân. Chúng tôi chuyển đến cánh rừng thuộc địa bàn thôn Triêm Đức. Trạm còn lại bốn người, nhưng chỉ có mình tôi là đảng viên, nên lãnh đạo Thường vụ Huyện ủy giao tôi làm quyền trưởng trạm. Thời gian này, chúng tôi vẫn đảm đương trực hai tuyến đường dài từ Đồng Xuân lên tỉnh và từ Đồng Xuân về Sông Cầu. Chúng tôi sống nhờ ăn rau rừng và muối của người dân ở vùng bất hợp pháp giúp đỡ. Ít người, chúng tôi buộc phải đi công tác nhiều hơn, vất vả hơn, lại càng không có thời gian để sản xuất… Gần một tháng sau, Ban Giao bưu tỉnh điều về trạm một đồng chí nam để trực tuyến đường Sông Cầu. Gần nửa năm sau trên đường công tác anh gặp phải địch phục kích và hi sinh ở Bằng Tự Túc (nằm trên địa bàn xã Xuân Long bây giờ).

 

Tháng 3 năm 1971, Ban Giao bưu tỉnh điều tôi từ Đồng Xuân về phụ trách trạm H9 ở KaTe. Trạm H9 thuộc địa phận Gia Lai, nằm ở địa đầu của Phú Yên. Chúng tôi có nhiệm vụ mốc nối với trạm anh Toa, về sau là anh Mẫn. Trạm anh Toa thuộc đường dây liên lạc của trung ương nên hàng hoá, thư từ cần vận chuyển ở đây không chỉ của Phú Yên mà cả tỉnh Khánh Hoà. Tôi và ba chị em của trạm là Mùi, Liên, Hoa muốn chuyển hàng về Phú Yên thì phải trèo qua đỉnh đồi dốc Thơm (ranh giới giữa Gia Lai và Phú Yên) mất hết hai giờ đồng hồ, trong khi lại gùi trên lưng những thùng hàng nặng từ 30-50 kg rất vất vả.

 

Thời gian này, tôi vừa là trạm trưởng H9, vừa là Bí thư chi bộ phụ trách ba trạm giao bưu nữ. Ngoài thời gian làm nhiệm vụ, chúng tôi tranh thủ tăng gia sản xuất. Ban ngày chúng tôi tránh máy bay địch, ban đêm tranh thủ dọn rẫy, cuốc đất trồng sắn, bắp. Nhưng sắn, bắp không thể giữ được vì heo rừng phá rất dữ. Chị em chúng tôi phải sống nhờ vào măng tre, rau rừng. Lâu lâu, tôi lại cử người xuống đồng bằng mua muối, bột ngọt, kim chỉ về trao đổi sắn, bắp của bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở nơi xa cả trăm cây số.

 

Năm 1975, chúng tôi dốc hết sức lực ngày đêm vận chuyển hàng hoá thư từ ngoài trạm Trung ương gửi vào để phục vụ cho chiến dịch Hồ Chí Minh, góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào cuộc đại thắng  mùa xuân năm 1975 của dân tộc Việt Nam.

 

THỦY VĂN ghi theo lời kể của  TRẦN THỊ ẢNH,

nguyên Ủy viên Ban Giao bưu tỉnh Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek