Thứ Năm, 03/10/2024 16:08 CH
GS-TS Lê Ngọc Thọ
“Tôi xin làm người bắc cầu...”
Chủ Nhật, 13/05/2007 10:19 SA

Được bạn bè đánh giá là “thần đồng” vì ông luôn dẫn đầu lớp kể từ thời tiểu học cho đến khi kết thúc bậc phổ thông trung học ở Tuy Hòa. Giành được học bổng du học sau khi đậu vào Trung tâm kỹ thuật Phú Thọ - Sài Gòn (ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh bây giờ), ông sang Canada học đại học, sau đó trở thành tiến sĩ và ở lại đây giảng dạy. Ông hiện là một chuyên gia nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực công nghệ thông tin với nhiều giải thưởng và sáng chế được thế giới công nhận, được mời đi giảng dạy ở hàng chục quốc gia châu Âu, châu Á, Mỹ... Ông đang làm một công việc nhiều ý nghĩa: Chọn những học sinh - sinh viên xuất sắc của Việt Nam để tư vấn và xin học bổng du học ở nước ngoài. Ông là GS - TS Lê Ngọc Thọ.

 

XÚC ĐỘNG KHI GẶP LẠI NÚI NHẠN, SÔNG ĐÀ RẰNG

 

070513-tho.jpg

GS-TS Lê Ngọc -  Ảnh: K.DUY

* Nhiều bạn bè của giáo sư nói rằng thời học sinh ở Tuy Hòa ông là một “thần đồng”. Không bao giờ ông chịu đứng nhì lớp mà chỉ độc tôn ở vị trí số 1 kể từ tiểu học cho đến phổ thông trung học. Ông còn nhớ gì về những ngày đó?

 

- (Cười lớn) Tôi sinh ra ở Quế Sơn, Quảng Nam. Năm tôi lên hai (1956), cả gia đình tôi chuyển vào sống ở Tuy Hòa vì ba tôi vào đây để nhận việc. Cả thời niên thiếu, tiểu học và trung học, tôi sống ở Tuy Hòa. Năm 1972, sau khi tốt nghiệp trung học, tôi vào Sài Gòn thi vào Trung tâm kỹ thuật Phú Thọ, ngành điện tử. Tôi học ở đó một tháng, thì được học bổng đi du học Canada (1/1973) và định cư ở TP Montreal kể từ đó đến nay.

 

Nhớ lại chuyện học ngày xưa ở Tuy Hòa vui lắm. Cùng lớp những năm trung học với tôi có những người bạn học rất giỏi, rất thông minh như các chị Trần Thị Việt Ngân, Thanh Băng, Kim Thạnh, Phương Lan… và các anh Võ Hồng Vân, Phan Hộ, Đào Tứ Xuyên, Phan Tiên Tại... Tôi nghĩ học trong lớp thì phải có xếp hạng thôi. Tôi may mắn được đứng nhất, nhưng nghĩ rằng khoảng cách giữa mình và những người bạn đó không xa. Tôi cũng xin trân trọng ghi lại đây lòng biết ơn với nhiều thầy cô đã dạy dỗ tôi từ thuở mẫu giáo đến khi trung học.

 

* Cảm xúc của giáo sư khi về lại Tuy Hòa lần này thế nào?

 

- Đây là lần thứ ba tôi trở lại đây, sau hai lần trước là 1986 và 2002. Đối với tôi Tuy Hòa là miền đất có quá nhiều kỷ niệm. Bây giờ thành phố đã khác rất nhiều so với hồi tôi còn bé, thời học sinh và cả những lần về thăm trước đây. Tuy Hòa đã có bóng dáng của một đô thị. Còn riêng tôi, mỗi lần đi qua cầu Đà Rằng, nhìn sông, nhìn núi Nhạn là xúc động ghê lắm, một loại cảm xúc lạ kỳ khó thể diễn tả được bằng lời. Lúc nào tôi cũng nhớ mình là con em của Tuy Hòa, của Phú Yên.

 

LÚC NÀO CŨNG NÊN HỌC

 

* 1976: tốt nghiệp kỹ sư điện, chuyên ngành điện tử ở ĐH McGill. Từ đó đến năm 1982: làm kỹ sư thiết kế và nghiên cứu cho công ty về không gian và viễn thông vệ tinh Spar Aerospace. Đi làm toàn phần, học bán phần và hoàn tất M.Eng. (thạc sĩ) ở ĐH McGill về điện tử vi tính năm 1978, và Ph.D (tiến sĩ) về viễn thông vệ tinh ở ĐH Ottawa đầu năm 1983.

 

* 1982-1985: làm Manager nhóm nghiên cứu và thiết kế hệ thống viễn thông SR500 cho công ty SRTelecom. Tham gia giảng dạy một số môn ở các ĐH McGill, Concordia, và Québe và hướng dẫn sinh viên M.Eng. và Ph.D ở ĐH Concordia.

 

* 1985-2000: làm giáo sư toàn phần ở ĐH Concordia.

 

* 1995-1998: là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu xử lý tín hiệu và viễn thông (Director, Signal Processing and Communications Research Centre).

 

* 1995-2003: lãnh đạo dự án Nghiên cứu về viễn thông vệ tinh băng thông rộng (Leader of the Major Project Broadband Satellite Communications) quy tụ giáo sư nghiên cứu ở 6 đại học và trung tâm nghiên cứu viễn thông Canada.

 

* Từ năm 2000: làm giáo sư ở ĐH McGill.

 

* Từ năm 2004: Giám đốc khoa học sáng lập của Trung tâm Nghiên cứu thông tin và viễn thông cao cấp (Founding Scientific Director of the Center for Advanced Systems and Technologies in Communications, SYTACom).

 

* 2002-2005: thành viên nhóm tư vấn về viễn thông vệ tinh cho Cơ quan không gian Canada (Member, Canadian Space Agency, CSA, Satellite Communications Advisory Group, SatCom-AG).

* Ông có những sáng chế tiêu biểu nào được thế giới công nhận?

 

- Tôi làm về viễn thông qua vệ tinh, viễn thông không dây, viễn thông đa phương tiện. Tôi đã nghiên cứu đưa ra những đề nghị, những phương cách để làm cho cách truyền tin được tốt hơn. Tôi đã viết hơn 400 bài nghiên cứu đăng trên các báo và các tham luận hội nghị, xuất bản 2 cuốn sách và đã có 7 bằng sáng chế được công nhận.

 

Tôi được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Kỹ thuật Canada từ năm 2005 cho những đóng góp về viễn thông băng rộng; là Viện sĩ Viện Kỹ thuật Canada từ năm 2000; Viện sĩ Viện Kỹ sư Điện và Điện tử từ năm 1997 cho những đóng góp về kỹ thuật điều biến, mã sửa sai và đa truy cập ứng dụng trong viễn thông không dây.

 

Tôi cũng đã nhận được một số giải thưởng. Đó là giải IEEE Canada Fessenden Award 2005 cho công trình tiên phong thiết kế hệ thống viễn thông không dây đầu tiên trên thế giới; giải 2004 Canadian Award in Telecommunications Research cho những đóng góp nghiên cứu đáng kể và dẫn đầu trong ngành viễn thông không dây và viễn thông vệ tinh; giải A.F. Bulgin Premium cho bài báo nổi bật xuất bản bởi IERE (Institution of Electronic and Radio Engineers, England) năm 1987; giải bài báo hay nhất xuất bản trong IEEE Micro Magazine năm 1981.

 

* Trong hàng loạt những sáng chế được công nhận đó, GS tâm đắc nhất là sáng chế nào?

 

- Nói chi tiết cho rõ thì phải dùng khá nhiều thuật ngữ chuyên môn, chẳng hạn như “kỹ thuật điều biến, mã sửa sai và đa truy cập ứng dụng trong viễn thông không dây”, vừa dài vừa khó hiểu, lại vừa chán phải không anh? Nên cho tôi nói đại khái, như tìm cách giải quyết trường hợp rớt mạng Internet và điện thoại. Cứ hình dung việc truy cập vào Internet cũng giống như chúng ta đang lưu thông trên một con đường đầy ắp xe cộ mà ai cũng tranh đi trước, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn giao thông. Tôi đã tìm được phương cách tránh được sự tắc nghẽn đó, đồng thời làm cho lưu lượng của kênh thông tin đạt được tốt nhất. Giải pháp của tôi đã đóng góp giải quyết tình trạng “nghẽn giao thông” trong viễn thông băng rộng.

 

* Bí quyết nào giúp ông thành công trong việc học tập cũng như nghiên cứu khoa học như vậy?

 

- Theo tôi, lúc nào mình cũng nên phải đọc, phải học hỏi nhiều. Bản thân tôi chọn nghề dạy học vì tôi thích được học. Lúc tôi còn nhỏ, tôi rất thích lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Lớn lên, nghề dạy học và nghiên cứu khoa học kỹ thuật cho phép tôi vừa nghiên cứu được những điều mới lạ, vừa học hỏi được nhiều từ đồng nghiệp, từ sinh viên của mình. Cái gì mình không biết thì mình nên học. Tôi quan niệm như thế, chứ không thể nào nói rằng người có trình độ chưa bằng mình thì không có chuyện cho mình học. Ngành giáo là một ngành rất “lời” vì lúc nào tôi cũng được tiếp xúc và làm việc với những người trẻ tuổi, có tài.

 

Ngoài ra, cần cù trong công việc là tốt, nhưng nếu “chúi mũi” vào nó quá thì lại... không tốt. Cần phải có thời gian vui chơi, giải trí để cảm nhận thiên nhiên, thế giới luôn thay đổi sinh động quanh mình ...

 

“XIN ĐƯỢC LÀ NGƯỜI BẮC CẦU...…”

 

* Được biết ông về Việt Nam lần này là để tìm những sinh viên giỏi để cấp học bổng đi học sau đại học ở nước ngoài...

 

- Tôi không cấp học bổng mà chỉ là người hướng dẫn giúp cho những em có khả năng có được sự chuẩn bị sớm hơn. Tôi là người bắc cầu, giới thiệu cho các em những ngành học có học bổng, hướng các em tập trung nghiên cứu những nội dung, ngành học đại học có liên quan đến ngành đào tạo đó và sau cùng là giúp chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhất để có thể xin được học bổng. Tôi là giáo sư đang giảng dạy ở nhiều trường đại học ở nhiều quốc gia khác nhau, tôi thường được các trường hỏi ý kiến trong việc tuyển chọn người nước ngoài để cấp học bổng sang các trường này. Chỉ riêng trường nơi tôi công tác hàng năm có đến 600-700 hồ sơ được gởi đến từ khắp nơi trên thế giới để xin học bổng du học sau đại học. Nếu có sự giới thiệu thì các sinh viên Việt Nam có cơ hội hơn.

 

* Một sinh viên muốn được GS giới thiệu cấp học bổng du học cần phải có những điều kiện gì?

 

* Vậy những sinh viên muốn đi du học nhờ sự giúp đỡ của giáo sư sẽ liên hệ với ông như thế nào?

 

- Cách tốt nhất là liên hệ theo điện thư, địa chỉ là tho-lengoc@mcgill.ca.

- Hiện tôi đang tìm học bổng du học sau đại học, tức những người đã tốt nghiệp xong một đại học. Những em học giỏi xếp từ thứ nhất đến thứ năm của lớp thì sẽ có cơ hội cao, thích khoa học kỹ thuật, nhất là chuyên ngành công nghệ thông tin, điện và điện tử thì có thể liên lạc với tôi để được tư vấn, giúp đỡ việc chuẩn bị trước khi tìm được những học bổng du học.

 

* Với việc GS tự nhận là con em của Phú Yên, tôi có câu hỏi nghiêm túc thế này: Nếu nay mai có những học sinh Phú Yên đề nghị GS giúp đỡ, tư vấn hoặc kiếm học bổng đi du học thì thưa GS, ông có “thiên vị” hay không?

- Chắc là không vì tôi coi sự công bằng là nguyên tắc. Tôi không thể mang những bạn không có trình độ tốt để giới thiệu cho các trường cấp học bổng được. Nhưng tôi có thể “thiên vị” điều này: một học sinh Phú Yên nếu có cùng khả năng với một ứng viên từ nơi khác, thì tôi chắc “để mắt” nhiều về em học sinh Phú Yên. Bởi dẫu sao chăng nữa, cơ hội để học sinh – sinh viên ở Phú Yên tìm được học bổng đi du học nước ngoài khó khăn hơn nhiều so với những em ở các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội. Những học sinh ở trường chuyên Lương Văn Chánh nếu xếp thứ hạng cao trong lớp và có ý định được đi học đại học ở nước ngoài thì tôi có thể giúp các em chuẩn bị sớm để tìm được một học bổng học đại học hoặc hướng cho các em thi vào đại học ở Việt Nam ở những ngành mà sau đó tôi có thể kiếm học bổng để các em đi học sau đại học ở nước ngoài.

 

* Lúc nãy GS có ý nói là muốn đóng góp cho quê hương...

 

- Tôi là người ở xa và chỉ có một khả năng và khả năng đó cũng khá là chuyên biệt nên việc giúp đỡ này kia cũng rất hạn chế. Nhưng tôi có thể làm được điều này, chẳng hạn tôi biết Phú Yên vừa có trường đại học, thì tôi có thể giúp ý về tổ chức. Nếu tỉnh nghĩ rằng Công nghệ thông tin là một ngành cần thiết, trường ĐH có mở chuyên ngành này thì lúc bấy giờ đóng góp của tôi sẽ nhiều hơn, rõ ràng hơn.

 

* Nghĩa là nếu ĐH Phú Yên có mở chuyên ngành CNTT mà đánh tiếng nhờ GS giúp đỡ thì...

 

- Tôi sẽ rất sẵn lòng! Tôi có thể giúp trong việc biên soạn chương trình, những bộ môn khoa học về CNTT, đào tạo chuyên ngành, liên hệ với các trường để tạo liên kết đào tạo với ĐH Phú Yên.

 

* Xin cám ơn GS về buổi trò chuyện này!

 

NGUYỄN QUỐC KHƯƠNG (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Võ Thiệp và gia đình hy sinh vì đại nghĩa
Thứ Năm, 12/04/2007 07:05 SA
Cuộc đời và trang viết của Nguyên Hồ
Chủ Nhật, 18/03/2007 07:04 SA
Câu hò “cát lái” quê tôi
Thứ Tư, 14/03/2007 07:30 SA
Khí phách của một chiến sĩ cách mạng
Thứ Hai, 12/03/2007 08:32 SA
Cành liễu trước cuồng phong
Thứ Ba, 06/03/2007 14:05 CH
Đường đến Montesquieu của cậu bé chăn bò
Thứ Sáu, 02/03/2007 14:11 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek