Thứ Năm, 03/10/2024 18:24 CH
Võ Thiệp và gia đình hy sinh vì đại nghĩa
Thứ Năm, 12/04/2007 07:05 SA

Võ Thiệp sinh năm 1843 tại thôn Vân Sơn, xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ông là người văn võ tài toàn, tương truyền ông đậu 2 bằng cử nhân văn và võ nên có biệt danh “Lưỡng cử Vân Nhạn”.

 

070409-honong.jpg

Núi Hòn Ông, Hòn Bà - nơi Võ Thiệp cùng các nhân sĩ của Tụ Hiền Trung xây dựng kho lương thảo hưởng ứng chiếu Cần vương - Ảnh: DTX

Nguồn gốc của ông theo gia phả họ Võ là từ đô đốc nhà Tây Sơn Nguyễn Văn Trị lấy công chúa Nguyễn Thị Quang Thúy sinh ra Nguyễn Đăng Trừng. Nhưng sau đó nhà Tây Sơn sụp đổ, các tướng tá và hậu duệ Tây Sơn phần lớn bị giết hại, những người sống sót thì bị truy nã ráo riết do chính sách trả thù của Nguyễn Ánh, nên Nguyễn Đăng Trừng phải đổi sang họ Võ. Đến Võ Thiệp là thế hệ thứ 4 (1).

 

Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược cửa biển Đà Nẵng và sau đó đánh chiếm các tỉnh Nam kỳ. Trước đại họa của dân tộc, nhân sĩ yêu nước các tỉnh Nam Trung kỳ mà phần lớn là hậu duệ nhà Tây Sơn tụ tập về Phú Xuân – một làng phía tây huyện Đồng Xuân tỉnh Phú Yên mà trước đây là vùng Tây Sơn trung đạo và lập “Tụ Hiền Trang” nhằm mục đích chiêu hiền đãi sĩ, đào tạo nhân tài, mưu tính công cuộc cứu nước chống Pháp xâm lược. Võ Thiệp từ Bình Định vào Phú Xuân theo lời mời của Nguyễn Bá Sự (chủ nhân của Tụ Hiền Trang) và cùng các nhân sĩ xây dựng căn cứ, luyện tập võ nghệ chuẩn bị cho cuộc chiến đấu sắp tới. Tại đây ông đã quen biết với Nguyễn Thị Vân Đương (chị của Nguyễn Bá Sự) và trở thành nghĩa tế của làng Phú Xuân và chính bước ngoặc này đã gắn cuộc đời chàng trai Bàn Thành với mảnh đất mà ông coi như quê hương thứ hai của mình trong những trận chiến đấu sinh tử với kẻ thù. Với vai trò là võ sư, Võ Thiệp đã giúp Tụ Hiền Trang huấn luyện võ thuật, chiến thuật và thế trận của quân Tây Sơn thuở trước cho nghĩa quân và đào tạo nhiều tướng giỏi như Nguyễn Khỏe, Huỳnh Cự, Võ Hữu Phú, xã Sằng, xã Thước, chức Nhưng, đội Sơn,…

 

Khi chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi kêu gọi thần dân cả nước đứng lên giết giặc được ban bố, các nhân sĩ Tụ Hiền Trang đã ứng nghĩa lập căn cứ địa vùng Tổng Binh, xây dựng kho lương thảo ở Tân Lương và các Trại Thứ, Trại Chính trên núi Hòn Ông để huấn luyện binh sĩ sẵn sàng đánh địch. Theo sự phân công của Bộ chỉ huy nghĩa quân Cần Vương Phú Yên, đứng đầu là Thống soái Lê Thành Phương, Võ Thiệp giữ chức vụ Tham tán quân vụ trấn giữ vùng phía bắc tỉnh, đóng quân tại đồn Bình Tây và sẵn sàng tiếp ứng cho nghĩa quân Bình Định. Bà Nguyễn Thị Vân Đương được giao nhiệm vụ Tham biện quân lương, đứng đầu “Vân Nương Hội” lo việc lương thảo, tổ chức đào tạo lực lượng nữ giới trong nghĩa quân (2).

 

Tháng 2/1887, quân viễn chinh Pháp và tay sai Trần Bá Lộc kéo ra đàn áp phong trào Cần vương Phú Yên, chúng tiến đánh các đồn tiền duyên ở vịnh Xuân Đài, sau đó chia quân làm 2 ngả: một cánh quân tiến vào đánh phá Hòn Đồn, Quán Cau và phía nam huyện Tuy Hòa; một cánh quân tiến ra phía bắc tỉnh đánh thẳng vào Bình Tây, nhằm ngăn chặn sự liên kết phong trào Cần Vương hai tỉnh Phú Yên và Bình Định với âm mưu tiêu diệt hoàn toàn lực lượng của Phú Yên không cho rút ra Bình Định (thực dân Pháp khi tiến đánh Khánh Hòa chúng đã để liên quân Bình – Phú do Bùi Giảng chỉ huy rút khỏi Khánh Hòa mà không bị tiêu diệt nên rất tức tối). Trận chiến tại đồn Bình Tây diễn ra ác liệt, nghĩa quân dựa vào địa hình rừng núi hiểm trở cản phá các cuộc tấn công của địch, dùng trận địa lôi phục chiến gây cho kẻ thù không ít thương vong, nhưng cuối cùng do chênh lệch về lực lượng và vũ khí, Tham tán quân vụ Võ Thiệp ra lệnh rút quân, lui về vùng Đa Lộc, Xuân Lãnh củng cố thế trận (3).

 

Đến cuối tháng 2/1887, quân Pháp và Trần Bá Lộc cơ bản đã đàn áp phong trào kháng chiến ở vùng đồng bằng Phú Yên, chúng đã thiết lập 4 đồn tiền tiêu và biên phòng ở Củng Sơn, Tuy Hòa, Xuân Đài, Cây Dừa và Tổng hành dinh đặt tại Vũng Lấm, các đồn đều có quân lính trấn giữ (4). Riêng khu vực rừng núi phía tây huyện Đồng Xuân vẫn do nghĩa quân kiểm soát dưới quyền chỉ huy các tướng Nguyễn Bá Sự, Võ Thiệp, Nguyễn Thị Vân Đương, Võ Bạch Ngọc Đường, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Khỏe,… chống lại các cuộc tiến công của địch. Ngày 25/2/1887, phó soái Bùi Giảng đang ở vùng Củng Sơn phải ra hàng cùng 500 nghĩa quân khi nhận được thư do người anh là Bùi Đệ mang lên cho biết cha mẹ, vợ con ông bị Trần Bá Lộc bắt giam và đe dọa hành hình (5). Sự kiện này gây tổn thất không nhỏ cho nghĩa quân Cần vương Phú Yên khi đang chuẩn bị phản công giành lại miền đồng bằng. Để bảo toàn lực lượng và tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài, Bá Sự cho nghĩa quân chuyển lên vùng núi cao La Hiên dựa vào đồng bào dân tộc Hà Đang – Thồ Lồ vừa tiến hành sản xuất, rèn đúc vũ khí vừa đánh địch bảo vệ mùa màng, đời sống nhân dân vùng núi.

 

Từ ngày 10/3/1887, lực lượng Pháp và Trần Bá Lộc từ Phú Yên ra đàn áp phong trào Cần vương ở Bình Định với quân số 1050 tên, “nhưng thực tế đã bị rút xuống còn không đến 500, số mệt mỏi, bệnh tật, bị thương trong chiến dịch ở Phú Yên quá lớn” (6). Nhằm “chia lửa” với Cần vương Bình Định, nghĩa quân Phú Yên do Võ Thiệp, Nguyễn Thị Vân Đương chỉ huy ra yểm trợ, đến làng Quang Hiên, xã Nhơn Thành, huyện Tuy Phước thì lọt vào ổ phục kích, đa số nghĩa quân đều hy sinh, Nguyễn Thị Vân Đương bị thương rơi vào tay địch, Võ Thiệp với thế võ “vượt trùng vây” nên đã thoát ra ngoài. Nhưng sau đó ông trở lại nhà lao Tuy Phước tìm cách cứu vợ và Võ Trứ đang bị giam giữ thì bị địch phát hiện nên cả hai vợ chồng đều hy sinh tại chân núi Phụng Sơn, huyện Tuy Phước. Ngày nay trên núi Phụng Sơn vẫn còn ngôi mộ của hai vợ chồng đã hy sinh vì nghĩa lớn của dân tộc với hàng chữ “song phương trùng quang cảnh chi mộ” (7).

 

Khi hai vợ chồng Võ Thiệp ngã xuống thì những người con của ông vẫn đang tham gia chiến đấu trong lực lượng nghĩa quân Cần vương Quảng Ngãi và Bình Định. Người con đầu là Võ Vân Sơn cùng chiến đấu trong nghĩa quân của Nguyễn Bá Loan và hy sinh bên bờ sông Trà Khúc, hai người con gái là Võ Thị Vân Bình, Võ Thị Vân Phú trong trận chiến đấu vào mùa hè năm 1887 tại thôn Cẩm Vân, phía bắc huyện An Nhơn tỉnh Bình Định đều hy sinh (8). Thật là oanh liệt tấm gương của gia đình Tham tán quân vụ Võ Thiệp đã bỏ mình vì đại nghĩa trong công cuộc chống giặc cứu nước.

 

Năm 1946, chính quyền tỉnh Phú Yên đã đặt tên làng Phú Xuân là xã Võ Thiệp để ghi nhớ công lao người anh hùng đã hy sinh trong phong trào Cần vương chống Pháp cuối thế kỷ 19.

 

ThS. ĐÀO NHẬT KIM (Hội Sử học Phú Yên)

(1)(7)(8): Theo gia phả họ Võ tại TP Hồ Chí Minh.

(2): Nguyễn Hồng Sinh, Nguyễn Thị Vân Đương và người thân một tấm gương sáng chói về ý chí kiên trung bất khuất, tài liệu đánh máy 75 trang.

(3): Lúc bấy giờ xã Đa Lộc gọi là Hà Nhao có lực lượng Cần vương Bình Định đồn trú.

(4)(6): George Durrv ell, Trần Bá Lộc Tổng đốc de Thuận – Khánh sa vie et son ceuvre notice biographique d’après les documents de famille, Saigon 1901, p.47, p.48.

(5): Tài liệu của Phủ Toàn quyền Đông Dương, lưu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I, lý hiệu GGI.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Cuộc đời và trang viết của Nguyên Hồ
Chủ Nhật, 18/03/2007 07:04 SA
Câu hò “cát lái” quê tôi
Thứ Tư, 14/03/2007 07:30 SA
Khí phách của một chiến sĩ cách mạng
Thứ Hai, 12/03/2007 08:32 SA
Cành liễu trước cuồng phong
Thứ Ba, 06/03/2007 14:05 CH
Đường đến Montesquieu của cậu bé chăn bò
Thứ Sáu, 02/03/2007 14:11 CH
Tâm tình của những người con xa quê
Thứ Tư, 28/02/2007 07:01 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek