Thứ Năm, 03/10/2024 16:08 CH
Võ Thượng Khải và cuộc vận động khởi nghĩa Duy Tân 1916 ở Phú Yên
Thứ Hai, 04/06/2007 08:32 SA

Cuộc vận động khởi nghĩa Duy Tân tháng 5/1916 do Thái Phiên và Trần Cao Vân lãnh đạo lan rộng ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận. Tuy bất thành, nhưng cuộc khởi nghĩa đã có tiếng vang lớn làm cho nền thống trị thực dân phải chật vật đối phó trong lúc chính phủ Pháp đang lún sâu vào cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) ở châu Âu.

 

070604-vo-thuong-khai.jpg

Chân dung Võ Thượng Khải

Các sử liệu lâu nay chỉ đề cập đến phong trào diễn ra ở Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, ở Phú Yên chưa có ai bàn đến vấn đề này. Gần đây qua nguồn tài liệu gia đình và điền dã đã cung cấp một tư liệu quý về nhân vật lịch sử Võ Thượng Khải - người tham gia cuộc vận động khởi nghĩa Duy Tân năm 1916 ở Phú Yên.

 

Sau thất bại cuộc khởi nghĩa Võ Trứ năm 1900, Trần Cao Vân(1) trải qua nhiều tháng bị tù đày ở nhà lao Sông Cầu, Bình Định, Quảng Nam và Côn Đảo. Năm 1916, ông trở về Quảng Nam tiếp tục nhận lấy sứ mệnh lãnh đạo cuộc vận động khởi nghĩa, lôi kéo vua Duy Tân, một vị vua yêu nước có tinh thần chống Pháp tham gia. Theo kế hoạch, lực lượng khởi nghĩa sẽ thành lập “Việt Nam quân chính phủ” thảo hịch lan truyền khắp các nơi trong nước; đúc bốn cái ấn kinh lược Bình - Trị, Nam - Ngãi, Bình - Phú, Khánh - Thuận, kéo cờ khởi nghĩa tại kinh thành Huế với đội quân nòng cốt là 3.000 lính mộ ở Mang Cá; đồng thời lực lượng ở các tỉnh sẽ nổi dậy hưởng ứng cuộc binh biến tại Huế. Thời gian khởi sự là 1 giờ sáng 3/5/1916.

 

Tại Phú Yên, nơi mà trước đây Trần Cao Vân đã hoạt động một thời gian dài cùng với Võ Trứ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa vũ trang năm 1900 nhưng không thành, rất nhiều cơ sở và đồng chí của ông đang chờ đợi thời cơ nổi dậy. Trần Cao Vân phái Lương Thái Hòa, một người có tài tổ chức vào bắt liên lạc với các tỉnh Bình Định, Phú Yên; và giao nhiệm vụ vận động cuộc nổi dậy ở Phú Yên cho Võ Thượng Khải.

 

Võ Thượng Khải tên thật là Võ Ngọc Đãi, sinh năm 1890 ở làng Phú Lộc, tổng Hòa Bình, huyện Tuy Hòa (nay là thôn Phú Lộc, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa). Xuất thân là lý trưởng nên mọi hoạt động của ông đều dễ dàng qua nhiều tai mắt do thám của địch. Thường ngày, ông giao du với nhiều tầng lớp khác nhau ở các nơi trong tỉnh hoặc bên ngoài, vì vậy nhà ông trở thành địa điểm lui tới của nhiều yếu nhân tổ chức “Việt Nam quân chính phủ”. Ông được giao chức Lãnh Binh phụ trách tỉnh Phú Yên đồng thời liên lạc với Bình Định để phối hợp hành động. Theo lời kể của người con gái ông Khải hiện đang còn sống cho biết: Nghĩa quân lập trang trại, tiến hành sản xuất ở vùng Hòn Kén, thôn Thạch Bình, tổng Sơn Lạc, huyện Sơn Hòa. Ở đó cất giấu vũ khí, lương thực, bò, ngựa chuẩn bị cuộc khởi nghĩa(2). Các cơ sở của Trần Cao Vân trước đây ở vùng Đồng Xuân, Tuy An, Tuy Hòa và một số thân hào cùng với những nghĩa quân Cần Vương còn sót lại cũng tích cực hưởng ứng.

 

Lúc này, tại các tỉnh Trung Kỳ không khí khởi nghĩa đang hừng hực dâng tràn, vua Duy Tân nóng lòng muốn khởi sự xảy ra sớm hơn. Theo kế hoạch, tại kinh thành Huế, Tôn Thất Đề đốc suất các đội thân binh, thị vệ trấn giữ hoàng thành phối hợp với Trần Quang Trứ, Phạm Thanh Chương, Lại Hà, Đặng Khánh Khải, Lê Cảnh Hàn sẽ tiến chiếm đồn Mang Cá, Tòa Khâm Sứ. Ở Quảng Trị có Tú Cơ, Khóa Bảo, Đào Duy Chánh, Quản Thiệu; Đà Nẵng có Lâm Nhỉ, Lê Tường, Hồ Cẩm Vinh; Quảng Nam có Đỗ Tự, Phan Thành Tài, Lê Văn Bính; Quảng Ngãi có Cử Sụy, Tú Phạm Cao Chẩm, Lê Ngung. Tại Bình Thuận “Liên Thành thương quán” được thành lập trước đó với mục đích “dĩ thương hợp quần” chuẩn bị cho khởi nghĩa(3). Tỉnh Bình Định do “thực lực trong hàng ngũ binh lính và dân chúng chưa được mạnh mẽ, sẽ chờ hưởng ứng với Quảng Ngãi” (4). Lê Ngung được giao nhiệm vụ thảo tờ hịch gởi đi các nơi. Nghĩa quân ở các tỉnh sẽ phối hợp với lực lượng lính mộ, lính khố xanh nổi dậy khi hiệu lệnh phát đi từ Huế.

 

Ở Phú Yên do không nhận được hiệu lệnh từ Quảng Ngãi và Bình Định nên khởi nghĩa không nổ ra. Tại đây, chính quyền Pháp và Nam triều tiến hành khám xét những nơi chúng tình nghi. Nhà Võ Thượng Khải bị tên Công sứ Pháp và tri phủ Tuy Hòa là Nguyễn Khoa Kỳ đích thân đem quân lên khám xét. Chúng lục soát và phát hiện nhiều giấy tờ quan trọng, trong đó có hịch kêu gọi khởi nghĩa, sắc phong chức Lãnh binh. Nhưng tên tri phủ sợ liên lụy, làm ngơ không đưa cho tên công sứ Phú Yên và nói rằng đó là các loại giấy tờ ruộng đất và chứng nhận lý trưởng(5). Trong lúc nhà bị khám xét, thì ông Khải đang ở căn cứ Hòn Kén khẩn trương cùng nghĩa quân tẩu tán lương thảo, vũ khí để khỏi rơi vào tay địch.

 

Sau đó, ông Khải bị bắt giam tại lao Sông Cầu trong 3 tháng và địch dùng mọi cực hình tra tấn, dụ dỗ, nhưng ông một mực không khai báo. Trong thời gian này, các thân hào làng Phú Lộc cũng như trong tổng Hòa Bình tiến hành vận động đấu tranh, cử ông Đào Tấn Thâm đưa đơn ra Sông Cầu và Huế đòi thả ông Khải(6). Cuối cùng, không đủ chứng cớ nên chính quyền thực dân ở Phú Yên buộc phải tha bổng. Sau khi về nhà, Võ Thượng Khải có xuống phủ lỵ Tuy Hòa cám ơn viên tri phủ đã không đem các giấy tờ liên quan đến nghĩa quân bị thu giữ khi khám xét nhà ông để nộp cho quan Pháp kết án(7).

 

Từ sau “vụ án” khởi nghĩa Duy Tân, Võ Thượng Khải bị bãi chức lý trưởng trở về gia đình sống cùng con cái và chờ đợi những cơn bão táp cách mạng của dân tộc đang ngấm ngầm bùng lên lật nhào nền thống trị của thực dân - phong kiến, cởi bỏ xiềng xích nô lệ đang trói buộc nhân dân. Ông mất năm 1931 sau một cơn bạo bệnh do những trận đòn tra tấn của kẻ thù lúc ở lao Sông Cầu. Ông thật xứng đáng được tôn vinh là một trong những nhà yêu nước đáng kính ở Phú Yên trong những năm đầu thế kỷ XX.q

 

Th.S ĐÀO NHẬT KIM

(1): Năm 1900, Võ Trứ và Trần Cao Vân phát động khởi nghĩa vũ trang chống Pháp tại Phú Yên. Nghĩa quân sử dụng vũ khí thô sơ chủ yếu là rựa nên thực dân Pháp gọi là “giặc rựa”. Sau cuộc tấn công vào tỉnh lỵ Sông Cầu ngày 15/5/1900 thất bại, Võ Trứ bị bắt xử tử hình, Trần Cao Vân bị thực dân Pháp giam cầm.

 

(2): Bà Võ Thị Trĩ, 76 tuổi là con gái ông Võ Thượng Khải, hiện đang sinh sống tại huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh.

 

(3): Thiện Sinh, Thái Phiên và cuộc Duy Tân khởi nghĩa, Bách Khoa, số 123 năm 1962, tr.26-27.

 

(4): Hành Sơn, Cụ Trần Cao Vân, Minh Tân xuất bản, Paris 1952, tr.87.

 

(5): Các loại giấy tờ này đều viết bằng chữ Hán nên tên Công sứ Phú Yên không thể đọc được.

 

(6): Tài liệu do cụ Đào Chuyên, 93 tuổi ở xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa cung cấp.

 

(7): Theo gia phả họ Võ có ghi rõ: do việc cám ơn này mà Tri phủ Tuy Hòa yêu cầu ông đổi tên là Võ Thượng Khải. Có nghĩa là ông đang làm một việc cao cả, ắt sẽ có ngày thành công ca khúc khải hoàn.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
“Tôi xin làm người bắc cầu...”
Chủ Nhật, 13/05/2007 10:19 SA
Võ Thiệp và gia đình hy sinh vì đại nghĩa
Thứ Năm, 12/04/2007 07:05 SA
Cuộc đời và trang viết của Nguyên Hồ
Chủ Nhật, 18/03/2007 07:04 SA
Câu hò “cát lái” quê tôi
Thứ Tư, 14/03/2007 07:30 SA
Khí phách của một chiến sĩ cách mạng
Thứ Hai, 12/03/2007 08:32 SA
Cành liễu trước cuồng phong
Thứ Ba, 06/03/2007 14:05 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek