Thứ Năm, 03/10/2024 18:19 CH
Cuộc đời và trang viết của Nguyên Hồ
Chủ Nhật, 18/03/2007 07:04 SA

070317-chan-dung.jpgSinh ra trong một gia đình nông dân ở xã Hòa Thắng, huyện Tuy Hòa (nay là Phú Hòa) Nguyên Hồ, tên khai sinh là Hồ Công Hãn, được giao làm giáo viên bình dân học vụ kiêm công tác thông tin tuyên truyền ở thôn ngay từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám 1945, vào lúc tuổi mới 15.

 

Vừa nhận nhiệm vụ vận động bà con tham gia xóa nạn mù chữ, đoàn kết xây dựng đời sống mới, với năng khiếu bẩm sinh, cậu thiếu niên Hãn đã viết một số bài ca dao được bà con truyền đọc như:

 

Người mà viết thạo đọc thông

Như diều gặp gió như rồng gặp mây

Người mà chữ nghĩa chẳng hay

Như trong ngục tối tường vây bốn bề…

 

Sau một thời gian ngắn công tác ở xã, anh được điều lên công tác ở Ty Thông tin – Tuyên truyền tỉnh Phú Yên. Được làm công việc thích hợp với sở trường của mình, Hồ Công Hãn đã sáng tác rất nhiều thơ, ca phục vụ kháng chiến chống Pháp và xây dựng hậu phương, với bút danh Nguyên Hồ. Cây bút Nguyên Hồ sớm nổi tiếng ở tỉnh Phú Yên và cả Khu 5 với hàng loạt bài ca dao, diễn ca được nhiều người hâm mộ. Ca dao của ông rất tự nhiên như lời ăn tiếng nói của nhân dân, lưu loát, giàu hình ảnh, pha chút hài hước rất hấp dẫn người đọc.

 

Năm 1952, giặc Pháp ném bom làm vỡ đập Đồng Cam, cả tỉnh ra sức xây dựng lại đập, Nguyên Hồ đã sáng tác nhiều bài ca dao góp phần rất tích cực vào công tác xây đập. Tập “Ca dao kháng chiến” được giải thưởng Phạm Văn Đồng – một giải thưởng lớn về văn hóa, văn nghệ của miền Nam Trung Bộ (LK5) thời kháng chiến chống Pháp.

 

Ngày 7/9/1954, quân Ngô Đình Diệm vừa mới đến đóng ở tỉnh Phú Yên, đã gây ra vụ thảm sát, bắn chết 150 đồng bào ta ở Chí Thạnh, Ngân Sơn, huyện Tuy An. Nguyên Hồ đã viết ngay bài ca dao ghi nhớ mối thù này:

 

Ngó về Chí Thạnh, Ngân Sơn

Núi không cao lắm, căm hờn ngút cao

Ai ơi có nhớ hôm nào

Quân Ngô Đình Diệm bắn vào dân ta

Giáo, lương, trai, gái, trẻ, già

Máu pha chung máu, thây hòa chung thây

Bến sông Phường Lụa còn đây

Hòn Chồng còn đó, hận này nào quên.

 

Tập kết ra miền Bắc sau Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954, trải qua các chức vụ: Phó Chủ nhiệm NXB Phổ thông, Phó Tổng biên tập tạp chí “Văn hóa – Nghệ thuật” (Bộ Văn hóa – Thông tin)… Nguyên Hồ vừa làm công tác quản lý, lãnh đạo, vừa đi đến nhiều địa phương, tham gia các trại sáng tác văn nghệ. Diện hoạt động của ông rất rộng, ở hầu khắp miền Bắc và cả trên đất nước bạn Lào. Ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam rất sớm, vào năm 1963.

 

Ông sáng tác đều đặn. Diễn ca, ca dao của ông được in nhiều trên các báo và xuất bản thành nhiều tập. Rất nhiều bài ca dao của ông châm biếm tệ tảo hôn, chồng lớn vợ bé, thói mê tín dị đoan… được truyền tụng rộng rãi như:

 

Ruộng sâu con nghé đi bừa

Vợ hai mươi tuổi chồng vừa mười ba

Ra đường thiên hạ nhìn qua

Rằng không cô cháu cũng là chị em!

 

   *

*    *

Muộn chồng sao trách ông tơ

Muộn con sao lại đổ cho Phật, trời

Bụt ngồi trên bệ Bụt cười

Bụt làm chi được mà người cầu con

Cuối cùng cũng vợ chồng son

Tiếc công lạy vái cho mòn chiếu sư

   

   *

*     *

Bày chi cỗ tiệc linh đình

Ta khấn phía trước, mèo rình phía sau

Ông bà, nào có thấy đâu?

Chỉ thấy sắm sửa tốn hao quá chừng

Chi bằng hoa đẹp nước trong

Thành tâm cốt ở tấm lòng kính dâng…

 

070317-sach.jpgĐầu năm nay, 2007, NXB Văn hóa – Thông tin xuất bản cuốn sách “Cuộc đời và trang viết” của Nguyên Hồ. Sách dày gần 400 trang khổ 15 x 22cm. Bạn đọc có dịp được biết nhiều mẫu đời và quá trình sáng tác của tác giả, biết thêm nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ ở nhiều nơi, nhiều thời điểm lịch sử  ở miền Bắc, miền Nam và chính quê hương Phú Yên của tác giả, khám phá được nhiều điều bổ ích trong việc học tập, rèn luyện về đạo đức, phẩm chất và nghiệp vụ của một nhà văn rất chân thành, giản dị, suốt đời hết lòng vì nước, vì dân.

 

Trước đây, nước nhà bị chia cắt, chiến tranh kéo dài, nhiều tác phẩm của Nguyên Hồ chưa được bạn đọc tỉnh nhà biết đến, hoặc chỉ nghe tên tác phẩm, nay đọc “Cuộc đời và trang viết” mới có dịp thưởng thức trọn vẹn một số truyện thơ, diễn ca nổi tiếng của Nguyên Hồ như: Cô gái Phú Yên, Đường ra trận, Bài ca dâng Đảng, Chú gấu với tấm gương, 115 năm sạch bóng quân thù… và nhiều bài ca dao, thơ trữ tình, thơ trào phúng, thơ xướng, họa, đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung. Ngòi bút của Nguyên Hồ làm cho người đọc khi thì xúc động, ngậm ngùi, lặng lẽ suy tư, khi thì bừng bừng phấn chấn, thích thú, cười vui sảng khoái…

 

 “Cuộc đời và trang viết” chưa phải là tất cả sáng tác của Nguyên Hồ, cũng đã là một đóng góp quí giá, ghi nhận thành công của một nhà văn có nhiều sáng tạo, có chỗ đứng trong lòng người đọc trong hơn nửa thế kỷ cầm bút.

Năm 1962, ông được giải nhì (không có giải nhất) của Báo Văn học. Năm ấy, nhà thơ Nguyễn Bính cũng gửi ca dao dự thi, được giải khuyến khích, nhà thơ nói vui: “Diễn ca thì chịu Xuân Phong, ca dao thì phải chịu ông Nguyên Hồ”. Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng nhận xét: “Nguyên Hồ, cây bút ca dao lão luyện hồi kháng chiến (chống Pháp) nay vẫn dẻo dai và càng khởi sắc (Tạp chí Văn học, tháng 7/1961)”.

 

Song song với làm ca dao, Nguyên Hồ còn là “kiện tướng” viết diễn ca và truyện thơ. Những năm 60, 70 của thế kỷ trước, hàng loạt diễn ca và truyện thơ của ông ra đời như: “Trâu mang cờ đỏ”, “Đường lên hạnh phúc”, “Cô gái Phú Yên”, “Dân quân làng Triều”, v.v… có độ dài từ một đến hai nghìn câu thơ và được in hàng vạn bản trở lên. Cuối năm 1969, chuẩn bị kỷ niệm 40 năm thành lập Đảng, NXB Phổ thông giao ông nhiệm vụ sáng tác diễn ca nhân dịp trọng đại ấy. Đây là một thử thách rất lớn vì trước đó mười năm, 1960, nhà thơ Tố Hữu đã có tác phẩm “Ba mươi năm đời ta có Đảng” sừng sững như một đỉnh núi cao, bây giờ viết diễn ca mừng Đảng làm sao có được những vần thơ hay có thể “đọc được”. Ông đã cố gắng hết mình sáng tác “Bài ca dâng Đảng” dài 814 câu được đăng trọn vẹn trên cả trang 2 và trang 3 Báo Nhân Dân số ra ngày 1/1/1970 và cả trên Báo Quân đội Nhân dân cùng ngày. Sau đó NXB Phổ thông in 100.000 bản được bạn đọc rất hoan nghênh. Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đã trích một đoạn trong phần cuối “Bài ca dâng Đảng” để phổ nhạc mang tiêu đề “Từ khi có Đảng”.

 

Năm 1985, trở về quê hương Phú Khánh, Nguyên Hồ được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Văn nghệ Phú Khánh. Ông vẫn tiếp tục sáng tác trong lúc phải bận rộn với bao nhiêu công tác của Hội. Có thể nói: Cuộc đời Nguyên Hồ là cuộc đời công tác và sáng tác rất dẻo dai, đầy nhiệt tình, lấy việc công làm trọng và đã gặt hái được nhiều kết quả.

 

Nhà văn Hoài Thanh có lần viết: “Thơ hay thì người ta đọc thuộc”. Ca dao, diễn ca của Nguyên Hồ được nhiều người đọc và nhớ, chép lại cho bạn bè. Có người sau 20 năm xa cách, gặp lại ông, đọc cho ông nghe những câu ca dao, thơ ông viết từ thời kháng chiến chống Pháp mà chính ông không còn lưu giữ, thậm chí cũng đã quên, khiến ông rất cảm động. Đó là một vinh dự, một phần thưởng cũng như những giải thưởng mà ông đã nhận được của các tổ chức văn học ở Trung ương và địa phương.

 

ĐẶNG MINH PHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Câu hò “cát lái” quê tôi
Thứ Tư, 14/03/2007 07:30 SA
Khí phách của một chiến sĩ cách mạng
Thứ Hai, 12/03/2007 08:32 SA
Cành liễu trước cuồng phong
Thứ Ba, 06/03/2007 14:05 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek