Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước nói chung, Phú Yên nói riêng, các vụ ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người dân.
Một điểm bán thức ăn trên đường phố Tuy Hòa - Ảnh: T.THỦY |
Điều này có nghĩa là muốn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) phải đảm bảo thực phẩm đó an toàn từ khâu sản xuất (nuôi, trồng), phân phối lưu thông, chế biến đến người sử dụng. Một thực phẩm dù sản xuất sạch đến đâu nhưng trong quá trình lưu thông, chế biến không hợp vệ sinh cũng có thể trở thành nguy hiểm cho sức khỏe. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập những vấn đề về thực phẩm đã được chế biến và đang được cung cấp rộng rãi cho người tiêu dùng, đó là thức ăn đường phố (TAĐP).
Xét về một khía cạnh nào đó, TAĐP đã và đang đáp ứng được theo nhu cầu của người tiêu dùng, nhất là trong thời đại công nghiệp như ngày nay. Khi mà áp lực công việc khá nặng, nhịp sống nhanh hơn, thời gian nghỉ ngơi ít hơn thì TAĐP đã tiết kiệm được khá nhiều thời gian cho chuyện bếp núc, tạo thêm thuận lợi cho người lao động nghỉ ngơi, từ đó giúp chất lượng lao động tiếp theo được tốt hơn. TAĐP có nhiều lợi ích nếu như chúng đáp ứng được tiêu chuẩn vệ sinh, nhưng để làm được điều này quả là khó khăn.
Chỉ cần lướt một vòng trong TP Tuy Hòa vào buổi sáng, hoặc chiều tối, chúng ta thấy TAĐP bày bán đầy rẫy khắp các đường phố, trước các trường học, công sở. Hầu như không thiếu thứ gì, từ nắm xôi, cái bánh đến tô cháo vịt, bún bò, phở gà... Người bán có thể bán ở bất kỳ nơi đâu, dù đó là nơi có nắp hố ga của hệ thống thoát chất thải, hay gần nhà vệ sinh công cộng, hay bên cạnh công trường xây dựng… Người viết bài này đã thực hiện cuộc “thị sát” TAĐP ở các đường phố Trường Chinh, Nguyễn Công Trứ, Lê Lợi, Phan Đình Phùng, Nguyễn Hữu Thọ... vào buổi sáng, buổi chiều mà không khỏi rùng mình về nguy cơ gây bệnh của hình thức cung cấp thức ăn này.
Như chúng ta biết bệnh lý đa số lây từ bên ngoài vào qua các đường hô hấp, tiêu hóa, qua da, trong đó lây qua đường tiêu hóa chiếm vị trí không nhỏ. Nguyên nhân gây bệânh qua đường tiêu hóa chủ yếu là từ thức ăn không đảm bảo vệ sinh (thức ăn nhiễm bẩn, dụng cụ đựng thức ăn bẩn, không rửa tay trước khi ăn...). Theo đánh giá chủ quan của chúng tôi, đa số TAĐP hiện đang được bán ở TP Tuy Hòa đều không đảm bảo vệ sinh do các nguyên nhân sau: Thức ăn sau khi được chế biến không đựng trong tủ kính có nắp đậy theo quy định; trong quá trình bày bán không che đậy kỹ nên để ruồi, bụi xâm nhập vào (nhất trong điều kiện khô hanh, gió, ruồi phát triển nhiều như hiện nay); người bán TAĐP không sử dụng bảo hộ như đeo găng, mang khẩu trang; trong quá trình lấy thức ăn thường sử dụng tay để bốc thức ăn; thau nước rửa chén đũa bẩn chỉ được thay có vài lần trong một buổi sáng; thậm chí có người vừa bán TAĐP vừa bán thực phẩm đường phố (vừa bán bún vừa bán cá, tôm...), họ rất vô tư khi vừa làm cá cho khách xong, chỉ lau tay qua quýt sau khi đã rửa trong chậu nước màu nâu đỏ (nước rửa cá) rồi bốc, cân bún cho khách, thấy cảnh đó tôi không khỏi rùng mình.
Vì vậy để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung, TAĐP nói riêng thiết nghĩ, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục cho nhân dân về VSATTP; các cơ quan chức năng cần quy định, quy hoạch địa điểm nào được phép bán thực phẩm, TAĐP, được phép mở quán ăn; cơ quan chức năng tăng cường thanh kiểm tra và cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm; mở các lớp tập huấn về VSATTP không chỉ cho các chủ nhà hàng ăn uống mà cả những người bán thức ăn đường phố; người tiêu dùng cần có ý thức hơn trong khi mua thức ăn đường phố kẻo lợi bất cập hại.
BS NGUYỄN VINH QUANG
Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Phú Yên