Thứ Bảy, 05/10/2024 10:22 SA
Làm gì trước nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết?
Thứ Hai, 13/04/2009 14:04 CH

Trong 3 tháng đầu năm 2009, trên địa bàn Phú Yên đã có trên 210 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có một trường hợp tử vong, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2008 . Đây là dấu hiệu đáng lo ngại.

 

chuyen-nuoc-090413.jpg

Điều trị sốt xuất huyết tại Phòng khám Đa khoa Lê Lợi (TP Tuy Hòa) Ảnh: T.THỦY

 

Theo dự báo của các nhà khoa học, chu kỳ xuất hiện dịch SXH thường 3–4 năm/lần. Năm 2009 có thể là chu kỳ xảy ra dịch SXH và nguy cơ xảy ra dịch năm nay là không nhỏ. Hơn nữa, diễn biến của thời tiết những tháng đầu năm rất bất thường, là yếu tố thuận lợi cho muỗi Aedes Aegypti sinh sản. Đây là loại muỗi trung gian truyền bệnh SXH. Tuy là bệnh hết sức nguy hiểm, nhưng nếu triển khai các biện pháp phòng ngừa hữu hiệu sẽ khống chế được dịch bệnh SXH.

 

Trong bài viết này, chúng tôi khái quát một số nét về đặc điểm lâm sàng, yếu tố dịch tễ cũng như các biện pháp phòng chống SXH để bạn đọc hiểu và có biện pháp phòng chống bệnh hiệu quả.

 

SXH là một bệnh truyền nhiễm gây dịch. Nguyên nhân gây bệnh do virus Dengue, véc-tơ trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes Aegypti, nguồn truyền nhiễm là người bệnh, người lành mang virus và người bệnh đã khỏi nhưng vẫn còn mang virus. Virus Dengue khi xâm nhập vào cơ thể người có thể gây nên một trong ba thể lâm sàng như: Sốt Dengue dạng cổ điển, người nhiễm virus Dengue có biểu hiện nhiễm trùng cấp với đau cơ, đau khớp. Đây là thể nhẹ nhất khi bị nhiễm virus Dengue, ở thể này chỉ cần nâng cao thể trạng bằng cách ăn uống đủ chất, dùng thuốc hạ sốt, uống vitamin C liều cao thì bệnh sẽ khỏi. Dạng thứ hai của nhiễm virus Dengue là SXH Dengue (hay còn gọi là SXH) là một bệnh nhiễm trùng cấp trầm trọng do virus Dengue gây ra, với đặc điểm lâm sàng là sốt cao và xuất huyết. Xuất huyết có thể xuất dưới da hoặc xuất huyết niêm mạc (xuất huyết răng, lợi, tiêu hóa…). Nếu SXH không được điều trị tốt, bệnh có thể diễn biến đến dạng thứ ba, đó là trụy tim mạch, sốc và rất dễ tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

 

Dựa trên đặc điểm lâm sàng, dịch tễ cũng như cơ chế sinh bệnh cho thấy, chỉ cần tác động vào các quá trình dịch tễ của SXH là ta có thể khống chế được dịch. Quá trình truyền bệnh của SXH theo chu trình sau: Người nhiễm (nguồn truyền nhiễm) - Muỗi (véc tơ truyền nhiễm) - Người lành (khối cảm nhiễm).

 

Như vậy, để phòng chống SXH chúng ta chỉ cần tác động vào ba khâu trên. Để phòng chống SXH hiệu quả, chúng ta cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

 

Các bệnh nhân nghi nhiễm virus Dengue cần được theo dõi kỹ, có chế độ chăm sóc tốt như ăn uống đầy đủ, bổ sung vitamin C liều cao, theo dõi sát diễn biến của bệnh. Các trường hợp sốt, đau cơ, đau khớp đã điều trị 3-5 ngày nhưng không đỡ, thì nên đưa đến các cơ sở y tế để theo dõi và điều trị.

 

Muỗi vằn đẻ trứng ở nơi có nước, nhất là nước tù đọng lâu ngày như nước ở trong các lu, chậu, dụng cụ đựng nước cho súc vật uống, lọ hoa, chậu kiểng, lốp ô tô… Chu kỳ sinh trưởng của muỗi vằn là 7-10 ngày (từ khi muỗi cái đẻ trứng cho đến khi trứng thành muỗi trưởng thành), bán kính hoạt động của muỗi vằn là 50m, thậm chí có thể lên tới 200m. Vì vậy, diệt muỗi là khâu hết sức quan trọng trong phòng chống SXH. Diệt véc-tơ truyền bệnh phải thực hiện đồng bộ vừa diệt muỗi trưởng thành vừa diệt loăng quăng. Không có loăng quăng thì không có SXH. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của diệt loăng quăng trong phòng chống SXH. Để diệt muỗi và loăng quăng, cần thực hiện tốt các biện pháp: khai quang cống rãnh, phát quang bụi rậm, lấp ao tù, nước đọng quanh nhà, thường xuyên vệ sinh môi trường. Đặc biệt, không để nước lâu ngày trong các dụng cụ chứa nước, đổ nước trong lọ hoa, chậu kiểng, nước trong lốp ô tô hàng ngày. Mỗi gia đình, cơ quan, xí nghiệp, mỗi cộng đồng dân cư nên tổ chức dọn vệ sinh thường xuyên...

 

Bảo vệ khối cảm nhiễm, tức là bảo vệ người lành chống muỗi đốt bằng cách ngủ màn (kể cả ngủ ban ngày), mặc áo quần dài khi làm việc, nghỉ ngơi nhất là vào những giờ, những nơi nguy cơ có muỗi vằn. Đồng thời, có chế độ lao động, sinh hoạt hợp lý, ăn uống đủ chất. Đối với người dân ở trong vùng có dịch SXH nên bổ sung vitamin C hoặc uống nước chanh để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Khi có các biểu hiện như sốt, đau cơ, đau khớp xương, nên đến cơ sở y tế khám và điều trị.

                     

BS NGUYỄN VINH QUANG

(Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Phú Yên)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Mê hoảng ban đêm
Thứ Hai, 13/04/2009 14:00 CH
Nhiều cải cách vì người bệnh
Thứ Hai, 13/04/2009 07:15 SA
Tăng cường phòng, chống sốt xuất huyết
Thứ Sáu, 10/04/2009 07:27 SA
Vượt qua buổi đầu gian khó
Thứ Năm, 09/04/2009 14:00 CH
Ăn óc coi chừng... tai biến mạch máu não
Thứ Năm, 09/04/2009 13:15 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek