Thứ Bảy, 05/10/2024 08:28 SA
Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm:
Đối mặt thách thức lớn
Thứ Năm, 16/04/2009 07:31 SA

Thách thức lớn nhất hiện nay trong công tác bảo đảm ATVSTP của Việt Nam, đó là: Hệ thống tổ chức quản lý chưa thống nhất, chưa đủ mạnh; việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật còn chậm, chưa đáp ứng kịp thời cho công tác quản lý trong giai đoạn mới.

 

ATVSTP-090416.jpg

Phát tờ rơi về VSATTP đến đoàn viên, thanh niên  – Ảnh: D.THU

 

Kết quả thanh, kiểm tra của ngành chức năng và các địa phương cho thấy số vụ, số nạn nhân ngộ độc thực phẩm gần đây là đáng báo động. Nhằm tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mọi người trong công tác bảo đảm chất lượng ATVSTP, chủ đề Tháng hành động vì chất lượng, ATVSTP năm 2009 là: “Cộng đồng trách nhiệm để đảm bảo ATVSTP: Nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng”. 

 

VI PHẠM NGHIÊM TRỌNG

 

Ông Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Theo thống kê của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), từ năm 2000 đến ngày 18/3/2009, cả nước đã có 1.831 vụ ngộ độc thực phẩm với 49.955 người mắc và 499 người chết. Chỉ tính riêng trong dịp Tết Nguyên đán 2009, các tỉnh kiểm tra 39.898 cơ sở, trong đó có 9.609 cơ sở không đạt tiêu chuẩn ATVSTP (chiếm 16,04%), 976 cơ sở phải tiêu hủy sản phẩm.

 

Tại buổi Lễ phát động “Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP”, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng: Tình trạng ngộ độc thức ăn tại các bếp tập thể, các khu công nghiệp, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng còn lưu thông trên thị trường, tỷ lệ tồn dư chất ô nhiễm vi sinh vật và hóa học trên nông sản còn ở mức cao, điều kiện vệ sinh ở các cơ sở sản suất còn nhỏ lẻ, thủ công chưa đảm bảo. Đây chính là những khó khăn lớn cho công tác quản lý, gây hậu quả cho sức khỏe cộng đồng và tổn thất lớn về uy tín của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

 

Ông Nguyễn Quốc Triệu thừa nhận: “Công tác bảo đảm ATVSTP đang phải đối mặt với những thách thức lớn, đó là: tình trạng vi phạm các quy định về ATVSTP từ chăn nuôi, trồng trọt, thu hái, chế biến và kinh doanh thực phẩm vẫn đang ở mức cao; ô nhiễm vi sinh vật và các hóa chất độc hại trên nông sản, nguyên liệu, phụ gia thực phẩm còn chiếm tỷ lệ cao; việc không bảo đảm điều kiện vệ sinh của các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm còn khá phổ biến. Ngộ độc thực phẩm ở các bếp ăn tập thể, các khu công nghiệp, công trường, bệnh viện, trường học đang có chiều hướng gia tăng. Đáng lo ngại là, thực phẩm nhập lậu qua biên giới đang diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, dẫn đến thực phẩm giả, kém chất lượng còn lưu thông trên thị trường”.

 

Theo ông Nguyễn Quốc Triệu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng nguyên nhân cơ bản là việc chưa thấy hết và làm hết vai trò, trách nhiệm của từng nhóm đối tượng trong việc bảo đảm chất lượng ATVSTP. Bên cạnh đó, đầu tư cho công tác quản lý ATVSTP của Nhà nước và trách nhiệm của chính quyền các cấp còn chưa cao.

 

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng: Khó khăn, thách thức lớn nhất hiện nay trong công tác bảo đảm ATVSTP của Việt Nam, đó là: Hệ thống tổ chức quản lý chưa thống nhất, chưa đủ mạnh; việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật còn chậm, chưa đáp ứng kịp thời cho công tác quản lý trong giai đoạn mới. Đặc biệt, hệ thống mạng lưới quản lý, thanh tra chuyên ngành kiểm nghiệm đang trong giai đoạn xây dựng nên vẫn còn thiếu nhân lực, yếu kém cả về trình độ chuyên môn và trang thiết bị. Nhận thức về những tác hại gây ra từ thực phẩm không đảm bảo vệ sinh của nhiều tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm còn kém.

 

TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM

 

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan yêu cầu: Bộ Y tế cần chủ động phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các bộ, ngành liên quan để triển khai có hiệu quả công tác quản lý bảo đảm ATVSTP. Đặc biệt, cần sớm có kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ cho lĩnh vực quản lý ATVSTP; Kiên quyết xử lý cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường. Xử lý các hành vi vi phạm, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý…

 

Ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục ATVSTP cho biết: Năm 2009, Cục sẽ chú trọng bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất các chi cục ATVSTP. Tuy nhiên, cần phải chú trọng công tác thanh tra liên ngành và thanh tra chuyên ngành; tăng cường hậu kiểm trong tất cả các khâu. Các biện pháp kiểm tra cần làm thường xuyên, liên tục và việc xử lý vi phạm không chỉ dừng lại ở người sản xuất, kinh doanh mà lãnh đạo các địa phương, đơn vị... cũng phải chịu trách nhiệm.

 

Theo ông Nguyễn Quốc Triệu, cần tạo bước chuyển biến mới trong việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm chất lượng ATVSTP cũng như việc chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về ATVSTP.            

 

(VOV)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek