Ánh nắng mặt trời và sức nóng có thể làm cho cơ thể bị stress. Trong mùa nắng, đặc biệt là trong những đợt nắng nóng cao điểm, nếu làm việc, vận động liên tục trong môi trường nắng nóng mà không có biện pháp bảo vệ thì sẽ gây nguy hại đến sức khỏe.
Mối nguy từ nắng, nóng
Say nắng và say nóng là hai hiện tượng thường gặp trong mùa nắng, nhất là với những người lao động, vận động liên tục ngoài trời nắng hoặc trong môi trường nóng bức (trong hầm lò, phòng kín...). Say nóng là tình trạng mất nước toàn thể kèm theo rối loạn điều hòa thân nhiệt, rối loạn vận mạch do trung tâm điều hòa thân nhiệt của cơ thể không thích ứng được với môi trường nóng bức. Còn say nắng là khi ta lao động, vận động quá lâu ngoài trời nắng, ánh nắng gay gắt làm cho trung tâm điều hòa thân nhiệt của cơ thể bị chấn động dẫn đến rối loạn điều hòa thân nhiệt cùng với hiện tượng mất nước cấp của cơ thể.
Theo BSCKII Trần Minh Tùng, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, say nóng và say nắng có những triệu chứng chung, nhẹ thì có cảm giác mệt mỏi, kích thích, chóng mặt. Dấu hiệu quan trọng là mất nước. Người bị say nắng, say nóng có thể có dấu hiệu khó thở hoặc những cơn chuột rút. Ngoài ra, nạn nhân có thể co giật. “Người bị say nắng, say nóng có những biểu hiện về tim mạch, thần kinh, hô hấp và có thể nguy hiểm đến tính mạng”, bác sĩ Trần Minh Tùng cho biết.
Xử trí
Đối với những trường hợp bị say nắng, say nóng nhẹ, phương pháp sơ cứu là đưa nạn nhân đến nơi thoáng mát, cởi bỏ bớt quần áo, dùng khăn mát hoặc nước đá chườm vào nách, bẹn, cổ - những vị trí có động mạch lớn đi gần ngoài da. Đồng thời cho nạn nhân uống nước để bù nước. Tốt nhất là uống oresol, nếu không có oresol thì uống nước đun sôi để nguội pha với muối.
Đối với những trường hợp bị say nắng, say nóng nặng, có những dấu hiệu cảnh báo của thần kinh, tim mạch, hãy gọi xe cứu thương hoặc nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để được xử trí.
Bác sĩ Trần Minh Tùng cho biết: “Dấu hiệu say nóng, say nắng cảnh báo nạn nhân gặp nguy hiểm gồm: Có tình trạng mất nước nặng, biểu hiện là da khô, ửng đỏ; sốt cao, có thể lên đến 400C; nói nhảm, kích thích, co giật; có những cơn chuột rút; nhịp tim nhanh, có tình trạng khó thở. Khi đó, cần sơ cứu và nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế”. Trong quá trình đưa đến cơ sở y tế vẫn phải chườm mát cho nạn nhân.
Được biết, từ đầu mùa nắng đến nay, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đã tiếp nhận một vài trường hợp say nắng, nóng. Sau khi được xử trí và theo dõi trong 4-5 giờ, bệnh nhân xuất viện.
Để phòng tránh say nắng, nóng, việc quan trọng là cung cấp đủ nước cho cơ thể. Trong thời gian lao động, vận động trong môi trường nắng nóng, cơ thể toát mồ hôi thì phải được tiếp tục cung cấp đủ nước. Và cần lưu ý khi đi lại, làm việc dưới trời nắng, là phải bảo vệ da khỏi tia tử ngoại UV bằng kem chống nắng.
Để chống nắng hiệu quả, nên chọn kem chống nắng có độ SPF từ 30 trở lên; chỉ số SPF càng cao thì càng giúp ngăn chặn tia UVA và UVB - những tia tử ngoại làm tổn thương da, thậm chí có thể gây ung thư da. Bôi kem chống nắng 30 phút để các thành phần trong kem thẩm thấu vào da trước khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời; sau mỗi 2 giờ thì bôi kem lại, nếu trời còn nắng.
Bác sĩ Trần Minh Tùng lưu ý: Những người làm việc trong môi trường nắng nóng cần sử dụng phương tiện bảo hộ lao động hoặc đội mũ rộng vành, uống đủ nước, có thời gian nghỉ ngơi hợp lý để bảo vệ sức khỏe.
YÊN LAN