Thứ Sáu, 22/11/2024 15:30 CH
Suy thận - biến chứng đáng sợ nhất của nhiều bệnh
Thứ Hai, 26/06/2023 13:00 CH

Một bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối đang chạy thận nhân tạo tại Đơn nguyên Thận nhân tạo thuộc Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Ảnh minh họa: YÊN LAN

Rất nhiều yếu tố có thể dẫn đến suy thận. Các yếu tố nguy cơ này có thể ngăn chặn hoặc giảm thiểu tác hại nếu chúng ta biết và đề phòng.

 

Khi quả thận “kiệt sức”

 

Số liệu thống kê cho thấy hiện nay, tại Việt Nam có đến 800.000 bệnh nhân bị suy thận giai đoạn cuối cần phải lọc máu để duy trì sự sống. Tuy nhiên, phương tiện, nhân lực, máy thẩm phân phúc mạc, máy chạy thận nhân tạo và nhân lực của các cơ sở y tế trên cả nước chưa thể đáp ứng đầy đủ. Nhiều cơ sở máy móc hư hỏng, nhân lực thiếu, phải tổ chức chạy liên tục nhiều ca trong ngày... Điều này ảnh hưởng đến chất lượng điều trị cũng như sức khỏe của cả bệnh nhân lẫn nhân viên y tế.

 

Thận là cơ quan hết sức quan trọng. Bình thường, mỗi người có 2 quả thận nằm trong hố thận 2 bên cột sống lưng. Chức năng của thận vô cùng quan trọng trong hoạt động sinh lý của cơ thể. Nó bảo đảm chức năng tiết niệu, cân bằng nội môi, tham gia tạo máu cũng như điều hòa huyết áp. Do đó, khi thận giảm chức năng sẽ dẫn đến hàng loạt rối loạn và cuối cùng dẫn đến tử vong nếu không được chạy thận nhân tạo để đào thải chất độc do quá trình chuyển hóa ra ngoài.

 

Tại các quốc gia có hệ thống y tế phát triển mạnh, ý thức bảo vệ sức khỏe nói chung, sức khỏe thận nói riêng khá tốt nên số người suy thận giảm rõ rệt. Bên cạnh đó, họ có đầy đủ trang thiết bị đáp ứng tốt nhu cầu chạy thận nhân tạo của bệnh nhân, nhờ đó sức khỏe của bệnh nhân được cải thiện, chất lượng cuộc sống tốt hơn.

 

Nước ta còn nhiều khó khăn, chưa thể đáp ứng chăm sóc như ở các nước phát triển. Vì vậy, mục tiêu hạn chế tỉ lệ bệnh nhân suy thận và suy thận giai đoạn cuối là hết sức quan trọng. Khi số bệnh nhân suy thận giảm, các cơ sở y tế sẽ có điều kiện hơn để chăm sóc những bệnh nhân cần phải chạy thận nhân tạo cả cấp cứu lẫn định kỳ.

 

Bệnh thận mạn tính có thể tiến triển trong nhiều năm. Nguồn: lamdongcdc

 

Ngăn chặn, kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ

 

Rất nhiều yếu tố có thể dẫn đến suy thận. Các yếu tố nguy cơ này có thể ngăn chặn hoặc giảm thiểu tác hại nếu chúng ta biết và đề phòng. Đái tháo đường, cao huyết áp, goute và các bệnh khác; đặc biệt gần đây tình trạng sử dụng thuốc bừa bãi, không theo chỉ định của thầy thuốc hay sử dụng các bài thuốc bắc, thuốc nam, thực phẩm chức năng theo quảng cáo dẫn đến số người suy thận đang có xu hướng gia tăng. Vì vậy, việc kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ đóng vai trò quan trọng hạn chế biến chứng suy thận và nhiều biến chứng khác. Đây là mục tiêu cần đạt được đối với bệnh nhân, nhất là bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ cao suy thận.

 

Đái tháo đường là bệnh do rối loạn chuyển hóa glucide làm tăng mức đường trong máu, dần dần phá hủy các mạch máu nuôi dưỡng các cơ quan tim, thận, não, mắt... Theo thống kê, có đến 60% bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối cần chạy thận nhân tạo là do biến chứng của đái tháo đường. Bệnh đái tháo đường đang có xu hướng gia tăng và trẻ hóa. Điều đáng nói là có đến 60% bệnh nhân đái tháo đường không được phát hiện sớm và điều trị sớm. Nhiều bệnh nhân đái tháo đường đến khám bệnh ở các cơ sở y tế khi đã có biến chứng, trong đó có những bệnh nhân đã suy thận giai đoạn cuối. Phát hiện sớm bệnh đái tháo đường và quản lý tốt bệnh nhân đái tháo đường sẽ có ý nghĩa quan trọng làm giảm các biến chứng, giảm suy thận, kéo dài cuộc sống và chất lượng sống cho người bệnh. Bệnh nhân đái tháo đường cần thực hiện tốt chế độ ăn, vận động thể lực đều đặn và hợp lý là có thể khống chế được bệnh nếu phát hiện sớm ở giai đoạn tiền đái tháo đường hay đái tháo đường giai đoạn đầu; chỉ sử dụng thuốc hạ đường huyết khi có chỉ định của thầy thuốc. Vì vậy, mỗi người cần chủ động đến các cơ sở y tế để khám sức khỏe định kỳ hay xét nghiệm máu đánh giá mức đường huyết, chức năng gan thận.

 

Cao huyết áp là bệnh đứng thứ hai gây biến chứng suy thận. Tuy nhiên hiện nay, nhiều bệnh nhân cao huyết áp lại không biết mình bị cao huyết áp cho đến khi đi khám bởi bệnh khác. Nếu bệnh được chẩn đoán sớm và điều trị sớm thì giảm rất nhiều các biến chứng xảy ra. Bệnh nhân cao huyết áp có chế độ ăn hợp lý, vận động thể lực vừa phải, sử dụng thuốc hạ huyết áp theo chỉ định của thầy thuốc thì sức khỏe sẽ cải thiện đáng kể. Chế độ ăn của bệnh nhân cao huyết áp cần giảm lượng muối dưới 5g mỗi ngày, hạn chế đạm động vật, tăng cường rau xanh trong chế độ ăn. Người bệnh nên kiểm tra huyết áp hàng ngày, hàng tháng hoặc tối thiểu ba tháng xét nghiệm máu để đánh giá tình trạng chức năng thận.

 

Bệnh goute (một dạng viêm khớp phổ biến) cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến suy thận. Nếu acid uric máu tăng thì cần phải được kiểm soát ở mức an toàn để phòng ngừa goute. Những người có mức acid uric máu cao hơn bình thường nên hạn chế các thực phẩm có hàm lượng purin cao như hải sản, hạn chế sử dụng bia (bia làm tăng acid uric, nhất là khi uống bia và ăn hải sản), cần tập thể dục đều đặn và xét nghiệm máu định kỳ để kiểm soát acid uric.

 

Thuốc lá được chứng minh là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu của các bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, cao huyết áp, ung thư, hen phế quản. Khói thuốc có hơn 7.000 hóa chất, trong đó có hàng trăm chất độc, 60 chất có thể gây ung thư tác động đến tất cả các cơ quan, bộ phận trong cơ thể. Khói thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người hút mà ảnh hưởng đến cả người hít phải trong môi trường (hút thuốc thụ động). Vì vậy, bỏ thuốc lá là loại bỏ một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu của nhiều bệnh không lây nhiễm, cũng là loại bỏ yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến suy thận.

 

Ngoài các yếu tố trên, việc sử dụng thuốc chữa bệnh không theo chỉ định của thầy thuốc, hay dùng thuốc nam, thuốc bắc, thực phẩm chức năng chưa được cấp phép lưu hành một cách bừa bãi theo quảng cáo cũng là những nguy cơ cho sức khỏe, dễ dẫn đến suy thận.

 

Để phòng ngừa bệnh tật và các biến chứng do bệnh gây ra, trong đó có suy thận, hãy thường xuyên quan tâm đến sức khỏe của bản thân, khám sức khỏe định kỳ, xét nghiệm máu để phát hiện sớm các nguy cơ, vận động thể lực đều đặn và ăn uống, sinh hoạt hợp lý.

 

Tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, Đơn nguyên Thận nhân tạo thuộc Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc có 28 máy thận nhân tạo và có 300 bệnh nhân chạy thận định kỳ. Tua chạy thận đầu tiên trong ngày bắt đầu lúc 4 giờ sáng, tua sau cùng kết thúc vào khoảng 9 giờ đêm.

 

BS NGUYỄN VINH QUANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek