Thứ Sáu, 22/11/2024 15:49 CH
Quản lý tốt chó nuôi, tránh hậu quả khó lường
Thứ Hai, 03/07/2023 11:19 SA

Chó là vật nuôi rất gần gũi với người bởi chúng thông minh và trung thành với chủ. Có người nuôi chó để giữ nhà, có người nuôi làm cảnh, có người nuôi chúng để “bầu bạn”, giảm cô đơn. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào quản lý tốt chó nuôi và khi bị chó cắn nên xử trí thế nào để hạn chế nguy cơ mắc bệnh dại?

 

Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng thông tin nhiều trường hợp bị chó tấn công, trong đó có những trường hợp bị chó cắn vài tháng sau phát bệnh dại và tử vong. Theo thống kê trong năm 2022 và đầu năm 2023, số vụ chó tấn công người và số người tử vong do bệnh dại có xu hướng gia tăng.

 

Bệnh dại do virus dại có tên khoa học là Rhabdovirus gây nên. Virus xâm nhập vào cơ thể người qua vết cắn của chó, mèo bị dại. Tại Việt Nam, người mắc bệnh dại chủ yếu do chó dại cắn chiếm 96-97%, còn 3-4% là do mèo cắn. Vì vậy, để phòng ngừa bệnh dại ở người thì cần phải quản lý tốt chó nuôi, không để chó cắn; khi bị chó cắn phải xử trí vết thương đúng cách và tiêm phòng kịp thời.

 

Chó là súc vật chủ yếu truyền bệnh dại cho người, do đó việc quản lý tốt chó nuôi có ý nghĩa rất lớn trong dự phòng bệnh dại. Trước hết, bất kỳ gia đình nào, cộng đồng dân cư nào cũng phải quản lý, tiêm phòng đàn chó nuôi. Tỉ lệ tiêm phòng phải trên 90% tổng đàn chó nuôi của cộng đồng thì mới bảo đảm bệnh dại không lưu hành trong đàn chó nuôi. Không có chó bị dại thì không có nguy cơ bệnh dại truyền sang người, dù bị chó cắn. Tiêm phòng bệnh dại cho chó tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế hiện nay, tỉ lệ chó được tiêm chủng rất thấp, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi.

 

Người nuôi phải tuân thủ quy định của cơ quan chức năng về chăn nuôi thú y, nhất là chó: Không thả rông chó, tiêm chủng cho chó theo lịch, đeo rọ mõm cho chó khi đưa chúng ra ngoài đi dạo, đồng thời phải có dây dắt chó và kiểm soát được chó; tốt nhất không cho chó đến gần người, gần đám đông dễ làm kích động bản năng của chó.

 

Cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các trường hợp nuôi chó không thực hiện đúng quy định. Chính phủ đã có quy định về quản lý và xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y, nhưng người dân vẫn chưa tuân thủ tốt. Tình trạng thả rông chó nuôi, đưa chó ra ngoài không đeo rọ mõm, không tiêm chủng cho chó... khá phổ biến. Đây chính là các yếu tố nguy cơ chó cắn người và có thể lây lan bệnh dại, nếu bệnh dại lưu hành trong đàn chó của địa phương. Vì vậy, các địa phương cần xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trong lĩnh vực thú y theo Nghị định 90 của Chính phủ.

 

Khi bị chó cắn cần rửa sạch vết thương bằng nước sạch với xà phòng, không xâm lấn vào vết thương, rửa nhiều lần, sát khuẩn, băng vết thương và đến cơ quan y tế để được tư vấn, điều trị. Theo dõi chó trong 1 tuần, nếu chó chết hoặc đi đâu không biết thì cần tiêm phòng dại ngay. Nếu vết thương phức tạp, gần đầu, mặt, cổ, các đầu chi, gần hệ thống thần kinh thì có thể phải tiêm huyết thanh kháng dại đồng thời tiêm vắc xin phòng dại.

 

BS NGUYỄN VINH QUANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek