Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Lê Xuân Bích, chỉ cần mỗi người dân có ý thức không tạo điều kiện cho muỗi sinh sản, không để bị muỗi đốt là đã có thể bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng trước dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH).
Cán bộ y tế hướng dẫn người dân loại bỏ nơi sinh sản của muỗi để phòng sốt xuất huyết. Ảnh: YÊN LAN |
Chủ động loại bỏ nơi sinh sản của muỗi
Gia đình bà Dương Thị Thúy Hằng (khu phố Mỹ Hòa, phường Hòa Hiệp Bắc, TX Đông Hòa) vừa tổng vệ sinh, diệt lăng quăng, diệt muỗi và chặt bớt cây cối xung quanh nhà. Các dụng cụ chứa nước sinh hoạt đều được đậy kín. Bà Hằng nói: “Tôi không để nước đọng xung quanh nhà và thường xuyên rong cho cây cối bớt um tùm, không thì muỗi, lăng quăng nhiều lắm. Phải diệt cả muỗi lẫn lăng quăng, nếu chỉ diệt muỗi, không diệt lăng quăng thì lại có muỗi”.
Ở cùng khu phố, khi được hỏi về cách phòng chống dịch bệnh SXH, chị T.T.H trả lời: “Mình dọn dẹp nhà cửa và xung quanh nhà sạch sẽ, không có nước đọng, không có muỗi thì không có bệnh SXH”. Chủ nhà nói vậy, nhưng trong góc vườn nhà chị có cái thau nhôm cũ bị bỏ quên, chứa đầy nước, bên trong có khá nhiều lăng quăng.
Y sĩ Đặng Ngọc Cường (Trạm Y tế phường Hòa Hiệp Bắc) nói rằng trong phòng chống dịch bệnh SXH, bà con còn chủ quan ở chỗ, khi thấy muỗi lắng thì họ cho rằng không còn dịch SXH.
Một số người có ý thức trong việc diệt lăng quăng để phòng bệnh SXH nhưng vẫn bỏ sót một số dụng cụ, đơn cử như ngăn chứa nước của quạt hơi nước, lọ cắm hoa… Tại một ngôi nhà ở Hòa Hiệp Bắc, trong nhà ngoài sân đều sạch sẽ quang đãng, các dụng cụ chứa nước đều được đậy kín, chủ nhà tự tin là không có lăng quăng. Tuy nhiên, khi cán bộ y tế kiểm tra ngăn chứa nước của quạt hơi nước, khá nhiều lăng quăng được tìm thấy ở đó.
Chung tay phòng chống sốt xuất huyết
Theo BSCKII Huỳnh Lê Xuân Bích, Phó Giám đốc Sở Y tế, tình hình bệnh SXH trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay diễn biến khó lường. Tính đến tuần 22, Phú Yên đã ghi nhận 708 ca mắc SXH, tăng 52 ca so với cùng kỳ năm 2022, trong đó ghi nhận 2 trường hợp tử vong tại phường Hòa Hiệp Bắc (TX Đông Hòa) và xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa). Hai địa phương có số ca mắc SXH cao là huyện Tây Hòa: 182 ca (tăng 135 ca so với cùng kỳ năm 2022) và TX Đông Hòa: 129 ca (tăng 95 ca). Đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 41 ổ dịch SXH, tăng 16 ổ dịch so với cùng kỳ năm 2022. TX Đông Hòa là địa phương có số ổ dịch cao nhất: 12 ổ dịch, sau đó đến huyện Tây Hòa: 11 ổ dịch, TP Tuy Hòa: 9 ổ dịch. TX Sông Cầu, huyện Đồng Xuân và Sơn Hòa chưa ghi nhận ổ dịch.
Ngành Y tế Phú Yên đã tiến hành điều tra dịch tễ, xử lý kịp thời các ổ dịch SXH, tổ chức các đợt phát động tổng vệ sinh, diệt lăng quăng/bọ gậy, đồng thời tích cực truyền thông kêu gọi người dân chung tay phòng chống SXH tại gia đình và tại cộng đồng.
Tại lễ phát động hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống SXH lần thứ 13 năm 2023 do Sở Y tế phối hợp với UBND TX Đông Hòa tổ chức ở Hòa Hiệp Bắc mới đây, bác sĩ Huỳnh Lê Xuân Bích đã kêu gọi sự đồng lòng, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân cùng tham gia hành động, không để dịch bệnh SXH tiếp tục gây tổn hại đến sức khỏe và đời sống. Phó Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh: “Chỉ cần mỗi người dân có ý thức không tạo điều kiện cho muỗi sinh sản, không để bị muỗi đốt là đã có thể bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng trước dịch bệnh SXH. Một trong những giải pháp quan trọng là phát động các chiến dịch toàn dân diệt lăng quăng, diệt muỗi ngay chính nơi làm việc, sinh sống”.
Theo lãnh đạo Sở Y tế, khi ghi nhận ca bệnh SXH hoặc khi có phản hồi ca bệnh từ tuyến trên, các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố cần nhanh chóng điều tra, giám sát ca bệnh tại cộng đồng để tránh bỏ sót ổ dịch; tăng cường các biện pháp phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng; giám sát và quản lý chặt chẽ ca bệnh; xử lý ổ dịch nhanh chóng, kịp thời; nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị bệnh SXH để giảm tải cho tuyến trên.
Song song với những nỗ lực của ngành Y tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền phòng chống bệnh SXH trong cộng đồng dân cư, quyết liệt hơn nữa trong việc huy động các ban ngành, hội, đoàn thể tham gia tổng vệ sinh, diệt lăng quăng. Đây được xem là biện pháp cốt lõi, hiệu quả trong công tác phòng chống bệnh SXH.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), SXH là một trong những bệnh truyền nhiễm có tốc độ gia tăng nhanh nhất trên thế giới. Căn bệnh này không bị ngăn cách bởi biên giới các quốc gia. WHO ước tính hàng năm có khoảng 96 triệu người mắc bệnh SXH, với 500.000 trường hợp nặng cần nhập viện và khoảng 12.500 trường hợp tử vong. |
YÊN LAN