Bộ Y tế vừa chính thức đưa dự phòng và kiểm soát ung thư cổ tử cung (UTCTC) trở thành một nội dung trong chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) quốc gia. Báo Phú Yên có bài phỏng vấn bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh, về ý nghĩa của nội dung này và chương trình hành động của Phú Yên nhằm đẩy lùi căn bệnh UTCTC.
Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh, tư vấn cho phụ nữ khám sàng lọc UTCTC tại huyện Phú Hòa - Ảnh: TUYẾT DIỆU |
* Xin ông cho biết rõ hơn về nội dung dự phòng và kiểm soát UTCTC cấp quốc gia?
- Trước năm 2016, chương trình dự phòng và kiểm soát UTCTC chỉ được ngành Y tế khuyến cáo các địa phương thực hiện. Mới đây, nội dung này đã được ngành Y tế chính thức công nhận là nội dung trong chương trình chăm sóc SKSS. Cụ thể, nội dung chính của hoạt động này là đẩy mạnh các hoạt động truyền thông và cung cấp dịch vụ sàng lọc tiền UTCTC được thực hiện rộng rãi, phổ biến trong cộng đồng ở quy mô quốc gia. Việc nâng chương trình hành động này lên tầm quốc gia cho thấy chương trình sàng lọc tiền UTCTC đã có bằng chứng y khoa về tính khả thi, an toàn và hiệu quả trong việc dự phòng, điều trị bệnh sau một thời gian thực hiện ở quy mô nhỏ lẻ.
* Tình hình thực hiện việc dự phòng và kiểm soát UTCTC ở Phú Yên hiện nay như thế nào, thưa ông?
- Hoạt động cụ thể nhất là chương trình sàng lọc tiền UTCTC được lồng ghép trong 2 đợt chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ hàng năm trên toàn tỉnh và trong một số ngày kỷ niệm như Quốc tế phụ nữ. Chương trình sàng lọc này được thực hiện bằng phương pháp test VIA ngay tại tuyến y tế xã. Theo đó, mỗi năm ở Phú Yên có khoảng 80.000 phụ nữ được sàng lọc tiền UTCTC, trong đó có 35% phụ nữ được điều trị. Đây là một hoạt động mang tính bền vững vì khi được sàng lọc tiền UTCTC, nếu phát hiện sớm, bệnh nhân được tư vấn điều trị sớm thì rất hiệu quả. Tuy nhiên, chương trình sàng lọc tiền UTCTC vẫn chỉ nằm trong khuôn khổ thuộc chiến dịch chăm sóc SKSS chứ chưa trở thành hoạt động thường xuyên. Trong khi UTCTC là bệnh gây tử vong ở phụ nữ đứng thứ 2 sau ung thư vú.
* Xin ông cho biết rõ hơn về mức độ nguy hiểm của UTCTC?
- Ở Việt Nam, hàng năm, có khoảng 2.500-2.700 trường hợp tử vong do UTCTC. Theo ước tính từ Trung tâm SKSS tỉnh, mỗi năm có khoảng 1-2% phụ nữ mắc UTCTC. Bệnh này nguy hiểm nhưng nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giảm gánh nặng cho chị em về tinh thần lẫn vật chất. Mặc dù là chương trình hành động quốc gia nhưng kinh phí dành cho hoạt động phòng chống UTCTC còn hạn chế. Hiện nay, phụ nữ ở các vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn mới được hưởng dịch vụ miễn phí cùng với các đợt dịch vụ lồng ghép chăm sóc SKSS. Một vấn đề gây khó khăn nữa là tình trạng nhiều phụ nữ chưa nhận thức tác dụng của việc sàng lọc định kỳ để phát hiện sớm ung thư qua các xét nghiệm tiền UTCTC. Tuy nhiên, để chương trình thật sự mang lại hiệu quả thì phụ nữ cần phải chủ động sàng lọc tiền UTCTC.
* Các giải pháp để giảm thiểu UTCTC bền vững là gì, thưa ông?
- Theo kế hoạch hành động quốc gia về dự phòng và kiểm soát UTCTC giai đoạn 2016-2025, cần phải đạt các mục tiêu: Nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, hiểu biết của cộng đồng về UTCTC và các biện pháp dự phòng, kiểm soát UTCTC; nâng cao năng lực dự phòng, sàng lọc, điều trị UTCTC nhằm phát hiện sớm tổn thương tiền ung thư và ung thư; nâng cao năng lực, hiệu quả trong giám sát và quản lý.
Theo đó, các giải pháp quốc gia hiệu quả được nêu là: Tăng cường hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức, thái độ và thay đổi hành vi. Trong đó hoàn thiện các tài liệu truyền thông, giáo dục sức khỏe cho cán bộ y tế và cộng đồng được chú trọng; hướng đến nhóm đích bao gồm học sinh THCS, THPT; tăng cường hoạt động truyền thông đại chúng. Nhóm giải pháp về đào tạo, nâng cao năng lực, trong đó chú trọng tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ y tế về triển khai các biện pháp dự phòng, ưu tiên đào tạo theo kíp công việc, đáp ứng yêu cầu sàng lọc và điều trị tổn thương tiền UTCTC. Ngoài ra, hoạt động tăng cường đầu tư trang thiết bị phục vụ cho dự phòng và kiểm soát UTCTC tại tất cả các tuyến cũng cần được chú trọng.
Giải pháp tối ưu là phối hợp bảo hiểm chi trả cho nhóm kỹ thuật này, trong đó áp dụng chế độ bảo hiểm y tế toàn dân, kết hợp với nâng cao mức phí tham gia bảo hiểm ở mức độ chấp nhận được hoặc áp dụng chế độ đồng chi trả dịch vụ tiêm vắc xin HPV và sàng lọc UTCTC.
Bắt đầu từ năm 2017, các hoạt động phòng chống UTCTC ở Phú Yên sẽ được chú trọng đầu tư nâng cấp ở tuyến xã.
* Xin cảm ơn ông!
DIỆU ANH (thực hiện)