Thứ Ba, 26/11/2024 07:18 SA
Cách xử lý nước sau mưa lũ
Thứ Năm, 22/12/2016 15:13 CH

Sau lũ lụt, xử lý nước là công việc hết sức cần thiết, góp phần ngăn ngừa bệnh xảy ra trong cộng đồng.

 

Người dân cọ rửa thùng phuy đựng nước sau lũ - Ảnh : NGỌC LAN

 

Lũ lụt có thể làm cho các công trình vệ sinh bị hư hỏng, kèm theo mưa đưa các chất bẩn, rác thải trôi dạt đến nhiều nơi. Trong các chất bẩn của công trình vệ sinh, xác động thực vật có vô vàn vi sinh vật gây bệnh gồm vi khuẩn, vi rút và ký sinh trùng. Vi khuẩn gây bệnh đường ruột, nhất là gây bệnh tiêu chảy (chủ yếu do các loại vi khuẩn đường ruột gây ra như vi khuẩn thương hàn, E.coli, lỵ trực khuẩn, Campylobacter, Proteus, Enterobacter và đặc biệt là vi khuẩn tả). Đối với ký sinh trùng thì rất dễ gặp phải bệnh lỵ amíp và các bệnh giun sán. Đồng thời lũ lụt cũng làm cho người dân thiếu thốn nước sử dụng trong sinh hoạt. Khi dùng nước đã bị nhiễm bẩn, nguy cơ mắc bệnh đường ruột, bệnh đau mắt đỏ, bệnh sốt vàng da chảy máu (Leptospira) và nhiều loại bệnh khác rất khó tránh khỏi.

 

Các vùng, miền chưa có nước máy thì cần thau, rửa, vệ sinh sạch sẽ giếng khơi. Nếu dùng nước ao, hồ, sông, suối cần được làm trong và khử trùng trước khi sử dụng. Để làm trong nước, lấy một cục phèn chua bằng nửa đốt ngón tay (khoảng 1g) cho vào một gáo nước làm tan phèn rồi đổ gáo nước đó vào một xô nước khoảng 25 lít, khuấy thật đều, chờ khoảng 30 phút để lắng cặn, gạn lấy phần nước trong ở phía trên và tiếp tục khử khuẩn, sau đó mới dùng để đun nước uống, nấu cơm, nấu thức ăn và tắm giặt. Nếu cần làm trong một lượng nước nhiều hơn thì cũng làm như đã nêu (phải dùng một chiếc xô lớn chứa được khoảng 25 lít nước để đong nước đổ vào các dụng cụ chứa nước như chum, vại, lu hay thùng, sau đó lấy phèn chua để làm trong nước) theo tỉ lệ 1g phèn cho 20-25 lít nước.

 

Sau khi đã làm trong nước bằng cách khử phèn, phải múc lấy nước trong ở trên đổ sang dụng cụ chứa nước khác để khử khuẩn. Việc khử khuẩn được các nhà khoa học y học khuyến cáo là nên dùng cloramin B hoặc Chloramin T, vì các loại hóa chất này thông dụng, dễ mua, rẻ tiền (cơ quan y tế địa phương sẽ cung cấp) và tiện lợi. Trước tiên cho 1 viên Chloramin B có hàm lượng 0,25g vào một gáo nước làm tan hết rồi đổ gáo nước có Chloramin B vào xô nước (25 lít) đã được làm trong. Nếu không có viên Chloramin B thì có thể dùng loại bột Chloramin B hoặc Chloramin T. Nếu dùng loại bột thì chỉ cần 1/3 thìa canh có thể dùng để khử trùng cho 300 lít nước sau khi nước đã làm trong. Nước đã được khử khuẩn bằng Chloramin B có thể dùng trong sinh hoạt như nấu cơm, đun nước để uống và nấu thực phẩm. Nước đã khử khuẩn cũng được dùng trong việc tắm giặt hàng ngày. Nếu muốn uống thì phải đun sôi, để nguội mới dùng.

 

Nếu địa phương, gia đình nào dùng nước giếng khoan thì sau lũ lụt cần vệ sinh máy bơm thật sạch. Nếu dùng giếng khơi cần bơm hết nước bẩn trong giếng, nhất là giếng bị ngập nước, vệ sinh sạch sẽ, sau khi có nước thì làm trong nước và khử khuẩn. Để làm trong nước giếng khơi hoặc giếng khoan người ta cũng dùng phèn chua với liều lượng 50g/1m3 nước, nếu nước quá đục có thể cho lượng phèn tối đa tới 100g/1m3 nước. Với giếng khơi thì hòa tan hết lượng phèn vào một thùng nước, tưới đều lên mặt nước giếng, thả gàu chìm sâu xuống nước rồi kéo mạnh lên ít nhất là 10 lần và nên thay đổi vị trí của gàu để có thể khuấy nước khắp giếng; đợi từ 30 phút đến 1 giờ cho cặn lắng hết và khi thấy nước giếng đã trong thì tiến hành khử khuẩn. Có thể khử khuẩn bằng Chloramin B hoặc Clorua vôi 20% hoặc 70%.

 

Khi dùng Chloramin B cần tính lượng Chloramin B cần thiết cho giếng nước với nồng độ cần thiết là 10g/m3 (Clorua vôi 20%, nồng độ 13g/m3 nước; Clorua vôi 70%, nồng độ 4g/m3 nước). Nếu dùng nước giếng khoan thì khâu làm trong nước và khử khuẩn áp dụng như nước sông, suối, ao, hồ. Tất cả các biện pháp làm trong nước và khử khuẩn nước sau lũ lụt phải đảm bảo được nguyên tắc là nước giếng sau khi khử khuẩn phải có nồng độ Clo thừa là 0,5-1,0 mg/lít (có mùi nồng của Clo mới đạt yêu cầu) và phải đun sôi để nguội mới được dùng để uống.

 

Người ta cũng khuyến cáo là ngoài việc dùng Chloramin B có thể dùng viên Aquatabs, vì loại này có khả năng khử khuẩn tốt, hơn nữa sau khi khử khuẩn bằng hóa chất Aquatabs có thể uống được mà không cần đun sôi. Tuy nhiên, do thị trường có nhiều loại Aquatabs với hàm lượng khác nhau nên khi mua cần có hướng dẫn cụ thể của dược sĩ ở quầy thuốc. Khi có Aquatabs, cho 1 viên 67mg vào 20 lít nước trong, đậy nắp lại, đợi sau 30 phút để diệt hết vi sinh vật là dùng được.

 

(Theo SKĐS)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek