Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đang xúc tiến thành lập đơn nguyên Tim mạch can thiệp, tạo bước đột phá trong điều trị các bệnh về tim mạch. Báo Phú Yên phỏng vấn GS-TS-Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Đức Công, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh), đơn vị chuyển giao kỹ thuật can thiệp tim mạch cho Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, xoay quanh vấn đề trên.
GS-TS-Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Đức Công - Ảnh: YÊN LAN |
GS-TS Nguyễn Đức Công cho biết:
- Việc thành lập đơn nguyên Tim mạch can thiệp là rất cần thiết, nếu chưa làm được thì đấy là một thiệt thòi lớn cho người dân địa phương. Hiện máy móc đã được trang bị cho Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Sau khi cán bộ y tế được đào tạo xong, chúng tôi sẽ cử người ra Phú Yên, phối hợp để làm. Đầu tiên là chọn bệnh nhân, can thiệp tim mạch thường quy. Sau một thời gian làm cùng, chúng tôi chỉ phụ, các đồng nghiệp ở Bệnh viện Đa khoa Phú Yên làm là chính. Đến khi họ thành thạo rồi thì bắt đầu can thiệp cấp cứu. Đó là những ca khó, bệnh rất nặng. Can thiệp cấp cứu thì kỹ thuật phải rất tốt, tay nghề thành thạo, vì khi đó bệnh nhân đang ở giữa sự sống và cái chết. Tôi tin rằng sau khi lắp đặt máy móc xong, trong vòng nửa năm đến một năm, các đồng nghiệp ở Phú Yên sẽ thực hiện tốt một số kỹ thuật can thiệp tim mạch. Tất nhiên để làm giỏi thì cần có thời gian.
Kỹ thuật can thiệp tim mạch không chỉ nong động mạch vành mà còn rất nhiều thứ, như nong động mạch chi, nong động mạch não, lấy huyết khối, đặt stent (các ống đỡ động mạch được làm bằng lưới kim loại, giúp mở rộng những lòng mạch bị tắc hẹp hoặc suy yếu trong cơ thể) động mạch, bơm tắc động mạch, tĩnh mạch ở những vùng bị dị dạng, nong van tim, bịt các lỗ thông ở trong tim… Có những kỹ thuật rất mới, rất khó mà Bệnh viện Thống Nhất cũng chưa làm được.
* Giáo sư có thể cho biết đâu là những kỹ thuật can thiệp tim mạch mà Bệnh viện Thống Nhất thường thực hiện, mang lại hiệu quả cao?
- Trong lĩnh vực tim mạch can thiệp, phổ biến ở Bệnh viện Thống Nhất là nong động mạch vành. Nhiều bệnh nhân được đưa vào viện trong tình trạng ngưng tim. Chúng tôi chẩn đoán ra ngay, đưa đi nong động mạch vành, thế là bệnh nhân sống. Có một bà cụ khoảng 70 tuổi, ở Bình Dương, được đưa vào một bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh. Thấy tình trạng nặng quá, họ cho về. Người nhà đưa về Bình Dương, thấy bà cụ chưa chết, thế là đưa vào Bệnh viện Thống Nhất. Bệnh viện chúng tôi điều trị xong, bà cụ đã khỏe, sống bình thường.
Bệnh viện chúng tôi còn có thế mạnh trong việc điều trị loạn nhịp tim, dùng máy thăm dò xem loạn ở chỗ nào, có những đường dẫn truyền phụ nào… rồi đốt đi bằng các biện pháp. Ở miền Nam, Bệnh viện Thống Nhất đứng đầu về kỹ thuật này; hầu hết các bệnh viện trong Nam phát triển kỹ thuật ấy đều do Bệnh viện Thống Nhất hỗ trợ kỹ thuật.
Kiểm tra sức khỏe cho một bệnh nhi tại Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên - Ảnh: THÚY HẰNG |
* Can thiệp tim mạch có rủi ro, biến chứng nào không, thưa giáo sư?
- Nhiều chứ. Ta luồn ống thông vào trong tim, ta nong động mạch vành bị hẹp cho to ra, có khi động mạch nứt, vỡ. Trong quá trình đưa ống vào tim thì có thể gây ngưng tim. Thế rồi đang luồn ống vào, nong ra thì stent có thể bị tắc trên đường đi, hoặc ta đặt stent không đúng chỗ, hoặc đặt stent xong thì bị huyết khối… Để ngăn ngừa rủi ro, biến chứng thì các bác sĩ phải được học thật kỹ, hiểu biết thật tốt và biết cách xử lý những trường hợp đó. Ví dụ đang luồn ống vào động mạch vành thì động mạch vành co thắt, lúc đó ta phải bơm thuốc vào cho động mạch vành giãn ra. Tất cả những tình huống đó, người học can thiệp tim mạch đều được học hết và biết cách xử lý. Nghề nào, công việc nào kết quả càng ngoạn mục thì nguy cơ càng cao, không có cái gì ngoạn mục mà không có rủi ro cả. Bạn muốn viết một phóng sự hay thì phải thâm nhập thực tế, thậm chí gặp nguy hiểm đến tính mạng khi đi điều tra, thu thập thông tin. Thế nên, tôi nghĩ rằng cái gì càng hay, càng ngoạn mục thì nguy cơ càng cao, rủi ro càng nhiều. Tuy nhiên, nếu quyết tâm học thì nhất định sẽ làm được, chắc chắn làm được. Phải chịu khó học đi học lại, nếu cần thì mời các giáo sư, phó giáo sư nắm chắc vấn đề này trao đổi nhiều lần, giúp đỡ cho mình, dần dần sẽ có kinh nghiệm.
Tập huấn chuyên đề “Tim mạch can thiệp” tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên - Ảnh: YÊN LAN |
* Người dân sống xa các trung tâm kinh tế - văn hóa lớn thường chịu nhiều thiệt thòi khi gặp những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, đặt biệt là khi cần can thiệp trong những tình huống nguy cấp, đòi hỏi phải có các phương tiện, kỹ thuật cao. Theo giáo sư, ở Phú Yên, nếu thực hiện được các kỹ thuật can thiệp tim mạch thì sẽ có ý nghĩa như thế nào?
- Nhiều người, nếu không được can thiệp tim mạch thì sẽ bị suy tim, loạn nhịp tim dẫn đến tử vong. Có can thiệp tim mạch, những người bị nhồi máu cơ tim vẫn sống bình thường. Do đó, thực hiện được các kỹ thuật can thiệp tim mạch thì quá ý nghĩa và nhân văn, vì sẽ cứu được nhiều người, cải thiện chất lượng cuộc sống của nhiều người.
* Xin cảm ơn giáo sư!
Để thành lập đơn nguyên Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đã cử cán bộ y tế đi đào tạo tại Bệnh viện Thống Nhất, đồng thời phối hợp với Bệnh viện Thống Nhất tổ chức tập huấn chuyên đề “Tim mạch can thiệp” với các nội dung: Chỉ định chụp và can thiệp mạch vành trong bệnh mạch vành, quy trình chuẩn bị bệnh nhân cho chụp và can thiệp mạch vành, điều trị dài hạn bệnh mạch vành sau can thiệp. Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cũng đã được trang bị máy DSA, thiết bị dùng tia X và ánh sáng huỳnh quang chụp hình mạch máu ở những vị trí cần kiểm tra trước và sau khi tiêm thuốc cản quang vào mạch máu, cung cấp thông tin chính xác về quá trình lưu thông, cung cấp máu khi đi qua các mô cần khảo sát.
YÊN LAN (thực hiện)