Thứ Ba, 26/11/2024 07:49 SA
Để không mắc bệnh sau thiên tai
Thứ Năm, 22/12/2016 09:07 SA

Nhân viên y tế thực hành rửa tay thường quy, phòng chống nhiễm khuẩn (ảnh minh họa) - Ảnh: YÊN LAN

Hiện nay, mặc dù đang vào cuối mùa mưa bão nhưng trước những diễn biến bất thường của thời tiết, nguy cơ ngập úng, lũ lụt có thể xảy ra dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Do đó, biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khỏe là thực hiện vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường.

 

Vệ sinh cá nhân

 

Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch tưởng như chỉ là chuyện nhỏ, nhưng trên thực tế, thói quen này đã góp phần phòng tránh nhiều nguồn lây nhiễm bệnh hiệu quả, là biện pháp vệ sinh cá nhân hữu hiệu để phòng chống dịch bệnh. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, rửa tay với xà phòng giúp giảm 47% khả năng nhiễm bệnh tiêu chảy, 30% các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp cấp.

 

8 thời điểm quan trọng phải rửa tay với xà phòng:

 

- Trước khi chế biến thực phẩm

- Trước khi nấu ăn

- Sau khi làm vệ sinh cho trẻ em

- Sau khi đi vệ sinh (đi tiêu, đi tiểu)

- Sau khi tiếp xúc, chăm sóc người bệnh

- Sau khi ho, hắt hơi hoặc sổ mũi làm dính các chất dịch lên tay

- Sau khi sinh hoạt hoặc vui chơi ngoài trời

 - Sau khi tiếp xúc với động vật, kể cả với vật nuôi trong nhà

 

Một biện pháp vệ sinh cá nhân cần thiết và dễ làm là lau mặt bằng khăn mặt riêng, giặt và phơi khăn ra nắng để phòng các bệnh về mắt. Tắm, giặt, thay quần áo thường xuyên.

 

Tránh ngâm mình trong nước bẩn. Phụ nữ và trẻ em gái cần chú ý vệ sinh bộ phận sinh dục để phòng các bệnh phụ khoa.

 

Đảm bảo vệ sinh môi trường

 

Phải thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường sau mưa lớn, lũ lụt, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó. Ngoài ra, cần tổ chức thu gom và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn xác động vật, tránh phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm; phối hợp với nhân viên y tế phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.

 

Cần chủ động đảm bảo vệ sinh môi trường quanh khu vực mình sinh sống, thau rửa và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế tại địa phương. Xử lý phân người, phân vật nuôi đúng cách là việc làm vô cùng quan trọng nhằm diệt trừ mầm bệnh, không cho mầm bệnh phát tán ra môi trường. Giữ cho môi trường sống sạch sẽ, giảm thiểu nguồn lây bệnh, tránh bùng phát các dịch bệnh lớn và nguy hiểm như: tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, tay chân miệng…

 

Xử lý phân người, phân vật nuôi như thế nào?

 

Cần đi tiêu vào nhà vệ sinh hoặc vào những nơi quy định để cô lập (tách riêng) và quản lý được phân, không phóng uế bừa bãi. Trong tình trạng khẩn cấp, khi các nhà tiêu hợp vệ sinh không sử dụng được, cần phải có chỗ quy định chung để đi vệ sinh tạm thời, không phóng uế bừa bãi ra môi trường, có biện pháp bảo đảm vệ sinh và quản lý phân/chất thải an toàn như rắc vôi bột, phun hóa chất khử trùng Chloramin hàng ngày.

 

Nhà tiêu hoặc nơi quy định để đi vệ sinh, dù là tạm thời, cũng phải cách xa nguồn nước ăn uống và sinh hoạt (với nhà tiêu cách ít nhất 10m, còn nơi quy định vệ sinh tạm thời thì cũng phải cách ít nhất 30m). Đáy của hố phân phải cách mực nước ngầm ít nhất 1,5m. Với những vùng hay ngập lụt, nếu xây nhà tiêu cần thiết kế nhà tiêu với bệ xí cao hơn mực nước ngập cao nhất để nhà tiêu không bị ảnh hưởng khi lũ lụt.

 

BSCKI CHÂU TRỌNG PHÁT

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek