Theo báo cáo nhanh của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tình hình hiện nay vẫn ổn định, không có bệnh dịch xảy ra. Vệ sinh môi trường, hướng dẫn người dân trong vùng bị ảnh hưởng cách giữ vệ sinh trong sinh hoạt hàng ngày, ăn chín, uống chín, khử trùng nguồn nước, phòng tránh những bệnh truyền nhiễm và phát sinh mầm bệnh là những hoạt động chủ đạo được các đơn vị y tế dự phòng cần gấp rút triển khai.
Bà Nguyễn Thị Kim Tuyến, Trưởng Khoa Kiểm soát dịch bệnh HIV/AIDS - Trung tâm Y tế huyện Phú Hòa, cho biết: Công tác phòng chống dịch bệnh sau lũ luôn được chú trọng. Việc vệ sinh môi trường, xử lý giếng nước ngập lụt kịp thời sẽ giúp người dân có nước sạch để sinh hoạt, khống chế kịp thời các bệnh dịch lây lan do môi trường sau lũ gây ra. Vì vậy, cán bộ y tế cơ sở luôn chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương vận động nhân dân khắc phục hậu quả sau mưa lũ, tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng bị ngập lụt triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, xử lý xác súc vật chết… theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hân, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát dịch bệnh - Trung tâm Y tế huyện Tây Hòa, cho rằng: “Triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống dịch bệnh sau lũ sẽ ngăn chặn được các bệnh dịch phát sinh do môi trường gây nên, nhất là phòng ngừa được các nhóm bệnh phát sinh trực tiếp từ các nguồn bệnh trong vùng lũ lụt như: nấm kẽ chân, nấm móng, viêm kẽ ngón tay, ngón chân, mẩn ngứa, viêm da, viêm gan vi rút A, E. Bên cạnh đó, một số bệnh như đau mắt đỏ, viêm tai giữa nhiễm khuẩn, tay chân miệng cũng thường xảy ra sau lũ lụt. Đặc biệt, xử lý kịp thời các nguồn nước tù đọng sau lũ lụt sẽ hạn chế được muỗi và vi rút sinh sôi nảy nở gây bệnh sốt xuất huyết, sốt do vi rút, sốt rét… cho người”.
Sau lũ lụt, nhân viên các trạm y tế ở những vùng bị ngập đã lên danh sách cấp phát Chloramin B cho những hộ gia đình có giếng nước để khử khuẩn, đồng thời vận động mọi người chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường. Các trung tâm y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh còn tiến hành phun hóa chất diệt muỗi, ra quân diệt lăng quăng ở một số nơi có nguy cơ xảy ra dịch bệnh; vận động thanh niên các xã ở vùng sâu, vùng trũng tổng vệ sinh môi trường khu vực sinh sống, phát quang bụi rậm, dọn dẹp rác thải bị ứ đọng…
Bà Nguyễn Thị Hiệp, Phó Trưởng Trạm Y tế xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa), chia sẻ: “Xã nằm trên địa bàn thường xuyên ngập lụt nên cán bộ y tế luôn chủ động hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường sau lũ lụt cho người dân tại địa phương. Ngay sau khi nước rút, nhiều hộ dân đã chủ động tổng vệ sinh môi trường và đến trạm y tế hoặc liên hệ với nhân viên y tế thôn bản để nhận viên khử trùng nguồn nước. Chính vì người dân ý thức tự giác, chủ động phòng chống dịch bệnh sau lũ nên qua các đợt lụt gần đây, tình hình tại xã ổn định, không có bệnh dịch xảy ra”.
Chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ, Sở Y tế thường xuyên có công văn nhắc nhở, hướng dẫn các đơn vị triển khai công tác ứng phó với diễn biến thất thường của thời tiết, phát huy phương châm “bốn tại chỗ” ứng phó kịp thời, chính xác, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra; sẵn sàng về nhân lực, vật tư, cơ số thuốc, hóa chất phòng chống lụt bão… Đây là những việc làm hết sức cần thiết, nhất là trong mùa mưa năm nay, khi thiên tai liên tục gây thiệt hại ở nhiều vùng. Tuy nhiên, phòng chống dịch bệnh không chỉ từ ngành Y tế mà cần sự chung tay góp sức từ cộng đồng để cuộc sống tốt đẹp hơn.
Trong đợt lũ vừa qua, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã cấp hóa chất cho các huyện Tuy An, Đồng Xuân, Phú Hòa và TP Tuy Hòa, cụ thể: Chloramine bột: 215kg, Chloramine viên: 35.000 viên, Aquatabs: 15.000 viên, thuốc: 5 cơ số. Ngành Y tế thực hiện phương châm nước rút đến đâu, xử lý môi trường đến đó. Từ tháng 11/2016 đến nay, toàn tỉnh đã sử dụng 240kg Chloramine bột, 18.200 viên Chloramine và 7.400 viên Aquatabs để khử trùng các giếng nước bị ngập và xử lý môi trường sau lũ lụt. |
NGUYÊN NHẠN