Tại đường Nguyễn Trường Tộ (phường 6, TP Tuy Hòa) có một dãy nhà cấp 4 của các vị sĩ quan cấp tá về hưu lại ở giữa hai đơn vị bộ đội trong tỉnh đóng quân án ngữ nên người ta gọi nơi đây là “xóm nhà binh”, “làng bộ đội”.
“Xóm nhà binh” hôm nay - Ảnh: H.THU
So với cách đây hơn 10 năm, cảnh quan của xóm nhỏ này không có gì thay đổi. Thật đáng buồn vì nhiều cụ trong xóm đã đi xa! Nhớ chuyện của các cụ, mỗi gia đình mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng đã để lại những mẩu chuyện về người lính đi suốt hai thời kỳ đánh Pháp, đánh Mỹ, cống hiến phần đời còn lại trong việc xã phường, khu phố; về đối nhân xử thế ở đời… Chuyện cũ người xưa nhưng vẫn giữ nguyên giá trị nhân văn mà các thế hệ hôm nay đáng học tập.
Nhớ lại chuyện trung tá Tư Nê, người ta thường gọi là “ông Tư Đông Dương” vì trong cuộc chiến, ông đi khắp bán đảo Đông Dương, hết Trường Sơn Đông đến Trường Sơn Tây, sang chiến đấu ở đất bạn Lào và Campuchia với tấm lòng quốc tế cao cả. Về hưu ông không nghỉ, ngoài việc gia đình ông tham gia công tác ở địa phương như làm bảo vệ nhà khách UBND tỉnh, có chân trong ban liên lạc Tiểu đoàn 365, giữ cương vị Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường 6. Ông là người được tặng thưởng nhiều huân chương của 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Điều đặc biệt và rất hiếm có, ông là người nhận được nhiều huy chương các loại tại Giải Việt dã Báo Phú Yên qua các năm. Ông còn có mặt trong phim tư liệu đề cập về các hoạt động văn hóa, xã hội được phát sóng trên Đài truyền hình Việt Nam - VTV Phú Yên. Ông có hai người con tiếp nối vào Quân đội. Tuổi 80, do phát bệnh thời chiến tranh để lại, ông về cõi vĩnh hằng năm 2011.
Bà con kể chuyện của trung tá Quang là “vua cần cù” nhất xóm. Khi mới về hưu, hàng ngày một mình ông kéo xe cải tiến lên chợ TP Tuy Hòa nhặt rác, phân, hùng hục cả ngày ngoài vườn. Vườn rau và cây ăn quả của gia đình ông xanh tốt đem lại hiệu quả kinh tế cao. Rồi ông lâm bệnh hiểm nghèo, hơn 3 năm nằm một chỗ. Bà Tuyết vợ ông tận tình chăm sóc với cảnh “con nuôi cha không bằng bà nuôi ông”. Ông từ giã cõi đời năm 1992. Ông, bà có 2 người con thành đạt trong nghề nghiệp, có một người là trung tá ngành Công an.
Tuổi đời, tuổi Đảng cao nhất xóm là vợ chồng trung tá Tạo. Bà Hồng, vợ ông nay đã 88 tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng. Người ông Tạo mảnh khảnh tóc trắng, râu dài. Ông đã cống hiến nhiều cho kháng chiến kiến quốc nên sức lực cạn kiệt. Nhiều năm liền, ông phụ trách Chi hội Cựu chiến binh xóm này rất nhiệt tình, giàu lòng nhân ái. Ông rất vui và hài lòng vì con cái thành đạt. Con trai đầu Đào Minh Hiệp là nhà văn, dịch giả, nguyên là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên; con thứ hai là thượng tá Công an Đào Minh Tân, trực tiếp chăm sóc mẹ và con thứ ba là Đào Minh Long cán bộ Ban quản lý thị trường của tỉnh. Năm 2009, tuổi già sinh bệnh, ông thanh thản về cõi vĩnh hằng.
Còn gia đình đại tá Thanh, là nỗi đau của Chi hội Cựu chiến binh của xóm này. Hai vợ chồng đều lâm bệnh hiểm nghèo. Vợ ông bị bệnh thần kinh bại liệt nằm một chỗ hơn 10 năm, còn ông bị bệnh hen suyễn nên nhiều lần phải cấp cứu. Ông dành dụm tiền lương hưu nuôi 3 người con ăn học qua bậc đại học, tận tình chăm sóc vợ với cảnh “ông nuôi bà”. Căn bệnh quái ác tái diễn, ông mất năm 2002. Bà đau buồn, bệnh càng nặng thêm và năm ấy bà cũng đi theo ông.
Nhớ nhiều đến đại tá Châu, gia đình ông trước đây nổi tiếng chăn nuôi giỏi. Hàng năm có hơn tạ heo con xuất chuồng. Ông rất chịu khó, chịu khổ vật lộn với thời tiết, dịch bệnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đời sống gia đình được cải thiện. Ngoài việc gia đình, ông nhiều năm giữ chức Chủ tịch Mặt trận phường 6. Ông có 3 người con, trong đó có một người là trung tá Công an, các người con đều phát huy truyền thống gia đình, tận tình, tận nghĩa chăm sóc mẹ đang bị bệnh bại liệt. Đại tá Châu lâm bệnh nặng và mất năm 2011.
Như vậy là trong xóm có 5 cụ đã đi xa! Còn lại gia đình cựu chiến binh thượng tá Bảy. Khác với các gia đình khác, trong nhà có 4 người thì đã có 3 người công tác trong lực lượng vũ trang. Cụ ông là thượng tá, cụ bà là thượng úy, người con gái là thiếu tá, còn một người con trai đang công tác tại TP Hồ Chí Minh. Trước đây, gia đình ông có cái quán thấp lè tè kiếm thêm thu nhập và dành dụm lương hưu nuôi 2 người con ăn học… Ông Bảy nhiều năm giữ chức Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường 6.
Các cụ “xóm nhà binh” này khi mới về hưu bươn chải trong cuộc sống vẫn giữ nếp sống, nếp nghĩ, vẫn giữ tác phong người lính Cụ Hồ. Họ chung sống chan hòa cởi mở, chia ngọt xẻ bùi trong mọi khó khăn, hoạn nạn… Tài sản của họ không có gì đáng giá “nhưng tài sản vô giá là giá trị tinh thần về truyền thống cách mạng” mà con cháu họ đang gìn giữ phát huy, có sức lan tỏa trong cộng đồng.
Nhớ thương các cụ về cõi thiên thu. Tiếng thơm vẫn còn vọng mãi!
TRẦN DOÃN PHU