Gần 80 tuổi đời, 55 tuổi Đảng, ông Trần Công Khánh là một cán bộ hoạt động cách mạng qua hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Những năm sau Cách mạng Tháng Tám, tuy còn nhỏ tuổi nhưng ông thường theo cha mình đi làm nghề thợ mộc. Cha ông cùng 4 người thợ khác hoạt động trong tổ chức Hội Cụ lão Bạch đầu quân-một tổ chức quần chúng cách mạng thời bấy giờ. Tổ thợ mộc này do ông Hồ Đa làm tổ trưởng được tổ chức giao nhiệm vụ đóng chiếc thuyền giúp bà Nguyễn Thị Định chở vũ khí vào chiến trường miền Nam… Thời gian đã trôi qua hơn 65 năm nhưng ông Khánh vẫn nhớ rõ mồn một việc đóng chiếc thuyền này.
Bà Võ Thị Khéo, người tập bơi cho bà Nguyễn Thị Định - Ảnh do gia đình cung cấp
Vào tháng 2/1946, trong một chuyến công tác từ Bến Tre ra miền Bắc xin vũ khí cho chiến trường miền Nam, bà Nguyễn Thị Định, nguyên Phó tổng tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam được tổ chức giới thiệu về phường 6 (TP Tuy Hòa) để nhận vũ khí. Tại phường 6, bà Định ở lại trong thời gian khoảng 1 tháng để làm công tác chuẩn bị chuyển vũ khí về miền Nam bằng đường biển. Lúc này ông Trần Công Khánh hiện đang sinh sống tại khu phố
Nguyễn Công Trứ, (phường 6, TP Tuy Hòa) mới 13 tuổi được cha mình là ông Trần Ca cho đi theo để phục vụ việc nước, thuốc cho tổ... Tổ mộc gồm có 5 người là các ông: Hồ Đa, Trần Sĩ, Trần Dĩ, Trần Ca, Trần Da đã quyết định đóng loại thuyền buồm chèo chứ không phải là loại thuyền máy như bây giờ. Khi được biết đóng chiếc thuyền này để bà Nguyễn Thị Định chở vũ khí về miền Nam, ai cũng cố gắng làm ngày làm đêm cho kịp. Việc đóng thuyền khá thuận lợi vì địa điểm được chọn tại bãi Lăng Ông, Miếu Bà gần chùa Bình Lợi, nay là dưới chân cầu Hùng Vương (phường 6, TP Tuy Hòa). Gỗ để đóng tàu được lấy từ số gỗ tịch thu được tại trạm kiểm lâm của Pháp cũng gần ngôi chùa…Trong thời gian gần 1 tháng, chiếc thuyền buồm chèo đã hoàn thành có trọng tải 1,5 tấn. Sau khi đóng thành công chiếc thuyền này, tổ mộc đã đóng tiếp 37 chiếc nữa phục vụ cho Tiểu đoàn 248, tiền thân của ngành Vận tải biển Phú Yên. Tiểu đoàn này cũng vừa được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vu trang nhân dân. Việc đóng chiếc thuyền buồm chèo đã hoàn thành nhưng còn một yêu cầu là muốn điều khiển nó, người điều khiển phải biết bơi lội; trong khi bà Định là chưa hề biết đến bơi lội. Vì vậy việc tập bơi cho bà và cách chèo lái con thuyền này được giao cho Chi hội Phụ nữ Nguyễn Công Trứ đảm nhận. Bà Phan Thị Nhi, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Nguyễn Công Trứ đã phân công hai đồng chí nữ tiêu biểu là Võ Thị Khéo và Lê Thị Hôn tập cho bà Định không những biết bơi giỏi mà chèo thuyền cũng rất giỏi… Nhờ vậy, chuyến trở về Nam của bà Nguyễn Thị Định từ cửa Đà Rằng vào Bến Tre, chở nặng hàng tấn vũ khí, vượt qua cả ngàn hải lý giữa trùng khơi đã trót lọt, cập bến an toàn…
Ông Trần Công Khánh chỉ nơi ngày xưa đóng chiếc thuyền đầu tiên chở vũ khí vào chiến trường miền Nam (nay là dưới chân cầu Hùng Vương) - Ảnh: M.KÝ
Năm 1992, bà Nguyễn Thị Định, lúc này là Phó chủ tịch Hội đồng nhà nước về thăm Phú Yên, về thăm lại phường 6 đã bồi hồi xúc động: “phường 6 nói riêng, tỉnh Phú Yên nói chung là quê hương thứ 2 của tôi!”. Nhiều người dân phường 6, TP Tuy Hòa rất mong muốn ở đây được xây dựng một nhà tưởng niệm để các thế hệ con cháu luôn tự hào bởi chính quê hương mình là nơi đóng những chiếc thuyền chở vũ khí cho chiến trường miền Nam…
HÀ ANH
(ghi theo lời kể của ông Trần Công Khánh, cán bộ lão thành cách mạng Phú Yên)