Ngày 22/10/2012, Bảo tàng tỉnh Phú Yên được tiếp một vị khách đặc biệt quý: Đại tá Nguyễn Phước, nguyên Trưởng ban viết sử và Tổng kết chiến tranh của Quân khu V, nguyên chỉ huy phó về Chính trị của Cơ quan quân sự tỉnh Phú Yên. Ông tới Bảo tàng để hiến tặng một kỷ vật của Cố chủ tịch, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Bằng một giọng trầm buồn ông kể:
Luật sư đến tận nhà thăm bà Nguyễn Thị Lá vợ liệt sĩ Nguyễn Lầu
“Ba tôi tập kết ra Bắc rồi vào Nam khi Quân ủy phân công nhiệm vụ giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Suốt nhiều năm liền ba tôi ở trên căn cứ những vì nhiệm vụ cách mạng cả gia đình tôi không ai biết ba tôi về Nam. Ông dồn hết tâm huyết vào việc giải thoát Luật sư. Ba tôi là người chỉ huy trực tiếp hai lần giải thoát Luật sư. Các đồng đội của ba tôi kể lại khi đón được bác Ba ra căn cứ, ba tôi mừng đến rơi nước mắt, ôm bác Ba rất chặt. Ba tôi và bác Ba Thọ thân nhau lắm. Gần một tháng ở căn cứ miền Tây hai anh em lúc nào cũng có nhau. Hai người hết nghĩa anh em. Bác Ba đi về Trung ương Cục có tặng ba tôi chiếc đồng hồ này. Chiếc đồng hồ này vào loại quý và hiếm lúc đấy. Bác Ba sử dụng trong thời gian bị kẻ thù quản thúc ở Phú Yên. Ba tôi luôn luôn đeo chiếc đồng hồ này trên tay để nhớ về người anh kết nghĩa của mình. Tháng 7 năm 1963, ba tôi bị thương rất nặng. Trước lúc hy sinh ba tôi rất tỉnh táo, Ba tôi dặn đồng đội là phải giữ gìn cái đồng hồ cẩn thận vì đấy là kỉ vật của bác ba Thọ tặng ba tôi. Lời trăng trối của ba tôi được đồng đội thực hiện nghiêm túc. Các bác, các chú không chôn kỷ vật theo người ba tôi như thông lệ của các liệt sĩ hy sinh khác mà giữ chiếc đồng hồ ở lại như giữ lại tình cảm anh em kết nghĩa của ba tôi với bác Ba. Tháng 12/1964, tôi lên căn cứ. Tại chiến trường các bác, các chú nói với tôi: Đây là kỷ vật của bác Ba Thọ tặng cho ba cháu. Trước lúc hy sinh ba cháu dặn các bác, các chú giữ gìn cẩn thận kỉ vật này nên các bác không liệm theo ba cháu khi mất mà đã giữ gìn rất cẩn thận. Các bác, các chú nghĩ cháu sẽ làm trọn nguyện ước của ba cháu, nên trao lại cho cháu. Tôi hiểu tấm lòng của ba tôi đối với Luật sư nên tôi đã gìn giữ kỷ vật này gần 6 thập niên như ba tôi đã giữ. Chỉ còn mấy ngày nữa là kỷ niệm 51 năm Ngày ba tôi đón được Luật sư, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ ra vùng giải phóng. Rất tiếc là tôi chưa được gặp Luật sư lần nào. Năm 1972, tôi đóng quân ở Hà Bắc, chỉnh huấn để chuẩn bị vào chiến trường Quảng Trị, anh Huỳnh Trúc (nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy Phú Yên) có nói với tôi khi tôi tranh thủ xuống Hà Nội chào anh:
- Phước à, anh Ba Thọ nhắc tới ba em luôn, bây giờ biết em ở đây chắc anh Ba mừng lắm. Em ở lại chơi với anh để anh mời anh Ba tới chơi cho vui nghe?
Tôi nói: - Em tranh thủ tới chào anh rồi đi ngay. Ở đơn vị em làm Chính trị viên không ở lại chơi với anh và bác Ba được đâu, để khi khác anh à.
Năm 1993, bác Ba về quê thăm gia đình tôi. Cả gia đình nhìn thấy bác Ba là khóc vì chỉ chưa đầy hai năm sau ngày giải thoát Luật sư, ba tôi đã nằm lại ở chiến trường miền Tây, không bao giờ về với gia đình tôi nữa. Trước đó, cũng có lúc má tôi hờn ba tôi vì vô Nam mà giấu gia đình. Nhưng khi hiểu nhiệm vụ bí mật của ba thì má tôi thương ba tôi lắm, không hờn nữa. Kỷ niệm 51 năm Ngày giải thoát Luật sư, tôi tặng lại Bảo tàng chiếc đồng hồ này, để nhắc mọi người nhớ thời chưa xa mà ba tôi và bác Ba Thọ đã sống”.
51 năm dòng chảy của con sông Đà Rằng vẫn hết sức dịu hiền và thơ mộng, như cái ngày Luật sư bị quản thúc ở thành phố này. Kẻ thù nghĩ rằng quản thúc Luật sư ở đây, sẽ tách rời Luật sư với phong trào Cách mạng ở Sài Gòn, nơi Luật sư từng chiến đấu đối mặt với kẻ thù. Nhưng chúng hoàn toàn sai lầm. Đảng bộ, quân và dân tỉnh Phú Yên trân trọng, quý mến tài năng, đức độ của Luật sư, nên đã dành trọn tâm huyết, trí tuệ của mình đương đầu với bộ máy khổng lồ của kẻ thù để bằng mọi giá đón được Luật sư ra vùng giải phóng.
51 năm, núi Nhạn, sông Đà linh thiêng và huyền ảo vẫn còn đây, như cái ngày Luật sư đưa cả gia đình lên thăm Tháp Nhạn. Cư dân phố thị nhận ra nhau qua biểu tượng: núi Nhạn, sông Đà. Cư dân phố thị nhận ra ông Hòa Bình (tên gọi thân mật, gần gũi của người Phú Yên đối với cố Chủ tịch, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ) khi năm 1976 và năm 1993, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ về thăm Phú Yên. Cư dân phố thị nhận ra người con trai trưởng của Luật sư giống Luật sư như đúc khi nhiều năm con trai của Luật sư thay ba về thăm Phú Yên.
51 năm, núi Chóp Chài chứng nhân của lịch sử, nơi hai người cộng sản tiên phong: Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Lầu và cố Chủ tịch, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ gặp nhau vẫn sừng sững uy nghiêm, người Phú Yên hát: “Một mai cạn nước sông Ba, Chóp Chài sụp đổ thì ta xa nàng” để người Phú Yên hiểu rằng: Tình cảm sâu nặng của tỉnh Phú Yên đối với Luật sư và của Luật sư đối với Phú Yên luôn luôn được Gia đình cố Chủ tịch, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và tỉnh Phú Yên trân trọng, gìn giữ, nâng niu.
Cố Chủ tịch, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là một trí thức tiêu biểu, một chiến sĩ cách mạng kiên định, một biểu tượng của tinh thần đoàn kết theo tư tưởng Hồ Chí Minh, suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân. Người là biểu tượng của cuộc đấu tranh không mệt mỏi vì độc lập, thống nhất của đất nước, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Người có tấm lòng yêu nước, thương dân chân thành, sâu sắc. Người còn là biểu tượng cao đẹp của nhân cách Việt Nam, con người Việt Nam: Trọng nghĩa tình.
“... Tình cảm đầu tiên của tôi là lòng biết ơn vô hạn đối với nhân dân Phú Yên... Nước Việt Nam được hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do, bởi nhân dân Việt Nam rất cách mạng, rất yêu nước và yêu Chủ nghĩa xã hội. Tôi muốn nhấn mạnh từ Chủ nghĩa xã hội. Đó là khái niệm về một xã hội công bằng, người sống với người bằng tình, bằng nghĩa. Chính tâm hồn người Việt Nam từ lâu đời đã ấp ủ một Chủ nghĩa xã hội đầy nhân nghĩa, đạo đức văn mình... Tôi xin chân thành cảm ơn Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, ủy ban Mặt trận tỉnh Phú Yên và tất cả các cấp, các ngành của tỉnh đã tạo điều kiện rất tốt cho tôi thăm lại, gặp lại những nơi chốn, những con người đã cưu mang - đùm bọc - yêu thương - che chở cho tôi những tháng ngày ở đây. Cho tôi gửi lời thăm hỏi đến tất cả các đồng chí, đồng bào mà tôi mang nặng ân tình, nhưng dịp này tôi không gặp được. Cho tôi gửi lời thăm hỏi gia đình những đồng chí bây giờ không còn nữa. Tôi xin chân thành thắp một nén nhang lòng tưởng niệm. Xin chúc tất cả các đồng chí, các vị, các anh - chị - em - con - cháu vô cùng xứng đáng trân trọn và yêu tưởng...”.
Đầu năm 1995, khi tiễn đoàn đại biểu tỉnh Phú Yên vào thăm, Chủ tịch, Luật sư nói: “Mỗi ngày, mỗi ngày tôi luôn nhớ đến Phú Yên bằng tình cảm sâu sắc nhất”
Xứng đáng với niềm tin yêu của Luật sư, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Yên luôn dõi theo tin tức, sức khỏe và hoạt động của Chủ tịch, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Ngày nghe tin Đảng và Nhà nước ta trao tặng Luật sư Nguyễn Hữu Thọ Huân chương Sao Vàng, tỉnh Phú Yên đã cử đoàn đại biểu vào TP Hồ Chí Minh chúc mừng và chúc thọ Chủ tịch, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Lời chúc mừng của đồng chí Nguyễn Duy Luân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên thể hiện niềm vui chung của người Phú Yên đối với Chủ tịch, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ.
Kính thưa Chủ tịch, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ.
Thưa các đồng chí.
Đồng chí Nguyễn Lầu - nguyên Tỉnh đội trưởng, Anh hùng lực lượng vũ trang, người chỉ huy trực tiếp tham gia giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ
Chúng tôi vô cùng phấn khởi được biết ngày 10/7/1993 kỷ niệm lần thứ 84 năm Ngày sinh của Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và nhân dịp này, Đảng và Nhà nước ta trao tặng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta cho Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch đoàn Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để ghi nhận công lao to lớn của Chủ tịch đối với Đảng và dân tộc, đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây là vinh dự lớn không những đối với Chủ tịch, đó cũng là vinh dự lớn đối với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Yên. Thay mặt nhân dân, Đảng bộ, chính quyền và các lực lượng vũ trang Phú Yên, xin kính chúc Chủ tịch sống lâu trăm tuổi và luôn theo dõi giúp đỡ Phú Yên là quê hương thứ hai của Chủ tịch trong sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp”.
Cũng như ba mình, con trai trưởng của cố Chủ tịch, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là Nguyễn Hữu Châu luôn luôn coi Phú Yên là quê hương thứ hai. Ông chắt chiu, dành dụm, tiết kiệm gửi về Phú Yên, ủng hộ những ân nhân tham gia giải thoát Luật sư khi nghe đài, xem báo biết Phú Yên bị bão lụt. Ông gọi những ân nhân tham gia giải thoát Luật sư là dì, là bác, là anh, là chị, là con, là cháu. Mỗi lần ông về Phú Yên, ông đều làm trọn ý nguyện của ba ông là thăm quê hương thứ hai của người. Những năm ngày Luật sư được giải thoát ông không về Phú Yên được, ông đều gọi điện hỏi thăm sức khỏe của các ân nhân tham gia giải thoát ba mình. Ông tâm niệm: Có Phú Yên, gia đình ông mới được đoàn tụ. Xuất phát từ tình cảm cao đẹp đó, ông vui niềm vui của người dân Phú Yên, lo nỗi lo của người dân Phú Yên. Kỷ niệm 51 năm Ngày giải thoát Luật sư năm nay, ông chia sẻ niềm vui với Phú Yên là đã xuất bản được một tác phẩm về cuộc đời hoạt động của cố Chủ tịch, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Tấm tình chung thủy trước sau như nhất của ông đối với quê hương Phú Yên mà lúc sinh thời ba ông coi là quê hương thứ hai của người làm cho tôi hết sức xúc động. Năm tháng đã đi qua những biến động của chiến tranh đã và đang trở về trạng thái cân bằng. Nhưng trong sâu thẳm của mỗi người dân Phú Yên yêu nước hình ảnh những chiến sĩ cộng sản tiên phong: Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Lầu và cố Chủ tịch, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ mãi mãi sống. Trong giai đoạn hiện nay, khi chúng ta đang học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đang sửa đổi Hiến pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền, một mục tiêu mà Chủ tịch, Luật sư quan tâm sâu sắc, những di sản tinh thần vô giá mà các thế hệ cha anh đi trước để lại cho hậu thế lại càng có ý nghĩa sâu sắc hơn.
KIM HOA