Thứ Bảy, 30/11/2024 07:34 SA
Ký ức đường Trường Sơn
Thứ Sáu, 26/10/2012 16:00 CH

Với 35 năm tham gia quân ngũ, ông Lê Đức Thanh có gần 20 năm sống và chiến đấu ở đường Trường Sơn. Năm 1984, ông nghỉ hưu với quân hàm trung tá, hiện đang sinh sống tại khu phố Trường Chinh (phường 7, TP Tuy Hòa). Người cựu binh của một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” luôn hoài niệm về những năm tháng hào hùng của người lính công binh giữa Trường Sơn đại ngàn.

truongson121026.jpg

Ông Lê Đức Thanh (ngồi giữa) cùng Đoàn Bộ đội Trường Sơn về thăm lại chiến trường xưa. - Ảnh: Ban Liên lạc Bộ đội Trường Sơn cung cấp

Năm 1954, ông Lê Đức Thanh là một trong những “hạt giống đỏ” của quê hương Phú Yên tập kết ra Bắc, được biên chế vào Sư đoàn 305. Sau đó ông được chuyển về Trung đoàn 5 Bộ Tư lệnh Công binh rồi Trung đoàn 98 đóng quân ở Phú Thọ, Bắc Ninh trực thuộc Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn do đồng chí Đồng Sĩ Nguyên làm Đoàn trưởng.

Những năm 1959-1960 tình hình chiến trường miền Nam phát triển theo chiều hướng có lợi cho ta, Nghị quyết 15 của Trung ương (tháng 7/1959) đề ra chủ trương phải khai phá mở một con đường. Ông là một trong 100 người đầu tiên được lựa chọn để thành lập Trung đoàn 70 đi vào Nam do đồng chí Võ Bẩm làm Trưởng đoàn. Từ Bắc Ninh, đoàn hành quân khoảng 2 ngày đêm và dừng chân tại làng Ho (Quảng Bình). Tại đây, đồng chí Trưởng ban cán bộ của Bộ Quốc phòng cho biết: Tất cả những đồng chí được lựa chọn vào đoàn, ngoài các tiêu chuẩn đạo đức tốt, phải là đảng viên, người miền Nam. Nhiệm vụ mới này phải giữ bí mật tuyệt đối: không nói, không biết, không được liên lạc với ai…” Lúc này chúng tôi mới được biết mình là một trong những người đầu tiên tham gia mở đường Tây Trường Sơn”, ông nói.

Từ làng Ho, đoàn hành quân bộ khoảng một tháng nữa mới tới một địa điểm nhắm chừng như ở giữa rừng Trường Sơn. Những ngày mới đến, giữa rừng già Trường Sơn bạt ngàn cây cối chỉ nghe tiếng chim kêu vượn hú, suốt ngày họ không thấy một bóng người. Sau khi dựng lán trại, tập trung quân số, ổn định nơi ăn chốn ở, đoàn bắt tay vào công việc khai phá mở đường. Người lính công binh ngày ngày cần mẫn với hai bàn tay và lòng quyết tâm san phẳng đất đá, cây rừng, dây leo chằng chịt để mở một con đường huyết mạch. Lúc đầu, con đường này chỉ cần đủ cho người đi bộ, rồi mở rộng thành đường đủ cho xe thồ đi và sau cùng là đường lớn dành cho xe tải…Từ ngày mổ nhát cuốc đầu tiên cho đến khi con đường được hình thành và thông tuyến, không thể kể hết bao nỗi vất vả nhọc nhằn, hy sinh mất mát của người lính công binh thời bấy giờ. Thời gian đầu, ngoài nhiệm vụ khai phá mở đường, đoàn còn phải trồng khoai, trồng sắn để tự túc lương thực, thực phẩm. Khi mới bắt đầu mở đường, giặc Mỹ chưa phát hiện nhưng sau này, chúng phát hiện được nên đánh phá rất ác liệt. Nhiều lúc đường vừa làm xong máy bay Mỹ lại tới dội bom, vì vậy nhiệm vụ của người lính công binh lúc này vừa tay cuốc, tay súng chiến đấu bảo vệ mặt đường. Bom Mỹ vừa trút xuống làm cho mặt đường bị đào xới nham nhở, liền theo đó là tiếng hò reo xung phong của thanh niên xung phong, bộ đội, nhanh chóng lấp những hố bom sâu hoắm để từng đoàn xe lại tiến ra tiền tuyến…

Dù thời gian đã trôi qua khá lâu, nhưng ông Lê Đức Thanh còn nhớ rất rõ những địa danh là trọng điểm mà bọn Mỹ đã trút bom liên tục như: dốc Tà Beng, ngã ba La Hạp, dốc 28, 12, rừng thông Tà Khống… Tại những trọng điểm đánh phá này có những đại đội công binh bị hy sinh gần hết. Con đường Trường Sơn nhiều người ví đó là con đường phải đổi bằng máu xương của biết bao người! Ông nhớ một câu chuyện khi đi rà phá bom mìn từ trường bằng xe chuyên dụng do Liên Xô tài trợ. Do xe mới và là lần đầu đi thử nghiệm nên rất nhiều người sợ không dám ngồi lên xe. Lúc đó ông được đồng chí Đoàn trưởng Đồng Sĩ Nguyên chỉ định… và đã lên xe. Tuy hơi run nhưng ông đã cố trấn tĩnh, xe lăn bánh và chuyến thử nghiệm đã thành công. Từ đó việc rà phá bom mìn từ trường bằng xe chuyên dụng được phổ biến hơn, giảm bớt phần nào sự hy sinh mất mát cho đồng chí đồng đội.

Hơn 20 năm chống Mỹ cứu nước, cũng gần chừng ấy thời gian ông Lê Đức Thanh sống và chiến đấu để bảo vệ con đường huyết mạch của đất nước cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Lịch sử sang trang, cả dân tộc bắt tay xây dựng cuộc sống mới. Dù thời gian có xóa nhòa tất cả nhưng đường Trường Sơn vẫn mãi trường tồn là chứng nhân của một thời cha ông đã không tiếc máu xương để đổi lấy độc lập tự do cho hôm nay và mai sau…

HÀ ANH

(Ghi theo lời kể của ông Lê Đức Thanh, cựu chiến binh Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Vui ở gành Đá Đĩa
Thứ Bảy, 29/09/2012 08:53 SA
Gò Dinh
Thứ Năm, 27/09/2012 18:00 CH
Xanh ngát Cù Lao Xanh
Thứ Năm, 27/09/2012 09:39 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek