Thứ Bảy, 21/09/2024 11:31 SA
Di sản văn hóa dưới đỉnh Đá Bia (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Tư, 30/11/2011 08:23 SA

Miếu Phước Giang (thôn Phước Giang, xã Hòa Tâm)

Trước đây thuộc ấp Đại Nhị, xã Đa Ngư. Miếu này xây dựng hơn 100 năm. Trải qua thời gian hiện còn giữ được kiến trúc cũ. Năm 2003, sửa sang lại phần mái ngói. Diện tích của miếu: dài 1,5m, rộng 1,5m, cao 2,5m, xây bằng đá đắp vôi vữa, mặt quay theo hướng nam. Trước cửa chính có cây duối cổ thụ.

Lẫm Thạch Thẩm (thôn Thạch Thẩm, xã Hòa Xuân Tây)

Theo các bậc cao niên trong làng, lẫm Thạch Thẩm là nơi thờ tiền hiền, hậu hiền họ Nguyễn. Họ Nguyễn là một trong những họ lớn có công khai phá lập nên làng này. Trong thời kỳ chống Pháp, lẫm Thạch Thẩm tổ chức nhiều hoạt động của chính quyền cách mạng, là nơi tổ chức bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ở Phú Yên; địa điểm mở lớp dạy học xóa mù chữ; phát động chiến dịch tăng gia sản xuất chống đói; mở các cuộc lạc quyên giúp đồng bào thiếu đói. Năm 1953, lẫm bị hư hỏng. Năm 1960, các cụ già trong thôn quyên góp xây lại. Hiện nay, lẫm Thạch Thẩm là nơi được dùng làm trụ sở thôn Thạch Chẩm.

Lẫm Nam Bình (thôn Nam Bình 2, xã Hòa Xuân Tây)

Theo các cụ bô lão trong làng, lẫm Nam Bình xây dựng trên 200 năm. Lúc đầu lẫm là nhà ba gian, vách trét đất, lợp mái tranh. Trước năm 1945, lẫm sửa chữa lại bằng tường gạch, lợp ngói vẩy. Năm 1976, xã tổ chức đào mương thủy lợi ngang qua lẫm. Từ đó đến nay, lẫm không còn nữa. Lẫm Nam Bình là nơi thờ tiền hiền, do họ Nguyễn và họ Phan tạo lập. Thủy tổ của dòng họ Phan là ông Phan Thiệu và hậu duệ của ông Phan Thiệu là Phan Ngọc Ký (đời thứ 13) hiện đang sống ở tại thôn Nam Bình. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, lẫm có nhiều hoạt động: Tổ chức bầu cử Quốc hội 1946; tổ chức các lớp bình dân học vụ xóa mù chữ cho dân làng, có một thời gian lẫm là nơi chứa lúa của làng. Hiện tại, lẫm không còn dấu vết, chỉ còn tên gọi...

Lẫm thôn Bàn Nham Bắc (xã Hòa Xuân Tây)

Theo các cụ bô lão trong làng, lẫm xây dựng cách ngày nay khoảng 250 năm. Lúc đầu lẫm trét vách đất, mái lợp tranh. Năm 1946, thực hiện công tác tiêu thổ kháng chiến, cản trở bước tiến của Pháp, không cho chúng vào làng, ta đốt lẫm Bàn Nham Bắc. Đầu kháng chiến chống Mỹ nhân dân xây lại bằng gạch, lợp mái ngói âm dương, diện tích trên 200m2. Lẫm thờ tiền hiền họ Lê.

Lăng Ông (thôn Phước Tân, xã Hòa Tâm)

Lăng Ông có hơn 100 năm, trước đây nằm trên núi Đá. Năm 2004, lăng được dời xuống vị trí bây giờ. Lăng có diện tích rộng 3,5m, dài 3,5m, nền xi măng, tường gạch, mái ngói. Hàng năm, nhân dân tổ chức cúng Xuân vào tiết Thanh Minh (tháng 3 âm lịch) và cúng Thu vào tháng 8 âm lịch, các vị bô lão trong làng sẽ chọn ngày tốt trong tháng để cúng.

Nhà thờ Thạch Tuân 1 (thôn Thạch Tuân 1, xã Hòa Xuân Đông)

Nhà thờ Thạch Tuân 1 xây dựng năm 1957 do linh mục Tô Đình Sơn tạo lập. Đây là nơi sinh hoạt Thiên Chúa giáo trong vùng, nhà thờ lúc đầu lợp mái tranh, vách trét đất. Năm 1959, xây lại bằng gạch, lợp ngói vẩy, mặt quay về hướng tây nam rộng 4m, dài 10m, có sân. Qua thời gian nhà thờ đã nhiều lần tu sửa. Năm 1994, chùa sửa chữa lớn, thay phần mái ngói bằng mái tôn, sửa chữa tường, nền... Ban đêm giáo dân về nhà thờ đọc kinh, tối ngày thứ 7, chủ nhật nhà thờ tổ chức lễ.

Nhà thờ Xóm Bắc (thôn Thạch Tuân 2, xã Hòa Xuân Đông)

Nhà thờ Xóm Bắc xây dựng năm 1957, do linh mục Tô Đình Sơn xây, đây là nơi sinh hoạt Thiên Chúa giáo trong vùng. Nhà thờ lúc đầu mái lợp tranh, vách trét đất. Năm 1959, nhà thờ xây lại bằng gạch, lợp ngói vẩy, mặt quay về hướng đông nam rộng 4m, dài 10m, xung quanh có sân rộng. Qua thời gian nhà thờ đã nhiều lần tu sửa. Năm 1994 sửa lại phần mái. Ban đêm giáo dân về đọc kinh, ngày thứ 7, chủ nhật nhà thờ tổ chức lễ.

Nhà Làng (thôn Bàn Nham Bắc, xã Hòa Xuân Tây)

Theo các cụ bô lão trong làng, Nhà Làng có từ thời lập làng cách ngày nay khoảng 250 năm. Lúc đầu, Nhà Làng vách trét đất, lợp mái tranh, diện tích khoảng 24m2. Thời kỳ chín năm, ta thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến nên phá Nhà Làng cản bước tiến của bọn thực dân xâm lược. Năm 1957, nhân dân góp tiền xây dựng lại Nhà Làng bằng gạch, lợp mái âm dương. Qua thời gian, Nhà Làng hư hỏng nặng. Đến năm 2003, bà con trong làng góp tiền xây dựng lại như bây giờ. Nhà Làng có diện tích 8m x 12m, tường gạch, mái ngói, nền lát gạch hoa. Nhà Làng thờ cúng các vị: Thành Hoàng mở đất Phú Yên Lương Văn Chánh, tiền hiền họ Lê, hậu hiền họ Nguyễn và những người có công với làng. Hàng năm vào rằm tháng Giêng cúng chay, cầu an. Hiện tại, ông Nguyễn Đình Văn là hậu duệ đời thứ 13 của họ Nguyễn còn giữ gia phả.

Hang Cây Sung (thôn Phước Long, xã Hòa Tâm)

Hang Cây Sung là căn cứ địa cách mạng miền đông của huyện Tuy Hòa 1. Trong chiến tranh, nơi đây Mỹ ném bom rất khốc liệt, bộ đội ta hy sinh nhiều. Căn cứ địa cách mạng này gồm nhiều tảng đá chồng lên nhau, tạo ra nhiều hang động, là nơi che chở, bảo vệ lực lượng của cách mạng.

(Còn nữa)

PHAN THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek