Thứ Bảy, 21/09/2024 14:52 CH
Hình tượng đá trong văn học dân gian và đương đại
Thứ Ba, 30/08/2011 08:00 SA

Sống hàng ngàn đời ở xứ sở có nhiều đá, vui chơi giải trí bằng những nhạc cụ đá và đến khi chết cũng nằm trong đá (mộ đá), có phải vì thế mà người dân Phú Yên có cách nghĩ, cách ứng xử, cách hành động thích nghi với môi trường sống. Chính môi trường, cảnh quan thiên nhiên xung quanh con người ở nơi đây đã thẩm thấu vào tâm tư tình cảm của họ tự khi nào không rõ, để rồi mỗi khi đi xa họ lại nhớ đến quê nhà.

da bia-110830.jpg
Đỉnh Đá Bia trong mây - Ảnh: NGỌC THẮNG

Trong sâu thẳm của tâm hồn và khi cảm xúc dâng trào, ai đó cũng có thể tạo nên những vần thơ, lời ca điệu múa hoặc những chuyện kể dân gian. Năm tháng trôi qua, những sáng tạo đó được các thế hệ kế tiếp nhau gọt giũa, sàng lọc để rồi trở thành những sáng tạo chung. Đó là những di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng…

Trong kho tàng văn học từ truyền thống đến đương đại ở Phú Yên có không ít câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ, hò vè …đề cập đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội được thông qua hình ảnh đá. Đó là những địa danh núi, sông, đầm vịnh; hoặc là những kinh nghiệm để nhận biết thời tiết, kinh nghiệm miền sông nước, cũng có khi là những lời răn dạy cách đối nhân xử thế...

Văn hóa là lối sống, thế ứng xử với môi trường tự nhiên và môi sinh xã hội. Có thể dẫn chứng một số nội dung thuộc thể loại văn học dân gian địa phương còn được lưu truyền đến nay và những sáng tạo văn học nghệ thuật đương đại, để minh họa những sáng tạo lấy cảm xúc sáng tác từ những di sản đá tự nhiên hoặc những cảnh quan thiên nhiên đẹp, hùng vĩ.

+ Nội dung liên quan đến địa danh (núi, sông, gành, bãi, hòn…):

Anh hỏi em cột phướn ai trồng?

Đá Bia ai dựng, gành Rồng ai xây?

Hay

Mũi nạy có hòn Đá Bia / Bãi Nồm nằm trước dựa kề Vũng Rô.

Qua một câu ca dao cũng có thể giúp người ta hiểu được về nguồn gốc của địa danh và những tình cảm chứa đựng trong lời trêu cợt nhau:

Gành đá ăn cá bỏ đầu

Xóm Bầu thấy vậy xỏ xâu đem về…

Những lời trên nghe qua tưởng chừng họ chê bai, hạ thấp nhau, nhưng không phải vậy, đây là những lời tâm sự của những người thâm tình. Xóm Bàu và xóm gành Đá ngày trước đều thuộc thôn Mỹ Hòa, xã Hòa Thắng. Mương dẫn thủy và tỉnh lộ đã chia gành Đá, xóm Bàu ra làm hai xóm. Nhưng không vì thế mà chia cách tình cảm trai gái trong làng, họ chơi với nhau rất thân, từ chỗ thân tình mới có những câu ca dao chan chứa nỗi đồng cảm như vậy.

Sáng tác văn học dân gian còn phản ánh những hình ảnh rất đẹp của làng quê Phú Yên. Trong đó yếu tố núi, sông luôn hòa quyện, đan xen vào nhau, tạo nên bức tranh phong cảnh sơn thủy hữu tình làm đắm say lòng người. Ở đây cảnh quan thiên nhiên trở thành đối tượng phản ánh của văn học nghệ thuật với bao nỗi vương vấn trong tình cảm nhớ thương khôn nguôi:

Sông Bàn Thạch quanh co uốn khúc

Núi Đá Bia cao vút tầng mây

Sông kia núi nọ còn đây

Mà người non nước giờ đây phương nào

Ở một góc nhìn khác, dòng sông là tấm gương phản chiếu hiện thực, nhưng không bao giờ tách rời những hình ảnh thân quen đã trở thành biểu tượng của thiên nhiên, của văn hóa một vùng đất:

Sông Cầu, sông Cái, sông Ba

Vào sông Bàn Thạch lộng tòa Đá Bia.

(Còn nữa)

 

Thạc sĩ NGUYỄN HOÀI SƠN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek