Thứ Bảy, 21/09/2024 15:25 CH
Hòa Quang quê tôi
Thứ Bảy, 13/08/2011 16:14 CH

Hòa Quang quê tôi là xã đồng bằng trù phú của vùng châu thổ sông Ba, tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ. Xã gồm 13 làng bao quanh núi Miếu, nơi sinh ra nhiều người con anh hùng, góp công giải phóng quê hương và xây dựng đất này giàu đẹp.

hqbac110813.gif

Tuyến đường chạy ngang núi Miếu đã được nhựa hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương

Tuổi thơ tôi là những ngày cùng lũ trẻ trong xóm đội nắng chăn trâu trên đồng, những trưa về đói bụng chia nhau lùng sục khắp rẫy sắn đã thu hoạch để mót từng củ còn sót lại và tìm một góc ruộng chụm đầu vào nhau nhóm lửa nướng ăn qua bữa. Nhọc nhằn nhất là những ngày mưa lụt, nước dâng cao lấp xấp ngực, chúng tôi phải vắt quần lên vai, đội cặp sách trên đầu để đến trường. Và vui nhất là vào những đêm hè, dưới ánh trăng vàng vằng vặc, bên ấm trà nghi ngút khói, chúng tôi nghe các chú, các bác kể về những trận đánh ác liệt tại núi Tranh, về những người mẹ kiên cường nuôi giấu cách mạng, những em nhỏ sớm có lòng yêu nước tham gia truyền tin liên lạc cho cách mạng... Cô Bốn tôi kể, trẻ con hồi ấy không vô tư như chúng tôi bây giờ, chỉ mới 12, 13 tuổi đã có tinh thần yêu nước, căm thù giặc. Thời ấy, ngoài việc đi học, cô và nhiều bạn bè trong xóm còn tham gia vào cơ sở quân báo của Huyện đội. Công việc hằng ngày là lân la dò hỏi chúng bạn có cha và người thân trong gia đình đi lính ngụy để thu thập thông tin liên quan đến địch như: đóng quân ở chỗ nào, bao nhiêu lính và ghi lại tên của lính ngụy để báo cáo cho cách mạng. Ngoài ra, họ còn làm thêm nhiệm vụ thu gom đạn của lính ngụy hay tiếp tế thuốc tây, muối cho quân cách mạng.

Nằm trong vùng tranh chấp nên Hòa Quang liên tục hứng chịu nhiều trận mưa bom bão đạn, nhiều đợt càn quét mà khi kết thúc thì cả cỏ cây cũng khó lòng sống nổi. Dù vậy, người dân quê tôi vẫn kiên cường bám đất, bám làng và âm thầm nuôi giấu nhiều chiến sĩ cánh mạng, truyền tình yêu quê hương từ thế hệ này sang thế hệ khác để góp phần làm nên ngày đại thắng năm 1975 của toàn dân tộc. Và khi chiến tranh đi qua, ý chí, sức mạnh ấy một lần nữa bùng lên để góp sức xây dựng cuộc sống, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Cậu tôi, ông Trần Ngọc Thứ, nhớ lại: “Ngày ấy, khi đất nước vừa thống nhất, làng mình chẳng còn một nếp nhà lành lặn, ruộng vườn xơ xác, đời sống bà con rất khó khăn. Nhiều người phải vào rừng đào khoai khai về ghé cơm ăn qua bữa. Những đứa trẻ chưa kịp lớn phải theo ba mẹ lên rừng chặt củi, đêm đêm bì bõm dưới đồng châm lươn, bắt cá… Nhưng với niềm vui đại thắng, bà con xắn tay cùng nhau dựng lại nhà, cải tạo ruộng đồng, vườn tược, bắt tay vào công cuộc xây dựng quê hương.

Sau ngày giải phóng, Hòa Quang là xã đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới và văn hóa mới ở cơ sở, là địa phương đầu tiên sử dụng quỹ miễn thuế nông nghiệp một năm để xây dựng mạng lưới điện, đạt yêu cầu điện khí hóa nông thôn đầu tiên của tỉnh Phú Yên. Ánh sáng điện tỏa khắp xóm làng. Vào mỗi buổi tối, lũ trẻ chúng tôi vui đợi để được xem ti vi…

Năm 2001, con đường nối từ thôn Đồng Mỹ đến quốc lộ 25 ngày nào lũ trẻ chúng tôi bì bõm đến trường, giờ đã được nâng cấp thành đường bê tông nhựa phẳng lì. Đến năm 2003, Hòa Quang được chia thành hai đơn vị hành chính cấp xã là Hòa Quang Bắc và Hòa Quang Nam, ranh giới là đường ĐH22. Hai xã như anh em song hành cùng tiến lên trong xây dựng cuộc sống mới, đẩy lùi đói nghèo.

Đến giờ, khi mấy anh em chúng tôi đã có gia đình và việc làm ổn định, mỗi người chọn cho mình một vùng đất mới để làm quê hương thứ hai, nhưng những ký ức về một thời ngụp mương bắt cá, xắn quần bắt cua; hè đến tìm đến các vùng đồi để chặt bạch đàn thuê, gom góp tiền đổi gạo thổi cơm để đi hết chặng đường học chữ vẫn không thể nào quên.

Những người con xa quê nếu có dịp về thăm, sẽ cảm nhận được sự thay da đổi thịt của Hòa Quang hôm nay. Những con đường thảm nhựa nối làng trên xóm dưới, nhà cao tầng mọc lên san sát, trường học lụp xụp ngày nào giờ được xây dựng hai tầng khang trang. Bà con đã biết đưa khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, đưa năng suất các loại nông sản tăng cao. Vào mùa thu hoạch, mẹ tôi không phải đập lúa, cha giã gạo, do nhiều nhà đã sắm được máy cày, máy tuốt, giảm bớt sức lao động cho người nông dân…

Hòa Quang Bắc hiện có nhiều gia đình đã thoát nghèo từ chăn nuôi đại gia súc, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp, trồng rừng... Và sắp tới đây, khi dự án Khu Nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên của tỉnh đưa vào hoạt động sẽ tạo điều kiện cho người dân địa phương tiếp cận kiến thức khoa học kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Với những gì đã cống hiến trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, cùng với sự tiến lên xây dựng cuộc sống mới, xã Hòa Quang (Hòa Quang Nam, Hòa Quang Bắc) đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới. Đây là niềm vinh dự, tự hào để chính quyền và người dân hai xã vững bước tiến lên xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

KIÊN CƯỜNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek