Thứ Bảy, 21/09/2024 15:42 CH
Ngôi trường mang tên người mở đất
Thứ Tư, 10/08/2011 18:00 CH

Thầy gọi điện, giọng hăm hở:

 

- Hồi nào rảnh, em ghé lại chơi nghen! Thầy vừa in quyển sách.

 

- Dạ, em sẽ đến thầy ạ.

 

Khi tôi đẩy cánh cửa sắt màu xanh, thò đầu vào nhà và gọi váng lên “Thầy ơi! Thầy ơi!”, liền gặp ngay nụ cười hiền hậu của thầy. Bao giờ cũng vậy, thầy chẳng khi nào trách móc vì sao mãi đến giờ tôi mới tới.

 

anh-truong110810.jpg

Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh tại 05 Phan Lưu Thanh, TP Tuy Hòa - Ảnh: T.LIỆU

Hai thầy trò ngồi trên bộ ghế gỗ. Thầy mang quyển sách ra giới thiệu rồi say sưa nói về công trình nghiên cứu mới vừa được xuất bản. Và tôi thấy mình trở lại làm đứa học trò nhỏ ở ngôi trường cấp 3. Ngôi trường mang tên Lương Văn Chánh - người đã đưa lưu dân vào khẩn hoang vùng đất trải dài từ đèo Cù Mông đến đèo Cả, hình thành nên những làng mạc trù phú, đặt nền móng để rồi năm 1611, Phú Yên có mặt trên bản đồ hành chính nước Việt.

 

Ngôi trường cấp 2 chuyên tôi học cũng mang tên Lương Văn Chánh. Trường nằm khiêm nhường trên một con đường cùng tên, ngay trung tâm TX Tuy Hòa, với khoảng sân chật hẹp. Mỗi lần có tiết Thể dục, thầy trò lại rồng rắn kéo ra đường. Rất may là hồi ấy, con đường đất ngang qua trường tôi ít có xe cộ qua lại, và cũng không ai thắc mắc tại sao chúng tôi “lấn chiếm” lòng lề đường để học hành.

 

Trường của chúng tôi là một ngôi trường nghèo. Dù vậy, trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia, học sinh trường tôi đều đặn đoạt giải.

 

Lên cấp 3, chúng tôi tiếp tục học trường chuyên, và ngôi trường mới này thậm chí còn… nghèo hơn. Minh chứng rõ nhất là trường chưa có cơ sở, phải mượn tạm 10 phòng học ở phía bắc trường Nguyễn Huệ để giảng dạy vào buổi chiều. Đó là một dãy nhà cấp 4 đã mệt nhoài vì mưa nắng, sân trường cũng chẳng có chút gì gọi là thi vị. Thế nhưng chúng tôi, những học sinh “con nhà nghèo”, nhanh chóng làm quen với nơi này. Và, thực tình mà nói, những điều thú vị hoàn toàn nằm trong những giờ học chứ không thơ thẩn ngoài cửa sổ, vì các thầy cô giáo ở trường tôi giảng bài rất hay.

 

Khi tôi vào lớp 10, năm 1991, Trường cấp 3 chuyên Lương Văn mới có… 2 tuổi với gần 30 giáo viên, do thầy Phan Long Côn làm hiệu trưởng. Cả trường hồi đó chỉ trên dưới 200 học sinh. Lớp 10 Văn của chúng tôi có sĩ số khiêm nhường nhất: 18 học sinh, trong đó có đến 13 “tóc dài”. Lớp Văn cho nên giáo viên chủ nhiệm đương nhiên là giáo viên Văn. Đó là thầy Nguyễn Đình Chúc, một ông giáo cao lớn, vầng trán cao, giọng nói trầm ấm, hiền khô, cặp kính lão trễ trên sống mũi. Khác với các thầy cô giáo khác, thầy gọi chúng tôi là trò. Kiến thức của thầy rất rộng, cách giảng dạy không hề gò bó. Rất nhiều khi trong lúc giảng, thầy đưa cả lớp đi từ dòng văn học này sang dòng văn học khác, từ nền văn hóa này sang nền văn hóa khác. Điều đó khiến chúng tôi thích thú. Đặc biệt, thầy yêu cầu mỗi học sinh phải có quyển “Sổ tay văn học”, trong đó “cập nhật” những bài thơ, đoạn văn do chính mình sáng tác, trò nào không sáng tác được thì ghi cảm nhận về những tác phẩm mà mình yêu thích. Mỗi khi kiểm tra bài, thầy không quên kiểm tra “Sổ tay văn học”. Ngay cả khi đã thuộc bài làu làu, chúng tôi vẫn bị quở trách và đừng hòng đạt điểm cao nếu “Sổ tay văn học” không có gì mới. Sau này nghĩ lại, tôi nhận ra rằng bằng cách này, thầy đã âm thầm gieo những hạt mầm văn chương vào tâm hồn của chúng tôi.

 

Sau “Sổ tay văn học” là đến tờ báo tường mang tên Vườn ươm, nơi chúng tôi tha hồ “xuất bản” các sáng tác của mình. Và đó cũng là nơi, sau khi trình làng những bài thơ hay, lớp trưởng Nguyễn Quốc Khương “xuất bản” một bài thơ châm chích các bạn gái hay ăn quà vặt. Không cần diễn tả cũng có thể hình dung sự phẫn nộ của 13 “tóc dài”. Tôi lập tức làm một bài thơ công kích “hắn”, “tương” lên Vườn ươm. Chuyện đến tai thầy Chúc. Thầy gỡ hai bài thơ xuống rồi “quạt” hai đứa một trận.

 

Nhà thầy có một tủ sách chứa đựng rất nhiều tác phẩm văn học cổ - kim, đông - tây. Thầy luôn sẵn lòng cho chúng tôi mượn và sẽ rất vui nếu chúng tôi tự giác hỏi mượn. Nhưng phần lớn chúng tôi lúc đó ham chơi hơn ham đọc. Chỉ có một người lặng lẽ “ngấu nghiến” từng quyển sách văn học của thầy, từ Bến không chồng của Dương Hướng, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh… đến Nhà thờ Đức Bà Paris, Những người khốn khổ của Victor Hugo. Đó là Nguyễn Quốc Khương (lại là “hắn”)! Và tôi đồ rằng đấy là một trong những chất xúc tác để “hắn” đoạt giải ba kỳ thi học sinh giỏi Văn toàn quốc năm học 1993-1994.

 

Bốn năm sau, cầm tấm bằng đỏ, thủ khoa Khoa Báo chí Trường đại học Khoa học xã hội - Nhân văn TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Quốc Khương về Báo Phú Yên. Và trong gần 12 năm, bạn tôi, lớp trưởng lớp Văn ngày nào, đã làm việc cật lực ở cơ quan cách nhà gần 20 cây số, sáng đi tối khuya mới về.

 

Tôi cứ ngỡ ngày ngày mình sẽ gặp “hắn”, học nhiều điều từ “hắn” và… cãi cọ với hắn, thế nhưng tháng 7 vừa rồi, “hắn” đầu quân về Báo Tuổi Trẻ, với mong muốn giản dị nhưng cũng rất lãng mạn và không dễ thực hiện chút nào: LÀM NGHỀ.

 

*

 

In đậm trong tôi suốt những năm học ở Trường Lương Văn Chánh là hình ảnh các thầy cô giáo. Tôi nhớ sự dịu dàng, quan tâm và cả sự nghiêm khắc của cô Hà, nhớ giọng Bắc và nụ cười hiền hậu của cô Hồng, cô Xuân Hương, nhớ dáng vẻ tươi tắn xinh đẹp của cô Ngọc - các cô giáo dạy Văn mà chúng tôi gắn bó trong những năm học cấp 2, cấp 3; nhớ sự thanh lịch và những tiết học môn Sinh học đầy thú vị với cô Lý, nhớ nét duyên dáng và cả sự nghiêm khắc của cô Trân với những tiết học môn Lịch sử thật hào hứng… Và nhớ thầy Hoàng Cảnh - người có khả năng “thôi miên” học sinh hàng giờ liền. Khi thầy kết thúc bài giảng, chúng tôi vẫn còn rưng rưng xót xa cho lão Hạc, vẫn thương cảm cho anh trí thức Hộ trong Đời thừa, vẫn thương đứt ruột bà cụ nghèo khó trong Một bữa no… Tôi đồ rằng chính những tiết dạy của thầy đã làm tôi mê mẩn dòng văn học hiện thực phê phán hơn hết thảy các dòng văn học khác. Hồi đó thầy Hoàng Cảnh vẫn còn là giáo viên Trường Ngô Gia Tự, chúng tôi học thầy sau khi được tập trung vào đội tuyển dự thi học sinh giỏi cấp quốc gia.

 

hs110810.jpg

Lớp 12 chuyên Văn niên khóa 1993-1994, học tại Trường cao đẳng Sư phạm Phú Yên, nay là Trung tâm Giáo dục thường xuyên Phú Yên. Cô giáo chủ nhiệm Đặng Thị Xuân Hương (đứng thứ tư, từ phải sang). Nguyễn Quốc Khương đứng đầu tiên, từ phải sang. - Ảnh: T.LIỆU

Năm học 1993-1994, trường cấp 2 và cấp 3 chuyên hợp nhất thành Trường phổ thông cấp 2-3 chuyên Lương Văn Chánh, do thầy Nguyễn Văn Tăng làm hiệu trưởng. Khi ấy trường có gần 600 học sinh với 20 lớp chuyên; cấp 2 vẫn học tại 05 Lương Văn Chánh, cấp 3 học tại Trường cao đẳng Sư phạm Phú Yên, vào buổi chiều. Sau khi tan học, chúng tôi thả những bước chân nhẹ nhõm trên đường Lê Trung Kiên (hồi đó chưa có hàng hoa sữa nồng nàn như bây giờ), thấy lòng mình thênh thang khi từ tháp chuông cao vút, tiếng chuông nhà thờ thánh thót rót vào thinh không.

 

Một năm sau khi chúng tôi vào đại học, Trường chuyên Lương Văn Chánh mới có cơ sở riêng khang trang tại 05 Phan Lưu Thanh (phường 7, TP Tuy Hòa). Năm học 1998-1999, khối cấp 2 tách ra, thành lập Trường THCS Lương Thế Vinh, khối cấp 3 trở thành Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh.

 

*

 

Những ai từng là học trò Lương Văn Chánh đều tự hào về ngôi trường trung học đầu tiên ở Phú Yên, được thành lập từ năm 1946. Ngôi trường ấy đã trải qua biết bao thăng trầm với nhiều lần thay đổi địa điểm từ Tuy An đến Tuy Hòa trong những năm khói lửa bời bời, nhiều lúc phải học tạm ở đình chùa hoặc nhờ vào nhà dân song vẫn không ngừng phấn đấu, cống hiến cho đất nước, cho tỉnh nhà nhiều thế hệ học trò ưu tú.

 

Trên mảnh đất mà Phù nghĩa hầu đã có công khai khẩn, mỗi khi nhắc đến ngôi trường mang tên ông, người ta nghĩ ngay đến những học sinh giỏi cấp quốc gia, những trí thức, nhà khoa học, nhà thơ… đang đóng góp trí tuệ trên các lĩnh vực, những tiến sĩ giảng dạy tại các trường đại học danh tiếng ở nước ngoài, những sinh viên được trao học bổng du học, trở thành tiến sĩ ở tuổi 26, 27.

 

Nhưng còn những giá trị khác khuất lấp dưới bề dày thành tích. Bằng tấm lòng, bằng sự tận tụy và bằng nhân cách của mình, các thầy cô giáo Trường Lương Văn Chánh đã dạy học trò bài học làm người. Bước ra từ ngôi trường ấy, bên cạnh những người thành đạt còn có rất nhiều người sống một cuộc sống bình thường, không được nhiều người biết đến. Nhưng họ trung thực, chăm chỉ làm việc, biết quan tâm đến người khác, quan tâm đến cộng đồng… Bấy nhiêu đó thôi, với những người thầy, đó đã là một thành công lớn.

 

Bằng tình yêu thương và cả một đời tận tụy, các thầy cô giáo Trường chuyên Lương Văn Chánh đã giúp học trò có cái nhìn sáng đẹp về cuộc sống. Những người thầy sau hơn chục năm vẫn giữ bài tập làm văn của học trò, thi thoảng lại gọi điện hỏi thăm, chúc mừng khi học trò có tin vui, động viên khi học trò gặp giông bão như thầy Chúc, cô Hồng, thầy Côn; những người thầy với quan niệm không chỉ thương học trò giỏi mà còn phải thương, quan tâm hơn đến trò yếu kém như thầy Hoàng Cảnh. Họ như ngọn lửa để mỗi khi va vấp, thất vọng, mỗi khi chạm vào cái lạnh giá khắc nghiệt của cuộc sống, học trò lại nghĩ về họ và thấy lòng ấm áp hơn.

 

Thời gian trôi, quê hương Phú Yên ngày một đổi mới. Cùng với sự phát triển, Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh sẽ có những phòng học khang trang, hiện đại, sẽ có nơi lý tưởng để học sinh rèn luyện thể lực, chơi các môn thể thao, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, văn nghệ… Và học sinh Lương Văn Chánh sẽ chinh phục những đỉnh cao tri thức.

 

Từ ngôi trường ấy sẽ có những người thành đạt, nổi tiếng, có những người tìm niềm vui trong công việc, cuộc sống bình thường. Điều quan trọng là họ sẽ không quên bài học LÀM NGƯỜI mà các thầy cô đã dạy: sống trung thực và biết yêu thương!

 

PHƯƠNG TRÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek