Thứ Bảy, 21/09/2024 16:29 CH
An Xuân vươn mình
Thứ Bảy, 23/07/2011 08:00 SA

Tôi trở về An Xuân (huyện Tuy An) trong những ngày hè tháng 7, nắng lụa vàng giăng khắp ngõ xóm. Nhớ nôn nao cái cảm giác của hai năm trước, khi còn là sinh viên tình nguyện, cũng vào thời điểm này, lần đầu tiên tôi đặt chân đến vùng đất này. Nắng, gió của cao nguyên Vân Hòa cứ mơn man tưới mát tâm hồn của mỗi chiến sĩ áo xanh chúng tôi. Tuy quen biết với An Xuân chưa lâu, nhưng tôi đã trót nặng nợ và xem đây như quê hương tươi đẹp thứ hai của mình.

 

dua-ngua-an-xuan110723.gif

Lễ hội đua ngựa trên gò Thì Thùng - Ảnh: D.T.XUÂN

 

VÙNG ÐẤT GIÀU NÉT ÐẶC TRƯNG

 

Ngày tôi lần đầu đặt chân đến An Xuân, con đường núi độc đạo từ xã An Nghiệp lên đây còn gập ghềnh, khúc khuỷu, chưa được nhựa hóa như bây giờ. Mỗi lần có ô tô nào đi qua, bụi lại bay mịt mùng và quết đầy vào quần áo người đi đường. Cho nên, những ngôi nhà hai bên đường lớn dù được phả màu sơn đẹp đến đâu, cũng bị phết lên gam màu đỏ đặc trưng của vùng đất nơi đây.

 

Nằm ở độ cao 300 - 420m so với mặt nước biển, nên không khí của An Xuân cũng thật khác. Buổi trưa, pha trong màu nắng vàng là hơi mát tỏa ra từ núi đồi nơi vùng cao, còn buổi sáng và tối, trời lại có sương mù và se se lạnh. Người dân An Xuân từ bao đời nay đã không quen dùng quạt máy. Còn nhiều du khách đặt chân đến đây, lại tưởng mình đang lạc vào một phố núi với những đồi hoa sim tím, con đường đất đỏ vòng vèo, và cao nguyên xanh bạt ngàn cỏ, sắn… Từ điểm cao nhất gò Thì Thùng ở vùng 2, người ta có thể quan sát được bảy thôn của xã An Xuân và cả các vùng lân cận như: thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân); Tiên Châu (huyện Tuy An); TX Sông Cầu…

 

Những ngày thường, An Xuân như cô gái vùng cao thu hút hồn lữ khách bằng vẻ e ấp như sương núi, mộc mạc như đóa hoa sim rừng. Còn trong những ngày lễ hội, An Xuân là một điểm đến thú vị và hấp dẫn. Trong dịp đón năm mới, đông đảo người dân lại hội tụ về gò Thì Thùng để tham gia hội đua ngựa. Ngựa đua không phải là những “chiến mã” chuyên nghiệp, mà là những chú ngựa hàng ngày cùng người dân lên rẫy, thồ hàng. Còn người dân thường ngày chân lấm tay bùn, lem luốc trên ruộng lúa và nương rẫy, hóa thân thành những kỵ sĩ dũng mãnh trên lưng ngựa. Không ai biết hội đua ngựa nơi đây xuất hiện từ bao giờ. Chỉ biết rằng mỗi độ tết đến xuân về, cũng là khoảng thời gian kết thúc một năm lao động mệt nhọc, các nam thanh niên lại dắt ngựa ra gò Thì Thùng tổ chức đua. Năm 2006, Sở VH-TT-DL Phú Yên quyết định đưa Hội đua ngựa gò Thì Thùng trở thành một trong những hoạt động truyền thống trong dịp Tết và lấy ngày mùng 9 Tết hàng năm để tổ chức. 

 

CĂN CỨ ÐỊA CÁCH MẠNG VỮNG CHẮC

 

Ấn tượng về mảnh đất An Xuân trong tôi không chỉ là những con đường đất đỏ bazan biến thành bùn nhão dính chặt gót giày, tựa hồ muốn níu chân du khách mỗi đợt mưa về, hay những đồi sim tím ngơ ngác buồn và những thung lũng bồng bềnh trong sương núi, mà còn vì nơi đây một thời đã ghi đậm bao chiến công oanh liệt của quân dân Phú Yên. Địa đạo gò Thì Thùng sâu khoảng 5m, dài gần 2km với nhiều lớp chiến hào cùng hệ thống hầm chỉ huy, đài quan sát, hầm chứa lương thực, vũ khí, nước uống dự trữ… là nơi ghi dấu kỳ tích của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Khởi công từ tháng 5/1964, hàng ngày vào khoảng bốn giờ chiều, hơn 500 nhân công là người dân địa phương và các xã lân cận lại lặng lẽ mang theo cuốc, xẻng, xà beng, ky đổ đất, đèn lồng đi đào địa đạo. Suốt hơn một năm kiên trì bền bỉ, với ý chí và nghị lực phi thường của quân và dân, tháng 8/1965, công trình địa đạo gò Thì Thùng hoàn thành. Toàn bộ công trình có 486 giếng đào, tổng số công huy động trên 111.980 ngày công. Trong những năm chống Mỹ cứu nước, nhờ có địa đạo gò Thì Thùng, quân ta đã chủ động tổ chức lực lượng ém quân chờ sẵn và đồng loạt đánh phủ đầu bọn địch ngay khi chúng đổ bộ xuống An Xuân.

 

Nếu như trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân An Xuân đã nuôi giấu, chở che nhiều cán bộ cấp cao của Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ như: Phạm Văn Bạch, Lê Thanh Sơn… thì trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân nơi đây được sự hỗ trợ của Trung đoàn Ngô Quyền và Trung đoàn Trần Hưng Đạo đã bẻ gãy “Cuộc phản công chiến lược mùa khô năm 1966” của kẻ thù. Nhiều thế hệ bộ đội Cụ Hồ từng được nuôi giấu tại đây đã mến thương gọi An Xuân là đất mẹ anh hùng, ví mình như những đứa con bé bỏng. Họ còn truyền nhau câu hát thắm tình nghĩa: “An Xuân quê mẹ anh hùng - Khi xa nhớ mẹ, khi về mẹ nuôi”.

 

Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, nhiều thế hệ cách mạng đã trưởng thành trên quê hương An Xuân. Hơn 200 liệt sĩ đã ngã xuống để giữ lấy màu xanh cho cao nguyên Vân Hòa. 30 thương binh may mắn còn sống sót, đang viết tiếp bài ca anh bộ đội Cụ Hồ trong thời đại mới bằng những mô hình kinh tế giỏi. Nơi đây, còn có 22 Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã có chồng và con hy sinh trên khắp các chiến trường.

 

anxuan1110723.gif

Đường về An Xuân đã được nhựa hóa - Ảnh: H.KIỀU

 

ÐỊA CHỈ ÐỎ TRONG TƯƠNG LAI

 

Về An Xuân hôm nay, màu xanh của mía và sắn trải dài ngút mắt trên địa đạo gò Thì Thùng. Những hố bom thù hận của kẻ thù đã được cán bộ, đảng viên và nhân dân nơi đây san lấp lại. Tiếng học bài bi bô của các em học trò rộn ràng khắp xóm nhỏ. Người mẹ nuôi quân mùa hè xanh một thời nồng hậu mời mọc chúng tôi nán chân dùng bữa trưa với canh gà lá dít đặc sản nơi đây. Những chuyến xe thồ chở củi, bơ, mít, những chiếc xe tải chở bẹ chuối, mía… nối tiếp nhau bon bon trên con đường phả dầu láng bóng. Cuộc sống mới đang từng ngày đổi thịt thay da trên nông thôn mới An Xuân.

 

Hai năm trước, tôi và những người bạn “áo xanh” của mình đã được sống chung dưới mái nhà ấm áp và nồng hậu với những người mẹ, người bà tại cao nguyên Vân Hòa hơn một tháng. Ấn tượng đặc biệt gắn với mảnh đất này là một lần theo chân các anh bộ đội và thanh niên trong xã chui vào các ngõ ngách của địa đạo gò Thì Thùng. Chiều rộng của hầm chỉ 0,8m, đất trong lòng hầm lại ẩm thấp, nên chui ra, mặt mũi và quần áo đứa nào cũng lấm lem bùn đất, nhìn nhau cười giòn trong nắng. Có chui hết địa đạo Thì Thùng, mới thấy được chiều sâu thăm thẳm của lòng căm thù, ý chí bất khuất của “vùng đất thép” này. Ngày 3/2/2009, nhân kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, địa đạo gò Thì Thùng đã vinh dự đón nhận Bằng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Tuy nhiên, một điều đáng buồn là hơn hai năm được công nhận, nơi đây vẫn chưa được tôn tạo, đầu tư và nâng cấp xứng đáng với công sức của những người đi trước đã từng bỏ ra. Thậm chí, do chưa được đền bù đất trong vùng quy hoạch, nên một số người dân đã biến nơi đây thành những khu đất canh tác sắn. Nhìn cửa hầm địa đạo gò Thì Thùng bị cây cối chắn lối, đường vào hầm ẩm thấp, tôi chạnh lòng nhớ về những lần đến thăm địa đạo Củ Chi ở TP Hồ Chí Minh. Giá như có sự đầu tư xứng đáng, từ việc quy hoạch phần đất của gò địa đạo gò Thì Thùng, tu bổ lối vào và lòng hầm, đến việc xây dựng một nhà tưởng niệm, trưng bày các kỷ vật kháng chiến, tập hợp những người đã từng tham gia đào hầm hoặc những người đã từng chiến đấu tại chiến trường An Xuân thành một đội hướng dẫn viên; kết hợp với các công ty du lịch, mở các dịch vụ và các tour du lịch tham quan… chắc chắn trong tương lai, nơi đây sẽ trở thành địa chỉ đỏ, nơi giáo dục truyền thống cách mạng hào hùng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau của Phú Yên nói riêng và cả nước nói chung.

 

HÀ KIỀU MY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek