Thứ Bảy, 21/09/2024 17:57 CH
Bài tham gia cuộc thi “Phú Yên - Ký ức và ước vọng”:
Tuy Hòa của tôi
Thứ Tư, 20/07/2011 18:00 CH

Mấy ngày nay, chị ở Sài Gòn gọi điện thoại về nhắc má làm cho một ít mắm cá ồ. Qua báo đài, chị biết mùa này ngư dân ở duyên hải miền Trung trúng cá ồ, cá ngừ dữ lắm. Biển êm thết đãi người dân xứ biển những khoang thuyền đầy ắp cá ngừ, cá nục, cá ồ. Buổi sáng, trên cảng cá phường 6, chị em phụ nữ í ới gọi nhau, nhanh tay bưng bê, phụ với cánh đàn ông chuyển từng ky cá về bến để kịp buổi chợ sáng. Tuy Hòa của tôi bây giờ nhộn nhịp hơn xưa.

 

cay-110720.jpg

Một góc Tuy Hòa hôm nay - Ảnh: K.CHI

Sáng thứ bảy, tôi theo má ra chợ mua chục cá ồ để về làm mắm cho chị. Má thương con gái một thân một mình xa nhà, vất vả mưu sinh nơi đất khách quê người, má cũng muốn tự tay làm mắm để con cái nhớ đến hương vị quê nhà. Chứ ở ngoài đường ngoài ngõ ăn cơm hàng cháo chợ riết rồi lại chẳng biết nấu một bữa cơm cho ra hồn. Sau này lập gia đình, về nhà chồng họ chê, lúc đó không biết giấu mặt vào đâu.

 

Theo má đi chợ, tôi thấy một cô bé chừng 8 tuổi đang giấu mình sau lưng mẹ, bẽn lẽn nhìn các bà, các chị mặc cả từng con cá mẹ bán, chợt thấy sao giống mình hồi nhỏ quá đỗi. Hồi ấy, những năm 1985, 1986, tôi trạc tuổi cô bé kia và hay theo chân má ra chợ Tuy Hòa bán cá. Hai mẹ con bày vài chục con cá mặn má muối trước đó mời các cô đi qua đi lại, loáng cái đã bán hết sạch. Bán nhanh, hai má con về sớm, má mua cho mình bịch kẹo thèo lèo để về cả nhà cùng ăn. Những năm đó, ba ngày ngày lái xe lam chở khách đi Phú Thứ rồi về. Tính ba cũng lạ, hành khách nào mang theo hàng hóa nặng nề là ba nhất định mời… đi xe khác. Vậy mà xe của ba lúc nào cũng đông khách, đi về lúc nào cũng có quà cho các con. Cứ chiều chiều, hai anh em tôi lại đứng trước cửa nhà nhìn ra bến xe lam, chỉ cần nghe tiếng bạch bạch bạch và thấy chiếc xe màu xanh lam quen thuộc là ù một cái, hai anh em thi nhau chạy đến chỗ xe ba đỗ để được ba chở về nhà, dù nhà cách đó chỉ mấy bước chân.

 

Trong ký ức của tôi vẫn chưa phai hình ảnh Tuy Hòa ngày nào. Hồi ấy, nhà tôi ở trong bến xe nội tỉnh, trước mặt nhà là bến xe ngựa. Đến bây giờ, dù có dịp đi đây đó nhiều nhưng tôi chưa thấy ở đâu có ngựa nhiều bằng Tuy Hòa. Chừng 2, 3 giờ sáng đã nghe tiếng xe ngựa lọc cọc về bến, mang theo bao nhiêu là hàng hóa từ các vùng quê Hòa Trị, Hòa Thành, Hòa Định về chợ Tuy Hòa để bán. Đó cũng là lúc má thức dậy, mang theo gánh mắm để theo xe ngựa về chợ Bầu Đục (huyện Phú Hòa ngày nay) để bán. Gánh mắm ấy đã theo má từ thời con gái cho đến khi lấy chồng. Và cũng bằng gánh mắm ấy, má đã nuôi cả gia đình với chín người con, mà giờ đây ai cũng thành đạt. Khi dãy phố Trần Hưng Đạo còn yên giấc ngủ thì má đã lên xe đi buôn bán. Lúc đó, những chiếc xích lô cũng chở hàng hóa, về chợ Tuy Hòa.

 

Tuy Hòa lúc ấy yên bình quá đỗi, những dãy phố rợp bóng cây xanh. Thoáng cái đã mấy chục năm trôi qua. Bến xe đã được thảm nhựa từ những năm 1996, 1997; xe ngựa cũng đã được chuyển dần về các bến ở quê. Hình ảnh những chiếc xe ngựa lọc cọc vào phố Tuy Hòa chỉ còn trong sách vở, văn thơ.

 

Tuy Hòa lúc ấy yên bình lắm! Mỗi sáng tôi lại theo chân các anh chạy bộ xuống biển, theo đường Nguyễn Huệ, ngang qua cầu số 6. Hai bên đường, những bông hoa dại và rừng dương dày ken nhìn rất hoang sơ. Sau khi Phú Yên tái lập tỉnh, nơi đây mọc lên nhà cửa san sát. Hồi trước, ai cũng ngán ngẩm khu vực hoang vu và đầy cát đó. Giờ đây, đất ở khu vực ấy (nay là phường 7) lại có giá cao ngất ngưởng. Nơi đó có những con đường dọc ngang như bàn cờ, có những dãy nhà khang trang.

 

Vui nhất là năm 1985, khi Nhà nước đổi tiền. Chưa bao giờ má lại mua đồ thoải mái cho mấy anh chị em trong nhà như thế. Sau này, hỏi ra mới biết, lúc ấy ba má cùng một số bà con khác không hiểu về chủ trương đổi tiền của Nhà nước, cứ sợ đổi tiền là thu hết tiền của mình nên có bao nhiêu tiền má đem về phân phát cho bà con cô bác họ hàng mỗi người một ít đổi dùm. Phần mình, má không biết làm sao, cứ thế xuống chợ Tuy Hòa mua sắm không biết cơ man nào là quần áo, vải vóc, mũ, dép cho các chị. Nhà có 5 chị em gái, má mua cùng một loại vải nhưng chỉ khác màu, mỗi chị em một bộ, rồi sắm sửa các vật dụng trong gia đình. Đến khi đổi tiền xong, cả nhà mới biết!

 

Khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, nhiều mặt hàng được buôn bán tấp nập. Bến xe ngày nào cũng rộn ràng bởi hàng hóa vô bến rồi xuống chợ hoặc được đưa lên xe chở về các huyện, các vùng quê trong tỉnh. Lúc đó, nông dân làm ruộng cũng khá nên phân bón được tiêu thụ khá mạnh. Má nhanh nhạy, chuyển từ việc đi bán mắm, cá về vùng quê, tích cóp từng đồng vốn để quay qua bán phân, xi măng. Nhờ đó gia đình cũng đỡ vất vả. Ông bà ta nói “Phi thương bất phú”, “Nhất cận thị, nhị cận giang” quả không sai. Ba má từ quê chuyển xuống Tuy Hòa những năm 1966, 1967, lúc ấy đất rộng, người ít, bao nhiêu vị trí không chọn, má chọn nhà gần chợ để dễ làm ăn, chứ ở quê biết lấy gì nuôi gia đình.

 

Nhờ vậy mà đại gia đình mới có ngày hôm nay.

 

Tuy Hòa thân yêu của tôi ngày càng thay da đổi thịt. Nhiều tuyến đường đẹp đã được xây dựng như đại lộ Hùng Vương, Trần Phú hay cây cầu Hùng Vương bắc ngang qua dòng sông Ba. Những tuyến đường nhỏ, khu “ổ chuột” ngày nào như xóm Cầu Máng, phường 6… nay đã được quy hoạch thành những tuyến đường rộng rãi, thành khu phố sầm uất, những ngôi nhà khang trang mọc lên…Tốc độ đô thị hóa ở Tuy Hòa khá nhanh, nhưng vẫn giữ lại được những nét đẹp xưa mà tâm điểm là Di tích danh thắng quốc gia tháp Nhạn.

 

Tuy Hòa bây giờ đã hơn 150.000 dân, người chính gốc có, người tứ xứ cũng có. Qua bao nhiêu năm khó nhọc mưu sinh, trong tim của rất nhiều người đã cảm nhận đây chính là nơi để gởi gắm tình yêu thương, là nơi để mỗi ngày đều sống hết mình. Cũng như khúc ruột miền Trung, Tuy Hòa chịu nhiều thiên tai, bão lũ; người Tuy Hòa tình cảm dạt dào.

 

Hơn ba mươi năm tôi được sinh ra và lớn lên ở Tuy Hòa, giờ đây và mãi mãi Tuy Hòa là quê hương tôi, nơi đã giúp cho tôi trưởng thành. Tuy Hòa trong tôi như một mối tình nồng nàn mà lặng lẽ thủy chung suốt cả cuộc đời…

 

KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek