Thứ Bảy, 21/09/2024 18:09 CH
Bài tham gia cuộc thi “Phú Yên - Ký ức và ước vọng”:
Sức sống mới ở Sơn Giang
Thứ Sáu, 15/07/2011 10:30 SA

Xã Sơn Giang có địa hình đồi núi xen lẫn các thung lũng ven suối, phía đông xã là sông Con, tiếp theo là vùng đồng bằng canh tác nông nghiệp. Độ cao bình quân 150-200m so với mặt nước biển, đồi núi có độ dốc khoảng 300, độ dốc thấp nhất khoảng 20. Với dạng địa hình này thì tương đối thuận lợi cho người dân canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp và sản xuất nông lâm kết hợp.

 

anh-The110715.jpg

Hồ Suối Thị - công trình “sống còn” đối với 90ha ruộng của các thôn Hà Giang, Tân Giang và Lộc Giang (xã Sơn Giang). Trong ảnh: Lãnh đạo UBND xã Sơn Giang kiểm tra hồ - Ảnh: H.H.THẾ

Xã Sơn Giang ở phía đông huyện Sông Hinh, có diện tích tự nhiên hơn 5.000ha, cách thị trấn Hai Riêng 10km, cách trung tâm TP Tuy Hòa 50km.

 

Sau giải phóng, mùa xuân 1975, khu vực Sơn Giang chỉ có 2 thôn: Nhiễu Giang (nay là thôn Phước Giang) và Hà Giang với trên 30 hộ, hơn 130 người. Dân cư sinh sống dọc theo tả ngạn sông Ba (hữu ngạn sông Ba là thôn Thạnh Hội thuộc xã Sơn Hà, nay là huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên). Người dân nơi đây trồng lúa rẫy và hoa màu. Muốn qua chợ huyện Củng Sơn, họ phải đi bằng đò. Trong xã chỉ có những con đường đất nhỏ hẹp, vắng vẻ hoang sơ và những đường mòn do người dân tự tạo.

 

Tháng 4/1979, Nhà nước xây dựng vùng kinh tế mới Nhiễu Giang đưa dân từ TP Nha Trang lên khai hoang lập làng kinh tế. Thời tiết khắc nghiệt, đa số người dân đến Nhiễu Giang lập nghiệp sau đó đều “chia tay” vùng đất mới do bệnh sốt rét và không quen lao động nặng. Có những hộ sau khi sử dụng hết phần trợ cấp của Nhà nước cũng lần lượt bỏ đi. Vùng đất vốn hoang sơ lại càng trống vắng, những ngôi nhà tranh tạm bợ xuống cấp do không có chủ. Những mảnh đất khai khoang loang lổ không theo quy hoạch, vạt sắn mỳ đèo đẹt không ai chăm sóc… đã tạo cho Sơn Giang lúc đó một hình ảnh thật buồn tẻ.

 

Ngày 19/7/1983, xã Sơn Gi­ang được thành lập. Sau 28 năm, kinh tế - xã hội ở địa phương này có nhiều đổi mới, đời sống của người dân trên địa bàn ngày càng được nâng lên.

 

NÔNG THÔN KHỞI SẮC

 

Sơn Giang là một xã còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với niềm tự hào về truyền thống cách mạng, sự cần cù chịu khó, Ðảng bộ và nhân dân Sơn Giang không ngừng nỗ lực vươn lên. Đặc biệt, trong năm 2011, xã được tỉnh chọn thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới. Sơn Giang đã và đang từng bước thực hiện mô hình, phấn đấu đạt kết quả cao trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, trở thành một trong những xã miền núi đầu tiên của huyện Sông Hinh được công nhận là xã nông thôn mới theo 19 tiêu chí của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn vào năm 2015.

 

Thời gian qua, Sơn Giang đã được Nhà nước quan tâm đầu tư từ các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia và dự án tài trợ khác, cũng như đã huy động được sức dân nên diện mạo của xã thay đổi rất nhiều. Nếu mức thu nhập bình quân đầu người của người dân Sơn Giang vào năm 2005 khoảng 5,5 triệu đồng/người/năm, thì nay đã tăng lên gần 12,8 triệu đồng/người/năm. Có kết quả này là nhờ địa phương biết vận dụng và phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Và, không thể phủ nhận rằng, sự quan tâm, hỗ trợ tích cực về khoa học kỹ thuật của ngành chuyên môn tỉnh, huyện, trong đó có công tác cải tạo, gia cố, nâng cấp các tuyến kênh nội đồng, các tuyến kênh chính để phục vụ tưới tiêu, bảo vệ ruộng đồng đã tạo điều kiện thuận lợi trong canh tác, từ đó năng suất cây trồng tăng lên đáng kể.

 

Từ vùng đất sản xuất một vụ lúa/năm, năng suất trung bình khoảng 3-4 tấn/ha, đến nay, phần lớn diện tích đất trồng lúa trong xã có thể canh tác được cả hai vụ lúa, năng suất bình quân khoảng 6 tấn/ha. Ngoài ra, nhiều người dân Sơn Giang còn dựa vào điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng nông nghiệp, mạnh dạn chọn lựa và nhân rộng mô hình canh tác cây trồng, vật nuôi phù hợp có lợi nhuận cao, thay vì độc canh cây lúa. Ðáng kể nhất là phong trào trồng sắn cao sản và mía đã đem lại lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với cây lúa trên cùng diện tích canh tác.

 

Cơ sở hạ tầng như: “điện, đường, trường, trạm” phục vụ nhu cầu cuộc sống, sức khỏe, nâng cao trình độ dân trí cho người dân nông thôn cũng được quan tâm đầu tư khá hoàn chỉnh. Toàn xã có gần 16km đường điện trung, hạ thế phục vụ cho hơn 98% số hộ dân ở đây. Xã có trạm y tế, 3 trường tiểu học, 3 trường mầm non, mẫu giáo và một trường THCS đạt chuẩn quốc gia. Ngoài ra, Sơn Giang có 7,5km đường nhựa, gần 4,5km đường bê-tông, khoảng 9km đường nội thôn được nâng cấp bằng đá cấp phối. Mạng lưới giao thông nông thôn khá đồng bộ đã góp phần khơi dậy tiềm năng thương mại - dịch vụ của xã nông nghiệp vùng núi. Bên cạnh chợ cũ (được xây dựng từ năm 1994 ở thôn Vạn Giang), chủ yếu buôn bán nông sản của người dân địa phương, Sơn Gi­ang đã xây dựng chợ mới với diện tích trên 300m2 ở thôn Nam Giang). Trong tương lai, đây sẽ là khu chợ khá sầm uất, là nơi buôn bán nhiều sản phẩm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, phục vụ nhu cầu của người dân trong và ngoài xã. Cùng với chợ mới, Bưu điện văn hóa xã tại thôn Nam Gi­ang (nằm trên trục đường ĐT645 và “cửa ngỏ” vào xã) cũng góp phần làm thay đổi diện mạo cho trung tâm xã.

 

HÀNH TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

 

Xã Sơn Giang hiện có 9 thôn, 1.133 hộ với 4.792 người; có 7 dân tộc anh em sinh sống, trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số, khoảng 76%, dân tộc Nùng: 9,87%, dân tộc Ba Na: 8,24%, dân tộc Tày: 4,7%, còn lại là dân tộc Dao, Chăm H’roi, dân tộc Hoa…

Hôm chúng tôi đến, Chủ tịch UBND xã Sơn Giang Phạm Quốc Thông vẫn còn bận rộn với việc chuẩn bị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và tất bật cùng với Đảng ủy chỉ đạo công tác Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn và thủy sản năm 2011. Ông Thông thổ lộ: “Ðạt được kết quả như ngày hôm nay là niềm tự hào của xã, nhưng không vì thế mà chúng tôi tự bằng lòng. Hơn lúc nào hết, bây giờ cần phải luôn giữ “lửa” trong mọi hoạt động để tiếp tục hành trình xây dựng xã nông thôn mới”.

 

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Chánh văn phòng UBND xã Sơn Giang, cho biết: Ngay sau khi Sơn Giang được chọn làm điểm về xây dựng nông thôn mới, UBND xã đã thành lập ban quản lý, tổ chức các buổi họp dân ở từng thôn, công khai minh bạch kế hoạch xây dựng nông thôn trước nhân dân, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của người dân. Lãnh đạo xã còn tranh thủ sự giúp đỡ của các sở, ban, ngành trong việc xây dựng một số mô hình sản xuất mới, chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất cây trồng, vật nuôi, tuyên truyền về nước sạch, vệ sinh môi trường; lắp đặt hệ thống chiếu sáng trên trục đường chính tại xã, mở lớp phổ biến ngành nghề tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ đào tạo nghề, vốn vay giải quyết việc làm và hỗ trợ xuất khẩu lao động…

 

Khó khăn hiện nay của xã là chưa thể xây dựng 11 tuyến đường giao thông nội thôn có tổng chiều dài khoảng 9km theo chuẩn của mô hình, hay xây dựng tường rào, hệ thống công trình phụ liên quan ở các trường… vì kinh phí khá lớn. Ðặc biệt, việc thực hiện tiêu chí quy hoạch và thực hiện quy hoạch (sử dụng đất, phát triển hạ tầng, khu dân cư...) rất quan trọng, vì công tác này sẽ giúp tạo nên “hình hài” xã nông thôn mới. Một khi quy hoạch từng vùng phù hợp với sản xuất cây trồng, vật nuôi thì sẽ khai thác tốt tiềm năng lợi thế về phát triển nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ. Ðể làm được điều này, Sơn Giang rất cần sự hỗ trợ của các sở, ngành tỉnh có liên quan và huyện, vì đội ngũ cán bộ của xã hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.

 

Ðể hoàn thành 19 tiêu chí theo bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới trong giai đoạn 2010-2015, ngoài sự quan tâm đầu tư, đôn đốc của ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của huyện, tỉnh, điều quan trọng nhất là tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, cùng đoàn kết, chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới. Chủ tịch UBND xã Sơn Gi¬ang Phạm Quốc Thông chia sẻ: “Ðây là bài học quý báu mà chúng tôi đã thực hiện theo lời dạy của Bác Hồ trong suốt thời gian qua: Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

  

HOÀNG HÀ THẾ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek