Thứ Bảy, 21/09/2024 17:42 CH
Trên trục dọc miền Tây
Thứ Sáu, 08/07/2011 10:00 SA

Một lần xuyên “miền Tây” trên con đường “xương sống” nối liền 3 huyện miền núi Sông Hinh - Sơn Hòa - Ðồng Xuân, tôi đã phần nào hiểu được ý nghĩa chiến lược của nó. Dọc theo trục đường “xuyên sơn” đang bước vào giai đoạn hoàn tất, một cuộc sống mới đang rất hối hả và phía trước là cả một tương lai tươi đẹp.

 

truc-2110708.gif

Trục dọc miền Tây nối Phú Yên với Đắk Lắk- Ảnh: T.MINH

 

CON ÐƯỜNG Ý ÐẢNG - LÒNG DÂN

 

Nhiều người dân bao đời sống ở vùng “miền Tây” này cũng không nghĩ rồi một ngày sẽ có con đường thông suốt 3 huyện miền núi nối với Đắk Lắk và Bình Định. Dọc theo “đường xương sống” ấy là bao nhiêu “đường xương sườn” nối các địa phương trong tỉnh với nhau và nối lên cả với các tỉnh Tây Nguyên. Cứ ngỡ như mơ!

 

Nhà văn Y Điêng (SN 1928, ở buôn Thung, xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh) có điều kiện đi đây đi đó nhiều, tác giả của tập truyện dài “Bên bờ Sông Hinh”, tâm sự: “Chưa bao giờ tôi thấy quê mình phát triển mạnh mẽ như lúc này. Buôn làng xa xôi nhất cũng đã có điện, đường, trường, trạm, chợ búa. Bây giờ lại có thêm con đường huyết mạch nối liền 3 huyện phía tây của tỉnh, nối thông với các tỉnh bạn sẽ giúp cho người dân nơi đây đổi đời”. Còn già làng Sô Minh Út (thôn Hà Rai, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân) chia sẻ: “Hồi trước tham gia chiến đấu, tôi thấy khắp vùng này toàn là núi rừng, đi từ vùng này sang vùng khác mất mấy ngày ròng. Bây giờ thì khỏe rồi, bà con rất thuận lợi trong việc vận chuyển sắn, mía hay muốn lên Đắk Lắk chơi cũng chẳng là bao. Có con đường này, bà con mình cảm ơn Nhà nước nhiều lắm”.

 

Trong một chuyến đi kiểm tra tuyến đường này, đồng chí Nguyễn Ngọc Ẩn, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh khóa V (bây giờ là Phó Chủ tịch UBND tỉnh) quê ở xã Sơn Long (huyện Sơn Hòa) đã trầm trồ trước sự hoành tráng của tuyến đường. Đoàn dừng xe ở đoạn đường tiếp giáp giữa Đồng Xuân và Sơn Hòa. Hai bên đường là rừng cao su non tơ độ hai năm tuổi đang xào xạc cùng gió núi, phía trước là những dãy nhà dân xây sát mặt đường khang trang. “Ngày xưa, vùng đất miền Tây này là căn cứ cách mạng. Khi hòa bình, nhất là từ khi tái lập tỉnh (1989), nơi đây được xem là vùng kinh tế tiềm năng. Thế nhưng muốn khơi dậy tiềm năng ấy, nhất thiết phải có đường sá. Mười năm trước, lãnh đạo tỉnh đã lên kế hoạch chiến lược cho “miền Tây” bằng trục giao thông xương sống này. Đến năm 2004, trục đường chính thức khởi công với tên gọi trục giao thông phía Tây hay trục dọc miền Tây”, đồng chí Nguyễn Ngọc Ẩn nói.

 

Đó là ký ức và niềm tự hào của những người con sinh ra trên vùng đất có truyền thống hào hùng này. Còn với tôi, ký ức về tuyến đường này, vùng đất này là những đoạn đứt quãng, khó khăn, chia cắt mỗi khi mùa mưa đến người dân gần như không thể đi lại giữa các xã, các huyện. Bây giờ, trước mắt là con đường phẳng lì bằng bê tông nhựa, những cây cầu kiên cố vượt sông.

 

CUỘC SỐNG MỚI - TƯƠNG LAI MỚI

 

Đi suốt tuyến từ điểm phía bắc Xuân Lãnh giáp Vân Canh (Bình Định) đến xã Sông Hinh giáp với Ma’Đrắc (Đắk Lắk), bạn mới thấy sự hoành tráng và ý nghĩa chiến lược của tuyến đường. Có ai đó từng ví trục đường này có vai trò, ý nghĩa như đường Trường Sơn của Phú Yên phục vụ cho công nghiệp hóa vùng đất phía tây và cả tỉnh. Điều đó không sai tí nào. Hình ảnh dễ bắt gặp nhất minh chứng cho sự phát triển kinh tế vùng này là những chiếc xe tải chở mía, chở sắn từ Xuân Lãnh về Nhà máy sắn Đồng Xuân và Nhà máy đường KCP phía bên kia cầu La Hai. Sắn, mía chất thành đống ven rẫy bên đường được bốc lên xe. “Bây giờ xe cải tiến chỉ chạy trong ruộng thôi”, anh Nguyễn Văn Bảy, một nông dân thứ thiệt ở thôn Lãnh Trường nói.

 

Dọc theo trục miền Tây mà chúng tôi đi qua, nhiều nhà cửa, hàng quán mọc lên. Nhiều nông dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế gia đình bằng cách đầu tư mua xe tải để vận chuyển nông sản cho mình và làm dịch vụ cho bà con. Có con đường đi qua, phong cảnh trở nên quang đãng, các loại hình kinh doanh dịch vụ và nhu cầu nhà ở nhiều, nên đất hai bên đường trở nên có giá. Cuộc sống bà con ở xã Xuân Lãnh hối hả, nhộn nhịp hẳn lên. Chủ tịch xã Võ Trọng Nam phấn khởi cho biết: “Cùng với trục dọc miền Tây mà Xuân Lãnh là cửa ngõ phía bắc giáp với Vân Canh (Bình Định), sắp tới sẽ có một con đường từ TX Sông Cầu đi Xuân Lâm qua Xuân Lãnh để lên Gia Lai. Theo quy hoạch của huyện Đồng Xuân thì tương lai Xuân Lãnh sẽ là thị tứ, trung tâm của ba xã Xuân Lãnh, Phú Mỡ và Đa Lộc”.

 

Đường nhựa bon bon, chẳng mấy chốc đến thị trấn La Hai. Cây cầu La Hai hoành tráng, giúp huyện Đồng Xuân không còn bị chia cắt mỗi khi mùa lụt đến, xa xa là ống khói vươn cao của Nhà máy đường KCP. Đoạn đường từ ngã ba Trà Kê, xã Sơn Hội xuống ngã tư Cây Me, xã Suối Bạc (Sơn Hòa) giờ đây đã thoáng đãng, bằng phẳng. Qua đèo Trà Kê, xe máy chạy không còn trắc trở như trước. Thỉnh thoảng bên đường, những chiếc xe máy thồ hai giỏ hàng làm chợ di động hay chở nông sản lên xuống nườm nượp. Thế rồi đến cầu Sông Ba, cây cầu nối Sơn Hòa và Sông Hinh. Đây là cây cầu lớn nhất trên toàn tuyến với 12 nhịp, chiều dài 432 mét, đã được xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2008. Từ đây, con đường càng đẹp hơn, giống như tranh vẽ bằng công nghệ 3D vậy. Đường phăng phăng qua làng mạc, cây cối, thi thoảng là những con dốc thoai thoải lên xuống, hai bên là những đám rẫy bạt ngàn màu xanh của những loại cây công nghiệp ngắn ngày.

 

Qua khỏi cầu Ea Trol vào phía nam đến xã Sông Hinh tiếp giáp Madrắk, bạn sẽ thấy hiện lên một bức tranh phong thủy hữu tình. Đó là hình ảnh xanh mướt của cánh đồng lúa nước một vụ ăn chắc ở xã Ea Trol, những cánh rừng trồng keo lá tràm, lòng hồ thủy điện Sông Hinh mơ màng, những rẫy cà phê chạy dài trên những sườn đồi uốn lượn… Trục đường miền Tây chạy giữa khung cảnh ấy!

 

Một hình ảnh nên thơ khác là những làng mạc, hàng quán bên đường khi đến gần ngã rẽ vào UBND xã Sông Hinh. Chị Trần Thị Thanh, chủ xe hàng tạp hóa di động cười toe miệng nói: “Có con đường này mình lên xuống Madrắk -  Sông Hinh mà không sợ mưa lụt chia cắt nữa”. Anh Nguyễn Văn Bi, quê ở Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) cùng gia đình đến xã Sông Hinh lập nghiệp bằng nghề đánh cá lăng ở hồ Sông Hinh, phấn khởi cho biết: “Từ ngày có con đường này, kinh tế gia đình tôi khá hẳn vì cá bán được giá, thương lái chạy ôtô đến tận nơi mua chứ không như lúc trước”. Chủ tịch UBND xã Sông Hinh Trần Ngọc Thuân khẳng định: “Từ ngày đoạn đường qua xã hình thành, nhiều doanh nghiệp ở các nơi đã về đây mở đại lý mua gom nông sản, bán vật tư nông nghiệp, xây dựng. Cuộc sống ở xã vùng cao này đang nhộn nhịp lên từng ngày, điều mà trước đây có mơ cũng không thấy”.

 

Những xe tải nhẹ, ôtô khách mang biển số 78, 47 qua lại Phú Yên - Đắk Lắk đã không còn xa lạ với trẻ con ở vùng này. Con đường “đau khổ”, đứt khúc năm nào giờ đây đã liền mạch. Miền Tây là đây, đã gần lắm khoảng cách giữa miền xuôi và miền ngược. Tôi bỗng nhớ đến buổi nói chuyện của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đào Tấn Lộc trong dịp về với bà con nơi đây: “Những công trình hạ tầng mang tầm vóc chiến lược phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đời sống dân sinh của nhân dân miền Tây sẽ lần lượt được hình thành. Có thể trước mắt đời sống còn khó khăn, nhưng bằng mọi cách, bà con phải cho con em đến trường học chữ. Điều đó chính là nội lực dài lâu để đưa cuộc sống nơi đây phát triển”.

 

Trục giao thông dọc miền Tây nối Phú Yên với Đắk Lắk và Bình Định gồm 8 tiểu dự án, dài 115,56km, trên toàn tuyến có 11 cầu, 2 cống tràn liên hiệp đi qua 3 huyện miền núi của tỉnh có tổng mức đầu tư 609 tỉ đồng, trong đó, vốn trái phiếu Chính phủ 552 tỉ đồng, vốn ngân sách tỉnh 7 tỉ đồng, vốn ADB 50 tỉ đồng. Đến nay chỉ còn tiểu dự án 2, tiểu dự án 3 trên địa bàn huyện Đồng Xuân và một phần địa bàn huyện Sơn Hòa đang bước vào giai đoạn nước rút. Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Phú Yên Nguyễn Trọng Sử cho biết: “Mặc dù gặp nhiều khó khăn do thời tiết, các đơn vị thi công đang gấp rút thi công để kịp hoàn thành đúng tiến độ”. Theo kế hoạch, toàn bộ dự án sẽ hoàn tất vào quý III năm nay.

 

THẢO MINH

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek