Thứ Bảy, 21/09/2024 19:51 CH
Ðá Bia
Thứ Sáu, 27/05/2011 10:30 SA

Tháng 4, cũng như rất nhiều người con Phú Yên trở về quê mẹ kỷ niệm 400 năm hình thành và phát triển (1611-2011), tôi về Hòa Xuân Nam (huyện Ðông Hòa) - nơi được mệnh danh là lũy thép dưới chân đèo Cả, leo lên ngọn Ðá Bia hùng vĩ, thả hồn mình để ngắm nhìn cả một vùng “đất Phú, trời Yên” bao la…

 

da-bia-3110527.gif

Đá Bia - Ảnh: V.TÀI

 

Tương truyền ngày xưa, khi vua Lê Thánh Tông thân chinh đánh dẹp quân Chiêm Thành quấy nhiễu bờ cõi, ông đã lấy núi Đá Bia phân định ranh giới hai nước Việt - Chiêm và khắc lên đá bia những dòng chữ khẳng định chủ quyền Đại Việt. Nhưng hiện nay,  không có vết lưu lại ngoài một tảng đá cao sừng sững và những đụn mây trắng xốp ôm quanh đỉnh núi Đá Bia…

 

Theo sách “Các truyền thuyết huyền thoại liên quan đến di tích lịch sử và danh thắng Phú Yên” của hai tác giả Đào Minh Hiệp và Đoàn Việt Hùng, người Chăm gọi Đá Bia là Hduơn Ktol, có nghĩa là núi Cùi Bắp, vì trông hình dạng rất giống cái cùi bắp cắm trên cao. Một ngày kia, thủ lĩnh của bộ tộc Chăm ra lệnh toàn bộ chiến binh phải thử cung tên của mình để kiểm tra hiệu quả của loại vũ khí này. Tất cả đều leo lên ngọn núi cao Chư Sê và giương cung nỏ, nhắm vào tiêu điểm là núi Cùi Bắp để bắn. Hàng ngàn mũi tên đồng loạt bật khỏi dây cung và xuyên thủng núi Cùi Bắp, tạo thành một đường hầm rộng chạy thẳng ra biển.

 

Trong khi đó, các nhà hàng hải Pháp gọi núi Đá Bia là Ngón Tay Chúa. Theo họ, khi đi ngoài biển nhìn vào, tảng đá trên núi dựng cao giống ngón tay chỉ lên trời. Đó là tiêu điểm để làm căn cứ cho tàu chạy dọc theo biển Đông. Sau này, năm 1890, một sĩ quan hải quân người Pháp tên Varella cho xây một ngọn hải đăng định vị cho tàu bè qua lại. Dân địa phương gọi nơi đó là Mũi Điện, còn trong sách địa lý hàng hải thì gọi Mũi Varella.

 

Dưới chân núi Đá Bia là đèo Cả. Trong cuộc Nam tiến, anh vệ quốc đoàn - nhà thơ Hữu Loan đã viết nên những câu thơ: “... Những người trấn đèo Cả/Về bên suối đánh cờ/Người hái cam rừng/ ăn nheo mắt/Người vá áo/ thiếu kim, mài sắt/ Người đập mảnh chai/vểnh cằm/cạo râu/Suối mang bóng người/soi/những/về đâu?”. Với bài thơ Đèo Cả, từ những năm đầu kháng chiến, Hữu Loan đã đưa tên của vùng đất trấn biên vang xa. Còn nhà văn Pháp Roland Dorgelès trong cuốn ký sự Trên đường cái quan (Sur la route mandarine), hồi đầu thế kỷ trước, đã mô tả đèo Cả: “Những hòn đá cao quá bắt ngộp, nghiêng mình mà trầm tư mặc tưởng, những cái thác nhỏ trắng phau, chảy từ cao xuống hố thẳm, những cây suôn đuột lên trời, bốn bên dây lá leo phủ, thật là một cảnh cỏ cây chen đá lá chen hoa…”.

 

Cư dân sống ở vùng này, không ai không biết những câu chuyện về ngọn núi Đá Bia và đèo Cả. Nhiều người trong số họ, từ thuở ấu thơ, đã được nghe các bà, các mẹ hát câu ca dao: “Chiều chiều mây phủ Đá Bia/ Đá Bia mây phủ chị kia mất chồng/Mất chồng như nậu mất trâu/ Chạy lên chạy xuống cái đầu chơm bơm”… Lớn lên, nhiều người dân ở đây phải dựa vào ngọn núi Đá Bia để mưu sinh, từ việc đốt than, hái củi trên núi Đá Bia đến nghề chẻ đá dưới chân núi. Nếu có dịp đến đây, bạn sẽ nghe hàng trăm âm thanh chan chát từ tiếng búa chẻ đá. Nghề chẻ đá thu hút và nuôi sống hàng trăm lao động ở các địa phương dưới chân đèo Cả. Tuy nhiên, việc khai thác đá bừa bãi, ồ ạt, không tuân thủ quy trình kỹ thuật của một số chủ doanh nghiệp đã dẫn đến những tai nạn đau lòng. Sau bóng núi cao chót vót là chập chững bước chân trẻ mồ côi, con của những người thợ chẻ đá xấu số…

 

Ông Trần Văn Ngãi, Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân Nam đưa chúng tôi lên ngọn Đá Bia. Theo ông Ngãi, ngày trước muốn lên được đỉnh núi Đá Bia không phải là chuyện dễ dàng. Năm 2001, sau nhiều lần du khảo, Tỉnh Đoàn Phú Yên làm một con đường từ phía nam đèo Cả dẫn lên đỉnh núi Đá Bia. Tuy nhiên, cũng phải mất gần 2 giờ đồng hồ, chúng tôi mới lên đến đỉnh núi, nơi có một tảng đá khổng lồ đứng vươn thẳng lên trời cao, quanh năm mây trắng che phủ, mù mịt hơi sương. Một đồng nghiệp đi cùng nói: “Chúng ta đã được đứng trên tầng cao bao la của vùng đất Phú trời Yên”.

 

Trên tầng cao bao la của đỉnh núi Đá Bia, nhìn về hướng tây là núi rừng trùng điệp, là những mái ngói đỏ ẩn mình trong màu xanh của cánh đồng lúa Tuy Hòa. Nhìn ra phía đông mênh mông màu xanh nước biển. Ngước mặt nhìn trời, trời cao lồng lộng, thăm thẳm xanh. Thỉnh thoảng vài lọn mây trắng kéo qua, có thể với tay chạm vào được. Gió ngàn reo quanh triền đá, sóng biển lao xao thầm thì, những chú chim hải âu xoãi cánh như muốn nối liền một giao khúc để đất trời hội tụ nơi thiêng liêng này, khiến mọi người dễ có cảm giác như đang đứng trên chốn “bồng lai tiên cảnh”. Và hơn hết, như được sống lại một thuở hào hùng của cha ông thời mở cõi. Mỗi tấc đất nơi đây thấm đẫm máu của bao lớp người, trải suốt chiều dài 400 năm kể từ ngày Chúa Nguyễn Hoàng đặt tên cho Phú Yên. Rồi Đá Bia, đèo Cả trở thành phên giậu, thành miền biên viễn giao tranh ác liệt thuở Đại Việt cho đến những cuộc kháng chiến sau này...

 

VĂN TÀI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek