Thứ Bảy, 21/09/2024 19:55 CH
Ðánh bại chiến tranh đặc biệt, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng (1962-1965) (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Sáu, 27/05/2011 08:49 SA

Ngày 5/10/1964, quần chúng 7 xã thuộc huyện Tuy Hòa 1 kéo “đội quân tóc bối” vào quận Phú Lâm gặp trực tiếp tên quận trưởng đòi địch phải trả những người dân vô tội bị chúng giam cầm đánh đập. Đòi phải bồi thường hoa màu tài sản do các cuộc càn quét mà bọn binh lính chúng đốt phá, cướp giật. Chị Đoàn Thị Thu ở xã Hòa Thắng dẫn đầu đoàn quân trong tay không tấc sắt vào thẳng thị xã định tới gặp Tỉnh trưởng nhưng bị bọn lính chặn lại, chúng ngăn cản xé cờ, chị chửi vào mặt giặc, giành lại cờ quấn chặt lên ngực, bị chúng đánh chết.

 

Ngày 28 và 29/8/1964, tại ba xã Hòa Đồng, Hòa Thịnh, Hòa Mỹ, bà Lê Thị Kỉnh cùng số đông chị em phụ nữ giang tay nhau nằm giữa đường chặn đoàn xe quân sự địch đi càn dẫm nát hoa màu, mương đập, buộc địch chấp nhận một số yêu sách: không được đốt phá, cướp giật tài sản, hoa màu của dân, phải nạo vét kênh mương đập do Mỹ - ngụy thả bom đánh phá, phải để cho dân được tự do làm ăn sinh sống... Đáng chú ý là cuộc đấu tranh của đồng bào xã Hòa Thịnh, Hòa Mỹ được đông đảo các nhà sư, tín đồ Phật giáo tham gia kéo đến quận, tỉnh trực tiếp đấu tranh chống bọn lính đi càn quét, chống cướp giật, đặc biệt là trong trận càn quét đó chúng cắt đầu 3 người dân và 1 nhà sư, đòi chúng phải trả nợ máu. Trước thái độ đấu tranh cương quyết của nhân dân, bọn ngụy quyền quận, tỉnh hứa phải chấp nhận yêu sách của dân.

 

Ngày 18/7/1964, bà Nguyễn Thị Thẻo ở xã An Lĩnh khi địch đổ bộ vào thôn xóm, chúng dùng súng bắn loạn xạ, bà đã đến trước mặt bọn chỉ huy nắm chặt nòng súng địch hướng đạn nổ lên trời không cho đạn lọt vào dân, bọn chỉ huy trận càn phải chấp nhận.

Ngày 12/11/1964, cuộc biểu tình 10.000 người thuộc 4 xã: Xuân Lộc, Xuân Thọ, Xuân Thịnh, Xuân Cảnh kéo đến quận lỵ Sông Cầu trực diện đấu tranh, bọn ngụy quyền quận bỏ chạy, ta giải phóng 4 xã này một thời gian.

 

Tiếp đến ngày 21/11/1964, đồng bào 8 xã: An Chấn, An Ninh, An Thạch, An Dân, An Cư, An Định, An Nghiệp, An Hòa thuộc huyện Tuy An kéo đến quận lỵ Phú Tân buộc tên quận trưởng giải quyết các yêu sách. Bọn ngụy quyền quận phải đứng ra xin lỗi đồng bào.

 

Năm 1964, ta giành được 45.000 dân, 55 thôn. Đến cuối năm 1964, vùng giải phóng mở ra 169 thôn, 87 buôn làng dân tộc, trong đó có 16 xã đồng bằng, 17 xã dân tộc, với 14 vạn dân trong tổng số trên 30 vạn dân toàn tỉnh lúc đó.

 

Cuộc chiến đấu chống xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai đã được 5 năm (1960-1964), Phú Yên chưa được chi viện nhiều về vật chất của Trung ương vì đường sá xa xôi cách trở, mỗi lần đi gùi cõng hàng về địa phương mất 3 tháng, do đó phải phát huy tinh thần tự lực cánh sinh, lấy sức dân mà khai thác tại chỗ. Riêng mặt trận sản xuất 1963-1964 tăng vượt chỉ tiêu trồng sắn, bắp và các loại hoa màu ngắn ngày để bù đắp lại nạn thiếu lương thực năm 1963, dập tắt nạn đói ở cơ quan và ở miền Tây. Tỉnh tập trung lo giải quyết nạn đói vừa xong, tiếp đến nạn lụt tháng 11/1964, đã phá hoại mùa màng nghiêm trọng; các xã giải phóng có trên 20 người chết, 700 người bị đau ốm, 500 gia đình bị đói. Nặng nhất là xã An Ninh, An Hải, hàng trăm ngôi nhà bị sập, hàng ngàn hecta lúa và các loại hoa màu bị nước cuốn trôi. Mương dẫn nước Tuy Hòa 2 bị lở 200m, 2.200 giạ giống không nước tưới, 2.000 giạ giống khác bị ngập nước mặn, nặng nhất là huyện Tuy An, Sông Cầu, miền Tây. Bão lụt phá hủy mất 4 triệu gốc sắn, lúa mùa bị mất 40%. Nạn lụt năm 1964 để lại hậu quả nghiêm trọng, tiếp đến hạn hán gây ra đói kém ở một số nơi như Tuy An, Đồng Xuân, miền Tây. Ba vạn nhân dân miền biển, 1.000 đồng bào Tuy Hòa 2 và Sơn Hòa bị đói từ 2 đến 4 tháng, tỉnh phải xuất 500.000 đồng, 19 tấn bắp, 400 bộ quần áo, 2.200m vải cứu tế. Nông hội cùng các đoàn thể quần chúng tổ chức quyên góp, động viên dân giúp đỡ lẫn nhau lá lành đùm lá rách. Đoàn kết đấu tranh buộc bọn ngụy quyền cấp huyện, tỉnh bỏ bao vây kinh tế, đòi quan hệ giao lưu, đòi sửa mương đập Đồng Cam lấy nước tưới cho sản xuất. Công đoàn tổ chức ở các vùng giải phóng ven biển, tập hợp anh em chuyên sống bằng nghề chài lưới, hướng dẫn ngư dân chống địch bắn phá, ngăn thuyền bè ra khơi làm ăn.

 

Ở đồng bằng, quan hệ mua bán được mở rộng, quyền lợi ruộng đất, tô tức giữa địa chủ và nhân dân được giải quyết. Đời sống của đồng bào và cán bộ được cải thiện một bước. Các xã giải phóng ven biển, ngư dân được tổ chức sắp xếp lại vừa chân biển, vừa chân đồng. Vùng giải phóng được mở rộng, địch có hiện tượng co cụm lại để củng cố. Tranh thủ thời cơ, cuối năm 1964 đầu năm 1965, Trung ương chi viện cho liên 3 tỉnh (Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk) 3 chuyến tàu thủy chở đầy vũ khí cập vào bến Vũng Rô. Đến chuyến thứ 4 bị địch phát hiện. Chúng huy động mấy trung đoàn, sử dụng đủ các loại binh chủng đánh phá lùng sục suốt ngày đêm xung quanh vùng nhưng anh em dân công vẫn di chuyển một cách an toàn bí mật. Nhờ có vũ khí trên, ta chi viện trang bị cho lực lượng du kích, vũ trang địa phương tiếp tục phát động quần chúng nổi dậy phá số ấp chiến lược còn lại.

 

Vào những tháng cuối năm 1964, ta thắng lợi dồn dập. Địch ít bắn phá vùng căn cứ và vùng giải phóng cũ mà co cụm xung quanh thị xã, thị trấn và các điểm đóng quân. Tỉnh ủy quyết định tổ chức Đại hội Đảng lần thứ 2 tại xã Sơn Long (huyện Sơn Hòa) vào ngày 8 đến 14/2/1965. Tiếp đến ngày 10/2/1965, tỉnh tổ chức Đại hội đại biểu các tầng lớp nhân dân thành lập Mặt trận Giải phóng tỉnh.

 

Để làm sáng tỏ thêm Nghị quyết đại hội tỉnh Đảng bộ, cuộc họp bất thường của Tỉnh ủy từ ngày 15 đến ngày 20/3/1965 nhấn mạnh: “Nội dung tư tưởng của tình hình mới là nỗ lực vượt bậc, tấn công địch liên tục, đều khắp, quyết liệt, quán triệt tính chất ác liệt của chiến tranh, sẵn sàng và chủ động, tích cực chống địch, đánh bại địch...”.

 

Để thực hiện quyết tâm chiến lược của tỉnh, các huyện dấy lên phong trào phá ấp chiến lược còn lại. Từ đó bộ máy ngụy quyền kìm kẹp ở cơ sở bị phá tan rã từng mảng lớn. Đường số 7 từ TX Tuy Hòa lên Củng Sơn bị khống chế, địch ở Củng Sơn phải tiếp tế bằng máy bay. Số dân được giải phóng thêm trong năm 1965 là 63.000 người, 47 xã trong số 69 xã toàn tỉnh được giải phóng, với số dân 20 vạn, 8 xã giải phóng từ 1/2 đến 1/3, vùng tranh chấp trên 4 vạn người, địch chỉ còn tạm kiểm soát được 14 xã với 12 vạn dân, trừ thị xã Tuy Hòa, nói chung không xã nào địch kiểm soát được hoàn toàn... nhiều trục đường và địa bàn quan trọng lực lượng cách mạng làm chủ, buộc địch co lại 8 cụm. Phong trào cách mạng có những bước phát triển nhảy vọt. Ở vùng giải phóng đồng bằng ta tiến hành những cải cách dân chủ có điều kiện thực hiện tạm cấp 1.790ha ruộng đất vắng chủ do chính quyền Cách mạng tạm thời quản lý cho trên 11.000 nhân khẩu. Đến tháng 4/1965, nông dân vùng giải phóng có trên 40.000 dân được địa phương cấp cho 100 tấn lúa.                                   

 

(Còn nữa)

CAO XUÂN THIÊM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek