Thứ Bảy, 21/09/2024 18:42 CH
Bài tham gia cuộc thi “Phú Yên - ký ức và ước vọng”:
Hòa Hiệp Nam - vùng đất anh hùng
Chủ Nhật, 05/06/2011 15:00 CH

Trong ký ức của nhiều người, Hòa Hiệp Nam trước kia chỉ là vùng đất cát, với những mái nhà tranh xơ xác, người dân quanh năm lam lũ với đồng ruộng, đi bắt con tôm, con cá ở sông Bàn Thạch. Và những trận “mưa” bom, “bão” đạn cày nát từng tấc đất, gốc cây, những trận địch càn đốt làng phá xóm… Sau khi đất nước thống nhất, Hòa Hiệp Nam cũng đổi thay, đời sống bà con khá hơn nhiều nhờ vào đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.

 

vung-tom110605.jpg

Vùng nuôi tôm ở thôn Đa Ngư, xã Hòa Hiệp Nam. - Ảnh: N.MINH

 

Hòa Hiệp Nam gồm 3 thôn Thọ Lâm, Đa Ngư và Phú Lạc, trong chiến tranh thuộc xã Hòa Hiệp. Từ năm 1981, đơn vị hành chính Hòa Hiệp được Chính phủ đồng ý cho chia tách thành 3 xã: Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Trung và Hòa Hiệp Nam. Hòa Hiệp Nam nằm ở phía đông nam huyện Đông Hòa, phía đông giáp biển đông, tây giáp Hòa Xuân Đông, nam giáp xã Hòa Tâm, bắc giáp xã Hòa Hiệp Trung, có diện tích tự nhiên 1.568ha, dân số hơn 10.500 người. Người dân ở xã này sống dựa vào nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp và đánh bắt hải sản, trong đó diện tích nuôi trồng thủy sản 432ha; diện tích nông nghiệp 105ha.

 

KÝ ỨC VỀ VÙNG ÐẤT ANH HÙNG

 

Quân và dân xã Hòa Hiệp Nam có truyền thống yêu nước. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, 21 năm kháng chiến chống Mỹ, người dân nơi đây dũng cảm, kiên cường lập nên nhiều chiến công hiển hách. Vùng đất này được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và “Anh hùng lực lượng an ninh nhân dân”. Trong những kỳ tích ấy không thể thiếu việc quân và dân Hòa Hiệp Nam góp phần tạo nên huyền thoại “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Trong nhiệm vụ đó, quân và dân xã Hòa Hiệp nói chung, Hòa Hiệp Nam nói riêng đã đóng góp công sức xây dựng bến Vũng Rô, tiếp nhận, vận chuyển vũ khí, đánh địch và bảo vệ kho tàng khi tàu cập bến. Đại tá Đặng Phi Thưởng, nguyên Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, quê ở Phú Lạc, nguyên chiến sĩ K60 bảo vệ bến tàu không số Vũng Rô, kể lại: “Là con dân vùng đất cát, là chiến sĩ bảo vệ tàu không số Vũng Rô, tôi đã chứng kiến rất nhiều cuộc càn quét đẫm máu của địch trên quê hương này, những trận đánh ác liệt giữa ta và địch để giành từng tất đất cũng như quá trình bảo vệ và vận chuyển vũ khí từ bến tàu không số Vũng Rô. Đáng nhớ và cảm động nhất là chuyến tàu thứ ba, vào cuối năm 1964. Đúng 23g50 ngày 1/2/1965 (tức đêm giao thừa năm Ất Tý), tàu vừa cập bến cũng là lúc Bác Hồ chúc tết đồng bào cả nước. Tôi cũng như tất cả các chiến sĩ và nhân dân đều hồ hở, phấn khởi. Lời Bác thúc giục quân và dân quyết tâm chiến đấu để nhanh chóng giành thắng lợi, thống nhất đất nước. Đây là động lực mạnh mẽ thôi thúc chúng tôi làm tốt nhiệm vụ cho những chuyến tàu sau cũng như đánh địch để bảo vệ bến tàu. Lần đó, trước khi tàu rời bến ra Bắc, cô gái dân công gởi cho tàu không số nắm đất Vũng Rô, nắm đất của quê hương Phú Yên kiên cường bất khuất. Kỷ vật ấy hiện được Bảo tàng Hải quân lưu giữ”.

 

Những năm chiến tranh, Hòa Hiệp Nam là nơi tranh chấp, ta và địch quyết liệt giành nhau từng tấc đất, có những trận đánh ác liệt, kéo dài nhiều ngày liền. “Địch dùng tàu lớn đổ quân lên bãi Tiên, bãi Tràm, bãi Con, bãi Xép…, nhưng chúng chưa lên bờ thì đã bị lực lượng vũ trang nổ súng, hai bên đánh nhau suốt mấy tiếng đồng hồ” - ông Lê Thanh Hóa, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hòa Hiệp Nam nhớ lại. Trước đà lớn mạnh của phong trào cách mạng, nhất là sau sự kiện Vũng Rô, địch càng ra sức đánh phá. Chúng cho hơn một trung đoàn có đại bác, máy bay, tàu chiến hợp sức đánh vào Hòa Hiệp. Tại xóm Tre (Đa Ngư), các chiến sĩ lực lượng vũ trang giải phóng xã đã đánh trả quyết liệt nhiều đợt tấn công của địch, diệt 81 tên trong đó có 2 cố vấn Mỹ. Quân ta cũng tổn thất. Ông Nguyễn Duy Luân (Chín Cao), nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, kể: “Trong những năm chiến tranh, từ 1955 đến 1975, cứ mỗi một bước ngoặt, mỗi một giai đoạn khó khăn, tôi có mặt ở Hòa Hiệp. Dân Hòa Hiệp rất anh dũng, rất quả cảm nên địch rất sợ. Chính vì vậy, đây là địa phương đầu tiên của tỉnh được tặng thưởng huân chương trong kháng chiến. Đặc biệt, bãi Xép là nơi Huyện ủy Tuy Hòa tổ chức hội nghị đầu tiên, anh em từ Bình Định đi thuyền vào và anh em trên núi đi xuống gặp nhau tại bãi Xép, để tổ chức họp thành lập huyện ủy đầu tiên của tỉnh”.

 

Với ý chí kiên cường đó, với sự đồng lòng của nhân dân, quân và dân Hòa Hiệp Nam đã bẻ gãy các trận càn của địch. Các trận đánh với số lượng địch đông hơn, dùng vũ khí hiện đại sát thương lớn nhưng ta vẫn thắng. Hòa Hiệp được Nhà nước tuyên dương là xã thành đồng. Đâu đó có thơ rằng:

 

“Tôi lên cạnh ngọn Đá Bia hùng vĩ,

Kẽ đá ghi công mười lăm liệt sĩ,

Mười lăm người đội du kích Đa Ngư.

Bia trắng, chữ son, anh dũng tuyệt vời

Xứng tên tuổi con Thành đồng Tổ quốc.

Sống chiến đấu như Đa Ngư, Điện Ngọc.

Chết vinh quang như Hòa Hiệp, Nhơn Ninh…” .

….

 

NHỮNG BƯỚC THĂNG TRẦM CỦA MỘT VÙNG ÐẤT

 

Đi dọc con đường chính từ thôn Thọ Lâm đến thôn Phú Lạc của xã Hòa Hiệp Nam, chúng ta bắt gặp nhiều ngôi biệt thự, nhà cao tầng rất khang trang. Đó là kết quả những mùa vụ trúng tôm sú, một số nông dân lam lũ đã trở thành tỉ phú nhờ nuôi trồng loài thủy sản này.

 

Những năm đầu sau giải phóng, dân Hòa Hiệp Nam chủ yếu làm ruộng và đánh bắt trên sông, trên biển. Ông Đinh Thuận, Chủ tịch xã Hòa Hiệp Nam, cho biết: “Nghề nuôi tôm phát triển từ những năm 1987-1990. Hồi đó bà con nuôi theo dạng quảng canh, hồ rộng thả thưa, thức ăn cá, tôm bắt từ sông từ biển. Nghề nuôi tôm đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người, so với làm ruộng thì thu nhập cao hơn. Sau đó, phong trào nuôi tôm phát triển mạnh, người dân mở rộng diện tích và tăng mật độ nuôi để tăng sản lượng. Những năm từ 1990 -1992, người nuôi đều thắng lợi, còn những năm sau thì năm được năm mất, có khi 2 - 3 năm mới trúng”.

 

Hấp lực từ những đìa tôm sú cho lãi cao đã thôi thúc nhà nhà, người người chuyển từ ruộng lúa sang làm hồ nuôi tôm với hơn 423ha. Diện tích nuôi tôm ngày càng mở rộng. Không những thế, người nuôi thả tôm dày, xả thải ra sông, lấn chiếm gây ách tắc dòng chảy... Do đó môi trường nước ngày càng suy thoái, ô nhiễm; dịch bệnh tôm xảy ra, lây lan càng lúc càng nghiêm trọng hơn. Từ năm 2002 trở về sau, liên tiếp nhiều vụ, người nuôi trắng tay vì dịch bệnh tràn lan, con giống không đảm bảo… dẫn đến mất khả năng trả vốn vay ngân hàng. Lúc này, không còn ruộng để làm lúa, một số bà con phải bỏ xứ đi nơi khác làm ăn.

 

Sau một thời gian các đồng tôm sú bị bỏ hoang, tôm thẻ chân trắng lên ngôi. Ban đầu, một số hộ nuôi thử tôm thẻ chân trắng và đã thành công. Chỉ sau một thời gian ngắn, thấy tôm thẻ chân trắng dễ nuôi, có lãi, nhiều người đã học hỏi và làm theo. Đến nay vùng nuôi tôm Hòa Hiệp Nam sôi động trở lại và cuộc sống của bà con đã được cải thiện. Ông Lê Thanh Hóa, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hòa Hiệp Nam, cho biết: “Sau ngày giải phóng, Hội Cựu chiến binh chúng tôi tham gia tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo, xây dựng quê hương giàu đẹp. Trong những năm bà con nuôi tôm sú thua lỗ, anh Năm Rùm, hội viên cựu chiến binh của xã là một trong những người tiên phong nuôi tôm thẻ chân trắng và đạt hiệu quả cao. Sau đó, anh đã hướng dẫn cho bà con cùng nuôi. Trong năm 2007, 2008 và những năm sau, năng suất tôm thẻ chân trắng từ 5-8 tấn/ha, bình quân lãi 100-200 triệu đồng/ha. Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng được nhân rộng ra các vùng khác cũng đạt năng suất cao”. Ông Phạm Thanh, chủ đại lý bán thức ăn và nuôi tôm lâu năm, bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn các cấp các ngành thường xuyên kiểm tra môi trường, kiểm dịch chất lượng giống, tập huấn kỹ thuật nuôi tôm… và tạo điều kiện để người nuôi vay vốn với lãi suất ưu đãi để tiếp tục đầu tư vào mô hình này”. Còn Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Nam Đinh Thuận nói: “Đề nghị các cơ quan, ban ngành liên quan quan tâm, đầu tư hệ thống tưới tiêu, nạo vét kênh mương cả chính lẫn phụ và quy hoạch lại vùng nuôi tôm thẻ chân trắng cho phù hợp để tránh trường hợp bị ô nhiễm. Xã đã xây dựng xong quy chế vùng nuôi, tuy nhiên trong quá trình tổ chức thực hiện chưa đi vào khuôn khổ. Nếu quy chế vùng nuôi được áp dụng, bà con ủng hộ và được các cấp tạo điều kiện thì người nuôi tôm sẽ ít gặp rủi ro, đời sống được cải thiện”.

 

Hòa Hiệp Nam có trục giao thông (khi đã hoàn thành) nối liền với TP Tuy Hòa, bắt đầu từ cầu Hùng Vương chạy dọc bờ biển đi qua ba xã Hòa Hiệp vào cảng Vũng Rô. Nằm ở vùng kinh tế phía nam của tỉnh, địa phương này có thuận lợi trong việc phát triển công nghiệp, ngư nghiệp, dịch vụ du lịch, đặt biệt là đánh bắt nuôi trồng thủy sản. Trong những năm vừa qua, ở Hòa Hiệp Nam, kinh tế tư nhân có chiều hướng phát triển, với 495 hộ kinh doanh cá thể, giá trị công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng. Toàn xã có 261 tàu đánh bắt gần bờ các loại với sản lượng 950 tấn/năm, nuôi trồng thủy sản trên 235ha, tổng sản lượng thu hoạch 1.290 tấn. Dù còn nhiều khó khăn song Hòa Hiệp Nam - vùng đất “thành đồng” xưa đang chuyển mình vươn lên no ấm.

 

Ông Nguyễn Tào, quê ở Đa Ngư, lập nghiệp và thành đạt tại Cam Ranh (Khánh Hòa), nói: “Mỗi lần về, thấy quê hương mình có nhiều đổi mới, cuộc sống của bà con sung túc hơn nhiều. Tôi tính những năm sau này sẽ về đây sinh sống và đầu tư vào những công trình phúc lợi trên quê hương mình”.

 

NGỌC THẮNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek